Về ca khúc Rước đèn tháng Tám

.

* Hôm rồi cháu tôi đi học về, khoe là Tết Trung thu năm nay được vô nhóm hát múa bài “Rước đèn tháng Tám”. Nghe tôi nói xưa ông nội cũng từng hát bài đó, cháu tròn mắt ngạc nhiên hỏi: Vậy bài này lâu vậy hả ông, do ai viết ông hè? Thắc mắc này xin gởi đến quý chuyên mục vậy (Ngô Thành Dũng, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Hình ảnh đèn ông sao rực rỡ trong ánh trăng rằm đã nhạc sĩ Đức Quỳnh đưa vào ca từ bài hát Rước đèn tháng Tám. Ảnh: ST
Hình ảnh đèn ông sao rực rỡ trong ánh trăng rằm đã nhạc sĩ Đức Quỳnh đưa vào ca từ bài hát Rước đèn tháng Tám. Ảnh: ST

- “Rước đèn tháng Tám”, “Thằng Cuội”... là những bài hát luôn được các thế hệ thiếu nhi thuộc nằm lòng suốt mấy chục năm qua. Rất tiếc, đã có nhầm lẫn về ca khúc “Rước đèn tháng Tám”.

Trước năm 1975 tên tuổi nhạc sĩ Đức Quỳnh ít được công chúng biết đến. Trang hoatieu.vn cho biết, ông sáng tác chỉ khoảng trên dưới 10 tác phẩm: Rước đèn tháng Tám, Thoi tơ, Xuân mới, Trả lại anh, Hát đi em, Ba giờ khuya, Nhớ quê, Hỏi em, Tiếng chuông chiều, Người kỹ nữ với cung đàn... Trong đó, ca khúc Rước đèn tháng Tám cực kỳ nổi tiếng. Đến nay, bài hát này vẫn vang lên vào dịp Tết Trung thu, nhưng tên tác giả thì chẳng mấy ai biết hay nhớ tới. Ông qua đời vào năm 1994.

Theo trang amnhac.net, nhạc sĩ Đức Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Đức Quỳnh, sinh ngày 15-6-1922 tại Hà Nội. Năm 25 tuổi, ông đã có sáng tác đầu tay mang tên Nhớ ai. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn được biết đến với vai trò ca sĩ và là thầy dạy nhạc của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, trong đó có Lệ Thu. Tuy sáng tác sớm nhưng số lượng nhạc phẩm của ông để lại khá ít so với những nhạc sĩ cùng thời. Thế nhưng, những ca khúc của ông, đặc biệt là nhạc thiếu nhi luôn được đánh giá cao, có những bài hơn nửa thế kỷ qua vẫn được các em nhỏ say mê, yêu thích.

Nhạc sĩ Đức Quỳnh sáng tác nhạc không nhiều, nhưng có 3 ca khúc hay nhất, đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông là Rước đèn tháng Tám, Thoi tơ và Trả lại anh.

Tác giả bài viết “Đi tìm những tác giả viết ca khúc tết Trung thu” đăng trên vnexpress.net dẫn lời nhạc sĩ lão thành Hoàng Châu, cho rằng tác giả bài hát Rước đèn tháng Tám là Văn Thanh, hiện ở đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng nhạc sĩ Văn Thanh lại phủ nhận điều này và cho rằng tác giả đích thực phải là Vân Thanh (vì chữ "Vân" và "Văn" na ná nhau nên nhiều người lầm tưởng).

Nhạc sĩ Văn Thanh tiết lộ thêm rằng, chính ông và tác giả Rước đèn tháng Tám. Ca khúc Rước đèn tháng Tám dù ra đời sau Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương nhưng cũng đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ. Sau đó, để tránh nhầm lẫn giữa Văn Thanh và Vân Thanh, tác giả Vân Thành đã đổi tên thành Đức Quỳnh.

Rước đèn tháng Tám như một chiếc vé đưa ta quay trở về tuổi thơ. Mỗi khi giai điệu vui tươi, rộn rã của bài hát vang lên, hình ảnh những đoàn người rước đèn lung linh, những tiếng trống tưng bừng lại hiện lên thật sống động. Ca từ của bài hát khắc họa rõ nét hình ảnh về em bé hạnh phúc, với những kỷ niệm vô cùng đáng yêu trong những cái Tết Trung thu đầy ắp màu sắc của đèn lồng, cùng mùi vị của các loại bánh mứt. Tất cả tạo nên giai điệu, ca từ ý nghĩa, chạm đến sâu thẳm trái tim người nghe và đi cùng năm tháng.

Rước đèn tháng Tám được nhiều thế hệ thiếu nhi thuộc lòng và luôn được gắn liền với hoạt động trong đêm hội trăng Rằm. Ca khúc diễn tả đầy đủ niềm vui sướng, hân hoan của trẻ thơ trong đêm hội và thường được lựa chọn để biên dựng các tiết mục ca, múa Trung thu mầm non.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.