Thêm yêu những giờ học lịch sử

.

Mong muốn học lịch sử thực tế và lôi cuốn hơn, nhiều học sinh, sinh viên chủ động tìm đến bảo tàng cũng như tham gia các chương trình giáo dục truyền thông, qua đó tìm hiểu giá trị di sản văn hóa và những sự kiện lịch sử gắn liền với sự phát triển của vùng đất.

Các em sẽ học môn lịch sử hiệu quả hơn khi tham gia các chương trình giáo dục truyền thông tại bảo tàng. TRONG ẢNH: Các em học sinh học làm thuyết minh viên tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.V
Các em sẽ học môn lịch sử hiệu quả hơn khi tham gia các chương trình giáo dục truyền thông tại bảo tàng. TRONG ẢNH: Các em học sinh học làm thuyết minh viên tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.V

Đến Bảo tàng Đà Nẵng ngày cuối tuần, tôi gặp Phạm Quế Hằng, sinh viên lớp 20CVNH02, ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đang quan sát các hiện vật trưng bày khu nhà chồ. Hằng cho biết mình đến bảo tàng để tìm hiểu thông tin hoàn thành bài tiểu luận. Không chỉ đến bảo tàng phục vụ nghiên cứu các môn học mà khi có thời gian, Hằng vẫn đến bảo tàng dung nạp những kiến thức từ các bộ sưu tập, hiện vật từ thời cổ đại đến hiện đại. Đến đây, Hằng có thể khám phá các giá trị văn hóa và tài liệu lịch sử, các công trình kiến trúc độc lập và các cuộc chiến tranh đã diễn ra.

Theo Hằng, bảo tàng làm "sống" lại các hiện vật qua hoạt động khảo cổ hay hình ảnh nhà chồ giúp biết thêm về cuộc sống khó khăn của một số hộ dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà  thời điểm trước năm 2000. “Việc tiếp cận, tìm hiểu lịch sử thông qua bảo tàng khá thú vị. Với em, bảo tàng là điểm đến thu hút, nơi bản thân có thể xây dựng nền tảng kiến thức, văn hóa bền vững cho con đường hướng dẫn viên sau này”, Hằng bày tỏ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Yến Anh (47 tuổi), giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu) thường xuyên đưa con gái Phan Thị Minh Tâm đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để chiêm ngưỡng tác phẩm hội họa. Chị cho biết, nhận thấy con gái yêu thích bộ môn vẽ nên ngoài cho con đi học các kỹ năng cơ bản thì chị vẫn sắp xếp thời gian để đưa con đến bảo tàng chiêm ngưỡng tác phẩm, tư liệu của họa sĩ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như các họa sĩ quốc tế.

“Việc ngắm nhìn trực tiếp tác phẩm tại bảo tàng giúp con gái tôi có đa dạng góc nhìn cũng như cảm quan bố cục để hoàn thành những bức tranh đẹp. Tôi tạo thói quen thường xuyên đưa con đến bảo tàng bởi đó là nơi các con cũng như chúng ta có thể tìm thấy nguồn tư liệu quý giá, những giá trị vô hình mà cuộc sống hiện đại rất khó tìm được”, chị Anh cho hay. 

Thời gian qua, hầu hết các bảo tàng tại thành phố đẩy mạnh chương trình giáo dục truyền thông, phối hợp trường học đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, các chương trình “Thuyết minh viên nhí”, “Giờ học ngoại khóa tại bảo tàng”, “Giờ học trực tuyến”… dành cho học sinh được xây dựng dựa trên nguồn tư liệu, hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng với mục tiêu tăng tính tương tác, tạo sự hứng thú, giúp các em dễ dàng tiếp cận thông tin.

“Mỗi chương trình, bảo tàng sẽ xây dựng khung giáo dục riêng sát với từng nội dung, sự kiện liên quan và nhà trường chủ động lựa chọn không gian văn hóa muốn hướng đến. Các em tự do tham quan, đặt câu hỏi, tìm hiểu và tương tác với thuyết minh viên thông qua những câu chuyện gắn liền không gian văn hóa. Đồng thời, bảo tàng xây dựng các thước phim tư liệu để các em trải nghiệm đa dạng giác quan. Năm ngoái, bảo tàng phối hợp Trường THCS Trưng Vương tổ chức 6 buổi học trực tuyến cho 200 học sinh với chủ đề “Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 -1860)”. Theo tôi, những giờ học tại bảo tàng cũng như ngoại khóa phần nào giúp các em thêm say mê học lịch sử, giáo dục lòng yêu nước và kế thừa truyền thống di sản văn hóa tương lai”, ông Thiện cho hay.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng tổ chức chương trình giáo dục dành cho học sinh như “Cùng em khám phá”, “Đưa bảo tàng đến trường học” hay “Chuyên đề giáo dục thông qua các buổi trao đổi học thuật” cho sinh viên. Bà Hà Thị Huyền Anh, Phó trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết chương trình tại bảo tàng với phương pháp học kết hợp lắng nghe nội dung, vừa xem trình chiếu hình ảnh và ghi nhớ từ khóa quan trọng, hỏi đáp, tham gia trò chơi, giúp các em dễ tiếp thu, ghi nhớ kiến thức sâu hơn. Quan trọng hơn, trong quá trình học các em phát triển đa dạng kỹ năng như làm việc nhóm, quan sát, phân tích cho đến khả năng trình bày vấn đề.

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.