Cơn bão số 3 quái ác mang tên mỹ miều Yagi đã kết thúc được gần 1 tuần. Thế nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn hết sức thảm khốc, ngày càng nhói đau hơn khi con số thiệt hại theo thống kê mỗi ngày một lớn. Có lẽ rất lâu rồi, trong vài chục năm trở lại đây, nhiều người dân Thủ đô Hà Nội mới lại hứng chịu một cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp như vậy.
Thành phố Đà Nẵng cử 2 đội công tác cắt, tỉa, dọn dẹp cây xanh để hỗ trợ Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ảnh: Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng |
Những con số thống kê khô khốc mà khiến bao người nhói lòng. Hình ảnh cây cối, kể cả những cây cổ thụ, cây di sản đổ ngổn ngang chắn hết lối đi, phá vỡ nhà cửa, di tích, tượng đài... khiến bao người không chỉ trong nước, mà cả trên thế giới, xót xa. Sự xót xa ấy không chỉ là những thương cảm thoảng qua, càng không chỉ là theo phong trào, nhất là trên mạng xã hội vốn không dễ định lượng những thứ thuộc về cảm tính như tình cảm. Sự xót xa, cảm thông, sẻ chia ấy lập tức biến thành những hành động cụ thể, thiết thực, hết sức ý nghĩa, đầy nhân văn.
Ở cấp độ vĩ mô, là cả hệ thống chính trị kịp thời, chủ động, khẩn trương, quyết liệt ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Sáng 8-9, chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3, sau khi động viên, chỉ đạo sát sao, kịp thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng, trên tinh thần “có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều; có của giúp của, có công giúp công”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”.
Các địa phương hứng chịu hậu quả nặng nề như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình... đều coi trọng tinh thần ấy, ngày đêm bám sát tình hình, kịp thời chỉ đạo sâu sát, hiệu quả việc ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 bí thư quận, huyện, thị ủy tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân. Ở đó, là tinh thần trách nhiệm cao cả, hết mình vì cộng đồng, vì những hoàn cảnh đáng thương bị hứng chịu hậu quả.
Trong bối cảnh thấm đẫm truyền thống “thương người như thể thương thân” ấy của dân tộc, báo chí cũng chung tay, chung sức đồng hành cùng bà con bị thiệt hại do bão lũ số 3 gây ra. Không chỉ bằng sự đưa tin kịp thời, hiệu quả, lay động lòng người, lan tỏa thương yêu, nhiều cơ quan báo chí đã có những nghĩa cử sẻ chia cao đẹp đúng lúc. Không chỉ quyết định ủng hộ khẩn cấp, nhiều tòa soạn trên cả nước còn kêu gọi bạn đọc ở mọi miền đất nước cũng như đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chung tay giúp đỡ và tòa soạn sẵn sàng làm cầu nối tiếp nhận tiền, vật phẩm ủng hộ người dân chịu thiệt hại bởi bão số 3...
Chỉ điểm qua thôi, cũng đủ thấy rằng trong khó khăn, hoạn nạn chúng ta càng thấu hiểu tình cảm người dân dành cho nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Bản thân mỗi người dân cùng hứng chịu hậu quả của cơn bão số 3 cũng có những hành động giúp đỡ nhau hết sức cao đẹp, lay động lòng người. Đó là sự bất chợt trên đường trong bão lũ, dòng xe tải, ô-tô tự nguyện đi chậm lại để che chắn cho những người đi xe máy trên cầu Nhật Tân ở Hà Nội. Hay những chiếc ô-tô lùi lại để che chắn gió cho người đi xe máy vượt qua sức gió bão bùng. Hay những người dân còn thừa phòng nghỉ đã đăng lên cộng đồng mạng để mời những người thiếu chỗ ở, chỗ ở có thể gây nguy hiểm... đến ở cùng. Đó là những sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn của chính quyền các cấp với nhân dân, của những người dân với nhau, dù quen biết hay chưa từng gặp...
Những việc nhỏ như vậy thôi, tình cờ, bất chợt hay chủ ý cũng đủ thấy rõ tinh thần đoàn kết của người dân nước ta. Mà đoàn kết là truyền thống của người Việt Nam, là điều đầu tiên Bác Hồ muốn nhắc đến trong Di chúc mà Người để lại cho dân tộc ta 55 năm về trước. Trong Di chúc, Bác dặn rằng: “Trước hết nói về Đảng- Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Hẳn nhiên rồi, không chỉ với cơn bão số 3, mà trước những thiên tai dịch họa, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều không mảy may toan tính, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, sẻ chia, gìn giữ, bồi tụ, phát huy tinh thần tương thân tương ái “bầu ơi thương lấy bí cùng” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thực tế, tình người trong bão lũ, dịch bệnh... chỉ là sự nổi trội hơn, cao trào hơn những ngày thường yên ả mà thôi. Người với người đối xử với nhau, vượt lên trên tất cả, là chan chứa yêu thương, là nhường cơm sẻ áo, là chung tay động viên, hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế, những hoàn cảnh đáng thương để “không ai bị bỏ lại phía sau”, từ những chủ trương, đường lối, chính sách hết sức nhân văn, kịp thời, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đến những hành động, việc làm cụ thể diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên khắp cả nước, từ những tấm lòng con dân đất Việt sống xa quê hướng về cội nguồn, tổ tiên.
Tình người thấm đẫm máu thịt ấy là căn cốt, là giá trị vững bền làm nên sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam ta, suốt hàng nghìn năm, trải qua biết bao thăng trầm, hết sức oai hùng trong công cuộc dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và chắc chắn, đó sẽ là nền tảng để đất nước ta tiếp tục có những bước tiến vững chắc, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín quốc tế mà biết bao thế hệ nối tiếp đã kỳ công tạo dựng, gìn giữ, đắp bồi.
NGUYỄN TRI THỨC