Úc trao quyền "ngắt kết nối" cho người lao động

.

Úc vừa chính thức thực thi luật mới quy định các nhà quản lý lao động không được liên hệ công việc với nhân viên ngoài giờ làm, và sẽ áp dụng mức phạt lên tới gần 13.000 USD đối với những người vi phạm.

Theo cuộc khảo sát năm 2023 của tổ chức nghiên cứu Australian Institute, nhiều người Úc đã làm việc trung bình 281 giờ làm thêm không được trả lương vào năm 2023.  Ảnh: The Star
Theo cuộc khảo sát năm 2023 của tổ chức nghiên cứu Australian Institute, nhiều người Úc đã làm việc trung bình 281 giờ làm thêm không được trả lương vào năm 2023. Ảnh: The Star

Tháng 2-2024, Úc thông qua luật cho phép người lao động có quyền "ngắt kết nối" sau khi hết giờ làm mà không sợ bị trừng phạt. Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 26-8-2024, bảo vệ quyền từ chối phản hồi của người lao động khi bị người quản lý liên lạc ngoài giờ làm việc.

Quyền ngắt kết nối

Như vậy, theo các điều khoản của luật mới vừa nêu tại Úc, các nhà quản lý vẫn có thể liên lạc với nhân viên sau giờ làm nhưng họ không nên kỳ vọng sẽ nhận được phản hồi. Luật sẽ bảo vệ hàng triệu người lao động Úc khi họ từ chối theo dõi, đọc hoặc trả lời các cuộc liên lạc ngoài giờ làm việc, trừ khi việc từ chối đó bị xem là không hợp lý, theo thông tin từ Ủy ban Lao động Công bằng của Úc (Fair Work Commission - FWC). FWC là cơ quan quốc gia của Úc chịu trách nhiệm giám sát và điều chỉnh các quy định về lao động, bao gồm các vấn đề như lương tối thiểu, điều kiện làm việc, giải quyết tranh chấp lao động và các vấn đề liên quan khác.

Với sự xuất hiện của các nền tảng trực tuyến, việc liên lạc đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng điều này cũng tạo điều kiện để các nhà quản lý có thể dễ dàng liên hệ với nhân viên hơn. Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Úc, bà Michele O'Neil, cho biết: "Hiện nay, việc liên lạc quá dễ khiến người ta không còn áp dụng những điều hợp lý nữa. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ khiến các nhà quản lý suy nghĩ kỹ hơn trước khi gửi tin nhắn hoặc email". Bà Michele O'Neil gọi việc thực thi luật mới là "một ngày lịch sử đối với người lao động", dù không phải ai cũng vui mừng, đặc biệt là những người đại diện cho các chủ doanh nghiệp.

Trong phản hồi gửi đến AFP, tổ chức Nhóm Công nghiệp Úc (Australian Industry Group) nhận định “luật về quyền ngắt kết nối đã được đưa ra vội vã, thiếu suy nghĩ và gây nhầm lẫn sâu sắc", đồng thời cảnh báo các nhân viên có thể sẽ lúng túng khi lên lịch làm việc ngoài giờ.

Thách thức thực thi

Theo trang Iuslaboris (nhà cung cấp dịch vụ pháp lý hàng đầu thế giới trong lĩnh vực luật lao động, di trú và hưu trí), quá trình thực thi “luật ngắt kết nối” cũng cho thấy những thách thức nhất định. Trước hết là sự khác biệt về múi giờ và văn hóa làm việc quốc tế. Trong các công ty đa quốc gia, nơi nhân viên làm việc ở nhiều múi giờ khác nhau, việc bảo đảm quyền ngắt kết nối cho tất cả các nhân viên là rất phức tạp. Một số nhân viên có thể sẽ cần phải tham gia các cuộc họp hoặc trả lời email ngoài giờ làm việc chính thức do yêu cầu từ các đồng nghiệp ở múi giờ khác​.

Thứ hai là áp lực từ văn hóa làm việc. Trong một số ngành nghề và văn hóa doanh nghiệp, có sự kỳ vọng ngầm rằng nhân viên phải luôn sẵn sàng và kết nối, ngay cả ngoài giờ làm việc chính thức. Điều này đặc biệt phổ biến trong các ngành như tài chính, công nghệ, hoặc dịch vụ khách hàng, các lĩnh vực mà sự đáp ứng nhanh chóng rất được coi trọng​.

Thứ ba là khả năng thực thi và giám sát luật. Một số quốc gia gặp khó khăn trong việc giám sát và thực thi quyền ngắt kết nối, nhất là khi các quy định mới chỉ dừng ở mức khuyến nghị hoặc chưa có quy định cụ thể về cách thức xử phạt khi vi phạm. Điều này khiến cho quyền ngắt kết nối trở nên khó áp dụng và dễ bị bỏ qua trong thực tế.

Và cuối cùng chính là tính linh hoạt của người lao động. Một số nhân viên thích sự linh hoạt trong lựa chọn làm ở đâu và khi nào thay vì phải tuân theo giờ làm cố định. Điều này có thể mâu thuẫn với việc thực thi quyền ngắt kết nối, nhất là khi người lao động chủ động lựa chọn làm ngoài giờ để phù hợp với các nhu cầu cá nhân.

"Chúng tôi chỉ đơn giản nói rằng những người không được trả lương cho 24 giờ một ngày không nên bị phạt nếu họ không online và không sẵn sàng trong suốt 24 tiếng mỗi ngày”. Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ sự ủng hộ với quyền ngắt kết nối của người lao động khi quốc hội Úc phê chuẩn luật mới này vào tháng 2-2024.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.