Tái sinh

.

Kéo vali chậm rãi đi về phía cửa lên máy bay, trái tim Lam bình yên như mặt nước hồ sớm mai phẳng lặng. Thoắt cái đã bốn năm trôi qua kể từ lần đầu Lam đặt chân đến nước Pháp. Ngày ấy, cơ hội đến với Lam nhờ học bổng toàn phần dành cho nữ sinh nghèo vượt khó. Cô gái 18 tuổi rời vùng quê biển, xa gia đình đem theo ước vọng học tập, thoát nghèo về xây dựng quê hương. Hôm nay, Lam rời nước Pháp, hành trang trở về vật chất chẳng có bao nhiêu nhưng điều khiến Lam tự hào là tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và khao khát thực hiện lời hứa của mình.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hỏi Lam có tiếc nuối không - có chứ. Hai lời mời làm việc tại những công ty chế biến thực phẩm hàng đầu tại Pháp với mức lương hậu hĩnh đến ngay trước khi Lam bước vào phòng bảo vệ luận văn. Đối với người bản xứ đây cũng là điều ít ai đạt được chứ chưa nói tới một du học sinh nghèo. Lam nhắm mắt lại, khẽ mỉm cười tận hưởng sự ngọt ngào của giấc mơ có thật. Nhưng Lam coi đó là điều để kiêu hãnh về bản thân chứ không hề dao động. Lam biết mình muốn gì và rất rõ ràng ngay lúc này cần phải làm gì.

Bố mẹ Lam có tuổi rồi. Bố khéo tay, chuyên phụ người ta sửa nhà, đóng bàn ghế. Nhưng tuổi già ập tới, đã hai năm nay bố chẳng thể đi làm. Rảnh rỗi, ông sinh ra tật uống rượu. Rượu vào lời ra, ông mắng chửi mẹ Lam, đuổi bà ra khỏi nhà. Mỗi lần Lam gọi điện về nhà, trả lời Lam đều là tiếng nức nở của mẹ. Năm ngoái, mẹ thông báo bố bị suy gan. Nhưng ông không chừa, vẫn ngày ngày cùng con sâu rượu phá nát sức khỏe. Người bố yêu vợ thương con của Lam giờ bết bát, tiều tụy. Lam không muốn nhìn thấy bố như vậy. Trên đời có hai kiểu người: một kiểu sợ thì né tránh, một kiểu càng sợ càng lao vào những mong thay đổi dáng hình của nỗi sợ. Lam thuộc kiểu người thứ hai. Lam phải về cứu bố, cứu gia đình của mình.

Lam nôn nao trong dạ quá. Lam thèm nhà, thèm biển, thèm cả cái nắng khô như rang chở đầy cát vàng lạo rạo.

Hít một hơi thật sâu, Lam bước nhanh hơn về phía cánh cửa cách ly. Chỉ có mình mẹ đến đón Lam.

Chiếc khăn lanh Lam tặng trước khi đi du học bay rối rít trong tay mẹ. Người ta quần áo là lượt ôm hoa đến đón người nhà. Mẹ Lam thì giản dị với áo bà ba và chiếc quần thụng xước chỉ một đường dài, không rõ màu đen hay xám bạc. Lam chạy ùa vào lòng mẹ, vòng tay gầy guộc của mẹ - vòng tay mà Lam mong nhớ bốn năm dài đằng đẵng - cứ lưng Lam mà vỗ, chẳng rõ mừng vui hay tủi phận.

Hai mẹ con Lam dắt díu nhau ra bến xe miền Đông để bắt chuyến xe giường nằm về quê ngay trong đêm. Trên chiếc xe lao vun vút giữa màn đêm mờ mịt, tay Lam chẳng rời tay mẹ.

Ông Cường đang ngủ vật vờ trên cái chõng tre trong phòng khách thì nghe tiếng mở cửa cạch. Ông còn chưa kịp định thần đã bị ánh đèn nê-ông sáng trắng dội vào mắt. Ông cau mày, đưa tay lên che mắt nhìn ra phía cửa. Tiên sư bố đứa nào làm phiền giấc ngủ của ông. Triền miên trong men rượu, người lúc tỉnh lúc say, ông Cường còn chẳng nhớ hôm nay là ngày con gái về nước. Ông chưa kịp thốt ra lời nào thì đã nghe tiếng con Lam lanh lảnh. Bố! Nó chạy ùa vào ôm chầm lấy ông. Cái con này lớn tướng rồi, đi học tây bao năm rồi mà chẳng thay đổi gì cả.

Con Lam kiểu gì cũng nghe mẹ nó kể chuyện nhà rồi. Ông uống rượu về đuổi mẹ nó ra vườn ở suốt. Mỗi khi tỉnh táo, ông cũng thấy ăn năn. Nhưng như có ma làm, ngồi trước chén rượu, ông lại chẳng kìm được lòng. Tay ông cứ vô thức cầm chén lên, nhấp một ngụm rồi hai ngụm. Cái giống rượu gạo đến là lạ. Cay nồng, rát cuống họng nhưng một khi bắt đầu thì không thể dừng lại. Lần nào ông cũng bị lôi về nhà trong tình trạng mềm nhũn. Người ông đổ oặt ra một đống trên nền gạch hoa lạnh ngắt. Giá ông cứ thế mà ngủ luôn có khi nhà cửa còn được vài phần êm ấm. Nhưng giống như đứa trẻ dở giấc gắt ngủ, ông vùng vằng ăn vạ. Bình thường là người trầm tính, kiệm lời, có rượu vào, cái miệng ông khỏe ra trông thấy. Ông bật công tắc nói bù cho hết thảy thời gian im lặng trong cuộc đời. Ngặt nỗi, đầu óc ông khi ấy ong ong, mụ mị. Ông than vãn, ông chửi rủa. Mà bên ông đâu có ai khác ngoài vợ. Thế là ông mắng bà, đuổi bà đi.

Biết con Lam sắp về, ông Cường bồn chồn, lo lắng lắm. Ông không biết phải đối diện với con gái như thế nào. Trước khi đi học xa, nó dặn ông ở nhà giữ gìn sức khỏe và chăm sóc mẹ nó. Vậy mà giờ ông đón nó với lá gan suy giai đoạn một, cơ thể tiều tụy và mẹ nó có nhà lại chẳng thể ở đàng hoàng. Ông lấy mặt mũi nào mà gặp con đây. Hôm con Lam báo là sẽ về, ông không biết nên vui hay buồn. Gặp con ai mà chẳng phấn khởi nhưng con gái về nhà, ông trở thành gánh nặng cho nó. Có một người bố như ông, ai dám lấy nó cơ chứ. Thà nó ở lại bên ấy đi làm nhiều tiền, không vướng bận bố mẹ nghèo cho sướng tấm thân. Về đây làm gì cho khổ.

Nhưng đứa con gái đang quỳ bên cạnh ông nhìn không có vẻ gì là xấu hổ hay ghét bỏ ông cả. Đầu con Lam gục xuống, đôi bàn tay ôm chặt lấy cổ ông toát lên vẻ xót xa, đau đớn. Đang cười, tự nhiên nó khóc tu tu. Cha bố chị, hai mươi mấy tuổi đầu mà vẫn tềnh tệch như trẻ con thế. Nước mắt ông chảy dài theo những nếp nhăn trên má. Bên cửa, vợ ông cũng nấc lên từng tiếng.

Về nhà, Lam bắt tay ngay vào việc giúp bố cai rượu. Lam phải cứu lấy lá gan của bố trước khi quá muộn. Hết nài nỉ đến khóc lóc làm mình làm mẩy, Lam cuối cùng cũng thuyết phục được bố vào trung tâm cai rượu. Nhưng hễ bố về nhà, đâu lại vào đấy. Lam cắt thuốc nam cho bố. Thuốc bố vẫn uống nhưng rảnh ra, ông lại chén chú chén anh. Khi đầu óc núng nính trong men rượu, bố chửi cả Lam - đứa con gái mà bố luôn chiều chuộng. Lam tự dặn lòng không chấp nhất những lời cay nghiệt của bố khi say nhưng nhìn bố ngày một vàng vọt, rệu rã, mẹ thì khóc cạn nước mắt, Lam đau thắt lòng.

Chút tiền Lam để dành được từ những buổi làm thêm khi ở Pháp không còn nhiều. Nếu cả nhà chỉ tiếp tục chạy theo con ma men của bố thì sớm muộn cũng đuối sức. Ước mơ của Lam bấy lâu nay còn chưa kịp bắt đầu. Ngày ấy, Lam đạt được học bổng nhờ bài thuyết trình về việc xây dựng quê hương. Đó không đơn thuần chỉ là một bài luận để xin học bổng mà còn là mơ ước của cô gái nhỏ luôn đau đáu nghĩ về gia đình và người dân quê nghèo. Lam phái xốc lại tinh thần để vực cả nhà dậy.

Với tấm bằng cử nhân về chuyên ngành chế biến thực phẩm, Lam quyết định bắt tay vào chế biến những nông sản địa phương. Lam tuyên bố với cả nhà bây giờ tiền đã gần hết, Lam phải mượn mảnh vườn của bố mẹ để dựng xưởng trà. Và để tiết kiệm chi phí, Lam cần bố mẹ cùng làm với mình, cũng là để tạo công việc cho bố bớt rảnh, bớt nghĩ tới rượu. Ông Cường khéo tay lại tỉ mỉ, hai năm nay không làm gì nhưng ông không quên nghề. Tay ông thoăn thoắt đan hàng rào, đắp hai cái lò đất đốt củi vững chãi. Không để bố làm những việc nặng nhọc mất sức nhưng Lam liên tục nhờ việc không để ông ngơi tay. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, ông chẳng còn thời gian để tìm tới con ma men.

Sau một tháng, cái xưởng nhỏ của Lam bắt đầu thành hình, đầy đủ bếp củi, giếng nước, giàn phơi. Ông Cường còn tự tay đi mua về mấy cái chum sành cho Lam tập tành ủ nước tương, nước mắm. Cuối góc vườn, ông trồng thêm vài bụi mía mà con gái ông từ bé đã thích ăn. Mỗi khi có cơn gió lướt ngang, tiếng lá xào xạc rõ vui tai. Mẹ Lam ngày ngày thoăn thoắt ngâm, đãi, hấp, phơi, rang các loại đậu làm trà...

- Anh Cường, giờ làm ông chủ rồi nên quên anh em rồi à? - Tiếng mấy ông bạn nhậu gọi với theo từ quán nước bên đường.

- Các chú đừng nói vậy. Tôi làm chân sai vặt cho con Lam chứ ông chủ nỗi gì. Đang đi gửi hàng cho nó đây này. Ông Cường vỗ bình bịch vào chiếc thùng các-tông quấn băng dính chằng chịt sau xe.

- Anh cứ ngồi xuống cho chúng em chúc mừng cháu nó một tí xem nào. Xe không chuyến này thì còn chuyến sau. Đi đâu mà vội.

Ông Cường ngoảnh lại phía sau, tay tháo chiếc mũ bảo hiểm cũ. Ừ, cách 2 giờ lại có một chuyến xe. Cái liếp phơi chuối nãy ông cũng vá rồi. Ngồi uống chén trà rồi đi.

Trưa trờ trưa trật không thấy bố về ăn cơm, Lam sốt ruột bổ đi tìm. Chiếc xe dream quen thuộc dựng bên gốc cây trứng cá, thùng hàng nằm chỏng chơ dưới đất, méo xẹo. Bố Lam ngồi quán bên đường, tay cầm chén hạt mít, mặt đỏ lựng.

Bố...ố!!! Lam hét lên rồi chạy lại giật chiếc chìa khóa xe máy trên bàn nước. Lam nổ máy phóng đi.

Con cái bố láo. Ông Cường vừa dứt lời thì chiếc xe dream đâm sầm vào cột điện lệch cả yếm. Chiếc thùng hàng méo đập mạnh xuống hòn đá bên vệ đường vỡ tan. Đậu lăn đầy đường...

Chân Lam bó bột cả tháng trời. Suốt thời gian ấy ông Cường chỉ quanh quẩn làm cái chân, cái tay của con gái. Xưởng trà vừa mở cửa, nguyên liệu đã đặt người ta trước cả nửa năm, không thể đóng cửa, ông bà vận động hàng xóm qua giúp đỡ. Các bà bình thường chỉ biết trông cháu, quét nhà nay tíu tít bày nhau cách sao trà cho thơm, đóng gói cho đẹp mắt. Vừa vui lại có thêm đồng ra đồng vào, ai nấy phấn khởi ra mặt. Cô Lam ơi, cô làm cái xưởng cho to rồi thuê chúng tôi làm công nhân chính thức đi.

Không trực tiếp xuống bếp, Lam lên mạng tìm hiểu công thức chế biến và bảo quản ngũ cốc, trái cây rồi hướng dẫn cho mẹ và các cô. Bố Lam thì đảm đương nhiệm vụ củi lửa, kỹ thuật. Nay nếm thử món này, mai điều chỉnh cái kia. Ngày Lam tháo bột ở chân cũng là ngày xưởng chính thức ra mắt thêm món chuối sấy.

Xóm nhỏ giờ tí tách củi lửa, những hạt đậu lạo xạo lăn qua lăn lại trên chiếc chảo gang nóng rẫy, những trái chuối tươm mật óng ánh phơi nắng đầy kín liếp tre. Bố mẹ, xóm giềng tìm được niềm vui trong lao động và cuộc sống. Lam chưa bao giờ thấy tự tin vào những quyết định của bản thân đến vậy. Lam không chỉ bắt đầu tạo thu nhập cho chính mình ngay tại quê nhà mà còn tìm thấy lối ra cho gia đình đã có lúc tưởng chừng rơi xuống vực thẳm.

Buổi tối, quây quần bên mâm cơm đơn sơ với bát canh tập tàng từ rau hái trong vườn, đĩa lạc rang muối và bát nước mắm ớt thơm nồng mùi biển, Lam trịnh trọng nói với bố mẹ về những dự định trong tương lai. Xưởng mình muốn được biết đến nhiều hơn thì cần có một cái tên. Cái tên ấy phải là linh hồn của cả xưởng, là cái gốc nơi mọi thứ bắt đầu và là điều luôn nhắc nhở con về lý do con đã bắt đầu. Con muốn đặt tên xưởng là Xưởng trà ông Cường.

Ông Cường đặt bát xuống nhìn con gái rưng rưng. Người ta nói sinh con ra là được sống lại thêm một lần nữa. Nhưng nhờ có con bố được tái sinh đến hai lần. Cảm ơn con đã đến bên và chưa bao giờ từ bỏ bố.

Gió ùa về mang theo hơi thở dịu dàng của đại dương xa xôi. Bụi mía nơi góc vườn đang thì thào bài ca của sóng.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.