1. "Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia Thần" (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản 8-2024) do hai nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc biên soạn không chỉ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về văn hóa thờ tự trong ngôi nhà Việt mà còn lý giải sâu sắc đặc trưng văn hóa tâm linh của người Việt. Với nội dung khoa học được trình bày dễ hiểu, hấp dẫn, chắc chắn “Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia Thần” sẽ lôi cuốn độc giả đến trang sách cuối cùng.
Việc thờ tự tổ tiên ở xứ ta không chỉ là chuẩn mực luân lý mà còn nhằm chỉ rõ “Ta là một nhân vị có cội nguồn, chứ không phải là một tay ma cà bông... không có gia phả!”. Phụng thờ tổ tiên là một nghĩa vụ của đạo Hiếu được chế định trong cổ luật nên không gian thờ tự năm đời (Ngũ đại mai thần chủ) ở mỗi gia đình là một thiết chế cụ thể. Đó là quy phạm của thế gian, còn ở khía cạnh tín ngưỡng, tập hợp vong hồn tổ tiên là một bộ gia thần có công năng chứng giám và phù hộ cho con cháu trong mọi việc làm ăn sinh sống.
Chính vì vậy, nơi thờ tự tổ tiên là không gian thiêng liêng nhất trong nhà. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ quan niệm “Vạn vật hữu linh”, đó là niềm tin về sự bất tử của linh hồn: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Thể phách hiểu là vía, tinh anh là hồn. Nhưng còn có niềm tin khác vào sự “kính thành” như Kinh Thư viết đại ý: Trời không thân với ai, chỉ thân với người hay kính (...). Quỷ thần thường không có chứng giám cho ai, chỉ chứng giám cho kẻ có lòng kính thành. Hiểu nôm na là: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
2. “Những bức thư gửi từ hành trình sống” tác giả Đinh Hoàng Anh (NXB Dân trí, 8-2024) viết về tâm thế lạc quan, bình thản đón nhận mọi điều trong cuộc sống để có bình an.
Sách lấy ý tưởng về những lá thư. Độc giả có thể mở bất cứ trang nào, đọc từ bất kỳ đâu những đoạn văn ngắn, những câu chuyện nhỏ. Tác giả sắp xếp các bài viết thành ba phần: Cuộc sống là ngôi trường vĩ đại, Những câu hỏi chính là những con đường và Ta đến vườn hoa đời này để nở hoa trong yêu thương. Trước mọi câu hỏi, mọi vấn đề xảy ra, tác giả thể hiện thái độ sống thuận theo tự nhiên, giống như bông hoa tự nở tự tàn hay mặt trời mọc rồi lặn. Thuận tự nhiên không phải không làm gì, mà là không cưỡng ép vạn vật đi ngược quy luật vốn có, cũng như không buộc con người làm trái với mong muốn bản thân. Với tác giả, đó chính là thuận tự nhiên.
Tác giả viết: "Điều quan trọng hơn cả đối với hành trình trên thế gian này là gì? Tôi suy nghĩ về vấn đề này từ hồi rất nhỏ cho đến hôm nay, và đã có vô số câu trả lời khác nhau, nhưng chưa bao giờ thấy thực sự thỏa đáng. Thế rồi, vào một ngày cuối xuân trong trẻo dịu dàng, ngồi trước khung cửa sổ mênh mang gió, tôi chợt nhận ra chẳng có gì là quan trọng, hoặc là mọi thứ đều quan trọng như nhau...".
MẪU ĐƠN