Tác phẩm văn học nghệ thuật bày tỏ với đời

.

“Làm thế nào để đưa tác phẩm văn học - đứa con tinh thần mà mình rút ruột hình thành với tất cả tâm huyết, tình yêu, tài năng và sự nỗ lực hết mình cho nghệ thuật ngôn từ đến với bạn đọc một cách hiệu quả, như ý nhất?”. Đây luôn là câu hỏi lớn đối với các thế hệ những người viết văn, những nhà văn từ xưa đến nay.

Cuộc sống luôn có những biến động, thêm vào đó là sự chiếm lĩnh của các phương tiện truyền thông hiện đại, các luồng thông tin văn hóa, khoa học và giải trí mới mẻ. Hiện nay, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật còn có sự cạnh tranh bởi trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, các nhà văn nhất thiết phải thay đổi tư duy thiên về lối mòn thụ động, phải có những phương thức thích hợp trong việc đưa tác phẩm văn học đến bạn đọc, có như vậy mới có thể lan tỏa tác phẩm trong mọi tầng lớp, lứa tuổi bạn đọc.

Vừa qua, tại Hội thảo "Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc" do Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ cho rằng, trong chừng mực nhất định, khi văn hóa đọc đang “đi xuống” thì việc nhà văn tự cứu mình, cùng giúp nhau phổ biến tác phẩm là vô cùng cần thiết. TS Huỳnh Văn Hoa thì quan tâm đến các bạn đọc nhỏ tuổi và day dứt bởi mấy năm nay, khoảng trống vô hình nơi tâm hồn các em đã bị lấp đầy bởi những truyện tranh ồ ạt xuất bản, bởi bao trò chơi điện tử và nhiều thứ khác chưa biết đến...

Chúng ta vẫn chưa có những tuyển tập hay và xuất sắc về văn chương thiếu nhi được biên soạn công phu, nghiêm túc, có chất lượng dành cho các em. Nhà thơ Mai Hữu Phước khẳng định bước vào kỷ nguyên của kỹ thuật số, người viết buộc lòng phải chuyển hướng quảng bá tác phẩm của mình lên thế giới ảo, nếu không thì đó là một sự thua thiệt. Trong khi đó, nhà văn trẻ Lê Thị Lệ Hằng - tác giả có nhiều bản thảo được các NXB mua bản quyền trong những năm qua - chia sẻ, đối với một tác giả, tiếp cận các NXB, các công ty phát hành, các nhà sách là việc sẽ phải tiến hành thường xuyên, song song với việc sáng tác.

Làm việc với bản thảo văn học hằng ngày từ các NXB, ThS Nguyễn Quỳnh Linh và nhà thơ Hồ Sĩ Bình đều nhấn mạnh đến vấn đề tiếp nhận bản thảo, biên tập và giới thiệu quảng bá tác phẩm sau khi xuất bản. Theo đó, ngành xuất bản sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc. Ngành xuất bản và phát hành sách phát triển sẽ là nền tảng, là cơ sở cho phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ một thực tế, việc phát hành các ấn phẩm văn học, văn hóa hiện nay gặp muôn vàn khó khăn, chưa thấy tác giả nào sống được nhờ vào việc bán sách cả. Riêng mảng thơ, tình hình lại càng khó khăn hơn.

Vì sao những nhà văn đang phải đối diện với một thực tế khắc nghiệt như vậy? Có lẽ vì từ một nguyên nhân cốt lõi, có tính quyết định nhất đã được các nhà văn thẳng thắn nhìn nhận: Phải có tác phẩm văn học đúng nghĩa, thực chất, có giá trị văn học cao trước khi nghĩ đến con đường đưa tác phẩm đến với bạn đọc! Theo nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, điều kiện tiên quyết là người viết phải không ngừng sáng tạo ra tác phẩm hay, hấp dẫn. Đồng thời phải ngưng xuất bản những tác phẩm mà mình có-thể-biết-rằng không hay, không mới, không ích gì cho bạn đọc!

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ nhắn nhủ tha thiết từ trải nghiệm một đời viết văn làm thơ của mình: "Trong những năm tháng đi tìm sự hiện diện bản thể của mình trong cuộc đời, tôi nghiệm ra rằng, nếu ta thực sự có nhu cầu giải tỏa, chia sẻ (hiểu nôm na về mặt nghề nghiệp - nghề văn - đó là nhu cầu sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật và phổ biến những tác phẩm văn học nghệ thuật ấy!) thì đừng cầu mong danh vọng, nhất là thứ hư danh nhất thời qua những lời xưng tụng phù phiếm, mà hãy cứ im lặng làm việc, âm thầm sáng tác, rồi để cho tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta tự nó bày tỏ với đời". Có lẽ đó là cách chính đáng nhất để giúp nhà văn hiện diện trong cõi đời này...

Quả thật, hình thành tác phẩm văn học là một quá trình, như các nhà lý luận văn học hiện đại luôn nhắc nhở, và luôn là một quá trình không dễ dàng gì đối với các nhà văn, từ ý tưởng sáng tạo đến việc hình thành tác phẩm. Điều cốt lõi bậc nhất là phải sáng tạo, xây dựng nên một tác phẩm văn học thật sự trước khi nghĩ đến việc làm thế nào để đưa được tác phẩm của mình đến với bạn đọc, để có thể hy vọng nó lan tỏa sâu rộng đến bạn đọc!

"Trong những năm tháng đi tìm sự hiện diện bản thể của mình trong cuộc đời, tôi nghiệm ra rằng, nếu ta thực sự có nhu cầu giải tỏa, chia sẻ (hiểu nôm na về mặt nghề nghiệp - nghề văn - đó là nhu cầu sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật và phổ biến những tác phẩm văn học nghệ thuật ấy!) thì đừng cầu mong danh vọng, nhất là thứ hư danh nhất thời qua những lời xưng tụng phù phiếm, mà hãy cứ im lặng làm việc, âm thầm sáng tác, rồi để cho tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta tự nó bày tỏ với đời". Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ

NGUYỄN KIM HUY

;
;
.
.
.
.
.