Cà phê không chỉ là một thức uống mà còn gắn liền với những khoảnh khắc thân thuộc, lưu giữ nhiều câu chuyện của một đời người, phản ánh sự khác biệt trong phong cách sống và văn hóa địa phương.
Với nhiều người, cà phê trở thành một phần không thể thiếu mỗi sáng. Ảnh: Trình cà phê |
Vị hồi ức
Từ thưở bé xíu xiu, chẳng rõ tháng năm nào, chỉ nhớ trong những mảnh ký ức vụn vặt của ấu thơ có chuỗi ngày ba đặt tôi trên ghi-đông xe rồi lóc cóc ghé tiệm cà phê gần chợ Tam Giác (phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Thực đơn ngày nào cũng vậy, một đen đá, một sữa đá đập thêm chanh. Ba tôi có niềm yêu thích đặc biệt với cà phê phin - thứ thức uống đòi hỏi sự kiên nhẫn. Với ông, trải nghiệm cà phê phin là một hành trình chậm rãi nhưng đầy cảm xúc. Khách quen của quán hẳn cũng giống ba - những người yêu thích sự kiên nhẫn, tinh tế. Quán khi nào cũng đông, bàn sát bàn, người sát người nhưng chưa bao giờ xô bồ, ồn ã. Từng người một, ngồi lặng lẽ bên bàn gỗ, thưởng thức những khoảnh khắc thư giãn khi những giọt cà phê nhịp nhàng rơi, tựa như những nốt nhạc dịu êm.
Trong bức tranh an tĩnh ấy, tôi như một chấm màu sai sắc lỡ vô tình rơi vào. Không thích nhịp điệu chầm chậm có phần tẻ nhạt ấy, tôi sốt ruột ngồi đếm từng giọt cà phê rơi, nôn nao đợi chờ để “xí” vài muỗng thả vào ly của mình. Vị ngọt ngào của sữa hòa quyện với sự chua nhẹ của chanh và hương đậm đà của cà phê cho đến tận chừ vẫn làm tôi mê đắm. Nhưng niềm háo hức thưởng thức món yêu thích vội tan, nhường chỗ cho sự chán chường khi quẩn quanh trong chiếc quán chật hẹp. Hồi đó, tôi ghét sự thong thả đợi cà phê rơi của ba; ghét cách ông thong thả nhấm nháp từng ngụm, nghiền ngẫm từng thế cờ tướng; ghét thời gian dằng dặc chờ ba chìm đắm trong thế giới riêng…
Vậy nhưng, tôi chẳng chán chường được mấy bữa bởi ba phải sớm trở lại với công việc vất vả nơi xứ người. Mãi đến khi trưởng thành, tôi mới hiểu những sáng thong dong cà phê đánh cờ tướng ấy là quãng thời gian ít ỏi ba dành tặng riêng mình giữa chuỗi ngày đầu tắt mặt tối, là niềm hạnh phúc lớn lao của ba sau tháng năm nhọc nhằn mưu sinh. Và làn khói cà phê lơ lửng hòa cùng tiếng “cạch” của quân cờ chạm khẽ vào bàn gỗ trở thành nỗi nhớ đầy day dứt của tôi trong suốt tháng năm về sau…
Bây chừ, ba không còn nhọc nhằn xứ người, tôi cũng chẳng bôn ba phương xa. Tha hương lâu ngày, trở về nhà, tôi giữ thói quen đi cà phê sáng với ba mỗi khi thời gian thư thả. Ba không còn cà phê đánh cờ tướng nhưng vẫn giữ thói quen “một điểm đến”. Quán cũ đóng cửa, ba gắn bó với quán của cô Hai. Niềm vui của ba là vui với bầy cháu của các anh chị họ. Khi không có mấy đứa nhỏ ríu rít, ông thường ngồi trầm ngâm. Ba vẫn vậy sau bao tháng năm, ít nói và an tĩnh. Người già im lặng suy tư, còn người trẻ thì im lặng… ngắm người già. Những vệt nắng sớm mai hắt lên gương mặt sạm màu sương gió của ông khiến tôi không khỏi rưng rưng. Những giọt cà phê rơi tí tách như sợi chỉ mảnh mai nối liền giữa hai cha con, lặng lẽ nhưng bền chặt. Thảng hoặc, ba kể cho tôi nghe về ấu thơ khốn khó của ba, về sự nghĩa tình quê nghèo, về thời trai trẻ nhiều “chiến tích”…
Đi theo ba qua những ngày cà phê sáng, dường như chứng kiến cả một đời người của ba. Những ly cà phê xưa cũ in dáng hình tuổi trẻ hào sảng, những ly cà phê nay phản chiếu hình ảnh người đàn ông chai sạn qua tháng ngày phiêu diêu. Cà phê vị đắng nhưng hồi ức vị ngọt!
Với bề dày lịch sử và sự phong phú về hương vị, cà phê Việt Nam đã trở thành biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Việt, ghi dấu ấn sâu đậm trên bản đồ ẩm thực thế giới. Cà phê Việt Nam nổi bật với đặc trưng riêng biệt về hương vị và cách chế biến. Trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam liên tục được vinh danh và khen ngợi trên hàng loạt báo chí quốc tế uy tín. Chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Alas từng xếp hạng cà phê sữa đá Việt Nam đứng thứ 2 trong top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới. Bên cạnh cà phê sữa đá, cà phê phin, mới đây, cà phê muối Việt Nam cũng đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Trong bài viết có tựa đề “Salty cream in your morning brew? Why Vietnam’s specialty coffees are catching on around the world”, tác giả Maggie Hiufu Wong (CNN Travel) nhận định cà phê muối đã trở thành một xu hướng đồ uống phổ biến trên TikTok, đến nỗi nhiều người phải đăng bài chia sẻ cách để có được ly cà phê mang hương vị giống cà phê muối Việt Nam nhằm thu hút tương tác. |
Hương ký ức
Phải thú nhận rằng tôi không rành cà phê, chẳng đủ tinh tế trong việc phân biệt các loại hay đánh giá nốt vị tiềm ẩn trong từng ly. Nhưng tôi say mê một giai điệu khác của thức bình dân này, đó là hương cà phê nồng nàn trong ký ức tuổi thơ. Hồi ấy, ba má tôi đi làm xa, các cậu, các dì thương đứa cháu lẻ loi nên thường đón tôi về nhà chơi để “có anh có chị”. Nhớ buổi sáng đầu tiên ở nhà cậu, tôi bị đánh thức bởi tiếng lách cách của hạt cà phê đang được rang trong chiếc chảo gang. Tôi xuống nhà dưới, mê mẩn nhìn cậu chăm chú xoay đều chiếc chảo. Những hạt cà phê xanh bắt đầu nở ra, chuyển dần từ màu xanh lá sang nâu vàng, rồi nâu sẫm, và cuối cùng là màu nâu đậm đặc trưng.
Chưa kịp tò mò ngắm nghía thêm, tôi đã bị chị họ len lén kéo rời nhà. Hồi đó, tôi chẳng hiểu mô tê chi, mãi sau này mới biết, chị sợ bị “mắng lây” nếu lỡ mẻ rang cà phê không suôn sẻ. Bởi ngày ấy, không có máy móc hay công nghệ hỗ trợ, việc rang cà phê dựa vào cảm nhận và kinh nghiệm của người rang để điều chỉnh nhiệt độ và thời gian sao cho phù hợp. Lửa quá to sẽ làm cháy khét hạt cà phê, lửa quá nhỏ lại khiến cà phê không đủ độ chín và dậy mùi. Nhắc đến mùi, lại nhớ chị tôi miêu tả đầy thú vị về các giai đoạn nhận biết độ chín của cà phê khi rang: mùi mốc, mùi khói và mùi thơm.
Chị canh giờ hòm hòm, đoán chừng mẻ cà phê đã rang xong thì về, nhanh nhẹn phụ ba mẹ xay cà phê. Bàn tay nhỏ của chị chầm chậm đong đưa nhịp xoay liên tục, đôi khi chưa đủ sức, phải dùng cả thân người để tạo lực. Tiếng lạo xạo của hạt cà phê bị nghiền vỡ, tiếng răng rắc của lưỡi cối đá trở thành âm thanh thân thuộc và rộn ràng trong miền ký ức thương nhớ của tôi. Nhưng để có được tiếng reo ca ấy, bàn tay nhỏ bé của chị đã phải đánh đổi bằng chuỗi ngày rã rời, mệt nhoài. Rứa mới biết, mỗi mẻ cà phê thành phẩm là một quá trình đầy công phu.
Mỗi khi nhắc về ngày cũ, ánh mắt chị lấp lánh hạnh phúc: “Hồi nớ cực mà vui”. Niềm vui góp sức hoàn thiện sản phẩm. Niềm vui phụ giúp cha mẹ. Và cả niềm vui của những ngày ấu thơ chẳng thể tìm lại… Chị bảo, dù ngày nay công nghệ hiện đại đã giúp việc rang xay cà phê nhẹ nhàng hơn nhiều nhưng chị vẫn luôn khắc nhớ về hương thơm xưa cũ. Đó là mùi hương thơm ngát ký ức, mùi hương của sự gắn kết gia đình.
Đâu chỉ là thức vị
Tôi lớn lên, rời nơi chốn nhau cắt rốn và có dịp đi chốn này nơi kia, trải nghiệm nhiều phong cách cà phê khác nhau. Tôi bất ngờ khi phát hiện sự khác biệt giữa cà phê Đà Nẵng đậm đặc và cà phê Sài Gòn hơi loãng. Tôi thương mến những ngày cà phê bệt - nét riêng của Sài Gòn - cùng bạn bè chia sẻ nụ cười thanh xuân rực rỡ. Tôi tò mò xen lẫn thích thú trước cà phê vợt với cách pha chế sự độc đáo. Tôi thích vị béo ngậy lạ miệng của cà phê trứng trứ danh của Hà Nội… Mỗi ly cà phê không đơn thuần là thức uống mà trở thành một phần của kỷ niệm, của cảm xúc, của sự gắn bó với người hay vùng đất.
Theo thời gian và nhiều lần biến chuyển, thức vị bình dân làm say lòng người khắp phố phường cũng khoác lên mình nhiều chiếc áo mới, từ hương vị cà phê truyền thống đến cà phê specialty (cà phê đặc sản) hay kết hợp phá cách cùng nguyên liệu mang đến sự mới mẻ (cà phê muối, cà phê sầu riêng, cà phê dừa, cà phê đậu phộng, cà phê bơ, cà phê mắm…); từ cà phê tại chỗ đến cà phê mang về (hay còn gọi là “take away”), cà phê lưu động…; từ thưởng thức đơn thuần đến chăm chút trong trình diễn, sáng tạo trong chế biến siphon (cà phê hơi nước), pour-over (rót qua), cold brew (cà phê lạnh), nitro cà phê…). Mỗi hương vị, mỗi cách chế biến đều mang đến một cung bậc cảm xúc riêng khiến việc uống cà phê không chỉ là thưởng thức mà còn là hành trình khám phá.
Cà phê đâu chỉ là những giọt nước nâu sánh đậm trong ly mà còn là sự kết nối những tâm hồn, phản ánh sự phong phú và sâu sắc của đời sống xã hội ở từng vùng miền và quốc gia. Có thể thấy sự chuyển mình của một nền văn hóa trong cả tách cà phê tưởng chừng bé nhỏ. Cũng vì vậy, dẫu không giỏi uống cà phê nhưng tôi luôn sẵn sàng trước một lời mời. Bởi điều đọng lại trong tôi không chỉ có hương vị cà phê mà nhiều hơn là tâm tình cùng người ngồi cùng. Vị nào cũng ăm ắp hạnh phúc của niềm sum vầy. Mỗi khi nhấp một ngụm cà phê, tôi lại thấy mình như được trở về những ngày thơ bé, nơi có nụ cười thư thái của ba khi nhấm nháp từng ngụm cà phê nhỏ, nơi có câu chuyện rộn rã tình thân của gia đình cậu…
YÊN KHÊ