Bà mẹ đã từng tin mình với con gái có thần giao cách cảm, có sợi dây tâm linh kết nối máu mủ thâm tình vào những lần nó bất ngờ gọi thăm hỏi trùng với lúc mẹ ẩm ê trúng gió. Rồi sự tình cờ trở nên đáng ngờ và mẹ nhận ra ít nhiều thảng thốt trong chất giọng vẻ như bâng quơ của đứa con, nhận ra con không chút tin nào dẫu mẹ nói mình vẫn ổn. “Phải khỏe trong người là mẹ đã ra vườn từ sớm rồi, đằng này…”, có lần con gái sểnh lời. Bà mẹ nghĩ ngay, thôi xong, con nhỏ nó lén đặt máy quay giám sát mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thứ đó được ngụy trang bằng gã cú mèo nhồi bông chễm chệ đầu kệ gỗ sát thềm trước, nơi có bàn nhỏ bà mẹ hay cà kê trà sáng, nơi bà buộc ngang qua mỗi khi ra vườn. “Con nhỏ cũng còn chút biết điều”, bà mẹ nghĩ, nó mà giấu camera ở buồng ngủ hay trong bếp, chắc bà giận điên. Bởi con chắc chưa quên mẹ từng cự tuyệt quyết liệt mỗi lần gạ lắp thiết bị ghi hình trong nhà, chưa quên mẹ càm ràm điếc tai lúc an ninh xóm treo máy quay lên cây thông ngang cổng, chưa quên mẹ nói thứ con mắt ấy có răng, bao nhiêu riêng tư chúng ngoạm vào hết thảy. Biết mình ác cảm mà con nhỏ vẫn lén lắp mắt dòm ngó, chắc là lo lắng bất an cho thân già cô quạnh, bà mẹ nghĩ, nên chưa vội tháo bỏ cho xong.
Vờ như chưa phát hiện ra, bà không cần gắng chi nhiều, chỉ nhìn như không, nhìn trống rỗng. Phớt lờ mọi con mắt chong lên quanh mình, bài tập đã giải nhuần từ hồi bà quyết định làm mẹ đơn thân. Xóm làng những năm đó, một đứa con gái không chồng bụng bỗng dưng đội áo thu hút mọi ánh nhìn vào. Không cúi mặt lẩn tránh, bà ngẩng đầu đối diện với những coi thường, những thương hại bỉ bai, tự ám thị mình, thấy đó mà không thấy.
Nghĩ lại, bao mắt hồi ấy không có ánh nhìn nào vô cảm, thiếu đi hơi ấm. Những đồng tử long lên rồi nguội dần theo thời gian, hoặc người ta dời mắt qua đối tượng khác hoặc cạn kiệt chuyện để nói về bà. Cha của đứa nhỏ trong đồn đoán, chắc chỉ còn thiếu mỗi sọ dừa, thứ mà đàn bà cổ xưa có người từng uống nước đựng trong đó, và sinh con. Đôi khi một cuộc trộm ghé thăm xóm cũng khiến đám đông chuyển hướng. Những ông trộm vặt hồi ấy cũng ly kỳ không kém hội chửa hoang, họ giẫm lên lá khô tịnh không tiếng động, thu phục được những con chó hiếu chiến, coi tường cao cổng sắt như giấy quyến, họ trơn như mỡ, mỏng như cái bóng nhưng mang vác phăm phăm bao nhiêu vật chất nặng, cồng kềnh.
Từ có máy quay chiếu vào, những ông trộm giờ hiện nguyên hình, nom thảm hại. Thấy rõ đến chữ in trên áo, đôi dép tổ ong bẩn thỉu, cái giỏ đựng đồ nghề bị đứt bên quai, cả bãi nước bọt dính bết lên lai quần sau cú nhổ. Nhớn nhác ngó chừng máy quay, nhớn nhác sửa lại khăn bịt mặt, nhớn nhác cắt khóa, nhớn nhác tháo chạy.
Mỗi con mắt điện tử chong lên là khỏa sạch mù sương, trước sự mở trừng đến không chớp, nháy, trộm đạo dè dặt, nhiều tội ác bị phơi bày, đám du thủ du thực bớt lảng vảng ở những con ngõ tối. Bởi cái ý thức mình đang sống giữa rừng mắt trông theo, người ta điều chỉnh cả hành vi, sửa lại dáng đi, tư thế.
“Cái thứ đó sức mấy mà ảnh hưởng tới mình”, bà mẹ từng nghĩ vậy. Nhưng từ lúc biết con gái lén lút dõi theo, căn nhà và khu vườn không còn giữ được thanh tĩnh, cô quạnh như bà mẹ từng bỏ công mài sắc. Bà vẫn một mình đó, nhưng không còn triệt để một mình. Giữa bà với bóng, giờ có kẻ thứ ba chen vào. Con nhỏ không biết sự hiện diện của nó ồn ào, lao xao, dù thân đang gửi ở một nơi chốn xa cách nhà hơn ba trăm cây số.
Mới thấu hiểu nỗi khiếp đảm của người bộ hành tiếng tăm một dạo, khi mỗi bước chân có cả ngàn mắt săm soi. Những cái nhìn lạnh lẽo. Bữa tình cờ thấy đoạn phim ghi lại khoảnh khắc một người cha bị xe tải tông phải khi qua đường đón con, được một nhật báo chính thống bày hẳn hoi trên trang chính, bà mẹ bơ phờ. Cứ ướm mình vào cú tung mình thê lương của người đàn ông, rồi tự hỏi người ở lại đối diện kiểu gì khi hình ảnh ấy được chia sẻ khắp. Cách nào, cần bao nhiêu thời gian để xóa sạch đoạn phim lang thang cõi mạng?
Mắt điện tử vô tri hiển nhiên rồi, mắt thịt cũng thản nhiên không kém. Nên chưa thôi những đứa trẻ bị xâm hại mặt không được che mờ, chưa dừng lại cận cảnh da thịt rách bươm từ mấy cuộc đánh ghen mất trí, và cả cái chết, dưới ánh nhìn vô cảm ấy, được trình bày như thể cành cây gãy, chiếc lá rơi, vẫn bày ra những cuộc oằn mình thảng thốt dưới bánh xe, những trượt chân biền biệt bên bờ vực.
Đâu ai chọn được hình ảnh mình trong giây phút cuối cùng, bà mẹ nghĩ. Nhổ máy quay thì không nỡ, bà lấy những đài sen khô che khuất nó. Nói cho cùng, đây là hình ảnh bà muốn con nhớ về mình. Dẫu héo khô, không còn sức sống nhưng vẫn dáng dấp ấy, tư thế ấy. Rồi con nhỏ sẽ hiểu ra thôi, khi nào nó làm mẹ, rằng thật nhẹ nhõm biết bao khi mình được mờ dần, thậm chí là lãng quên trong ký ức tự nhiên của con mình.
NGUYỄN NGỌC TƯ