Xứ Quảng với những chuyện xưa

.

Chuyện xưa xứ Quảng là chuyên mục hiện có tuổi đời cao thứ nhì sau Cửa sổ Tri thức trên Báo Đà Nẵng cuối tuần. Điều gì đã làm cho nó “thọ” đến vậy?

Tòa thị chính Đà Nẵng trong bài đăng đầu tiên của chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 2-9-2007. Ảnh: V.T.L
Tòa thị chính Đà Nẵng trong bài đăng đầu tiên của chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 2-9-2007. Ảnh: V.T.L

“Từ đỉnh đèo Hải Vân ‘Thiên hạ đệ nhất hùng quan’ trải về Nam, xứ Quảng là dấu ấn một thời mở cõi về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt, như tên gọi của vùng đất mới: Quảng Nam. Nức tiếng địa linh nhân kiệt, nổi danh khoa bảng hiền tài, nơi đây được xem là một thực thể địa lý - lịch sử kỳ lạ của đất nước. Ôn cố tri tân, kể từ số này, Đà Nẵng cuối tuần ra mắt bạn đọc Chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng (CXXQ), như một gạch nối giữa quá khứ hiển linh và tương lai kỳ vọng. Rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc và cộng tác viên xa gần”.

Lời Tòa soạn trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 2-9-2007 thông báo “khai sinh” một chuyên mục mới đã đến với bạn đọc gần xa. Người “mở hàng” là tác giả Ngô Phú Lâm (bút danh của PGS.TS Ngô Văn Minh) với bài “Tiếng còi tầm và lá cờ Tổ quốc” chỉ hơn 600 chữ, kể chuyện sáng ngày 26-8-1945 có tiếng còi tầm và lá cờ đỏ sao vàng của Cách mạng tháng Tám tung bay ở nội thành Đà Nẵng.

Tác giả viết: “Từ sau ngày lịch sử đó, người dân Đà Nẵng đã hình thành một nếp sinh hoạt biểu hiện tinh thần tự tôn dân tộc. Mỗi buổi sáng, khi nghe tiếng còi tầm vừa cất lên thì từ cụ già cho đến trẻ em, dù đang làm việc gì cũng đều dừng lại bỏ mũ nón đứng nghiêm tại chỗ, quay về phía Cơ quan Ủy ban Cách mạng lâm thời (Tòa thị chính Đà Nẵng) để chào lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc”.

Từ cú hích ban đầu đó, nhiều tác giả trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã gởi bài cộng tác, mỗi người một vẻ làm cho chuyên mục ngày một thêm phong phú. Hơn 4 tháng sau đó, trong lần họp cộng tác viên Báo Đà Nẵng ngày 26-1-2008, nhà thơ Bùi Xuân đề nghị nên chú ý nhiều hơn nữa đến chuyên mục CXXQ, bởi đây là nơi chốn lưu giữ tên người, tên đất, tên làng, góp phần làm nên bản sắc tờ báo. Từ đó, Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn đã quyết định thêm “đất” cho chuyên mục non trẻ, tăng gấp đôi lượng chữ cho mỗi bài.

Sự mới mẻ, cần thiết của chuyên mục với sứ mệnh thực hiện “một gạch nối giữa quá khứ hiển linh và tương lai kỳ vọng” đã thúc giục các tác giả gần xa gởi bài cộng tác. Có trường hợp thật đáng trân trọng như bài “Di chúc của Ông Ích Khiêm” của thầy giáo Nguyễn Đình Thảng (1925-2007) đã đăng vào kỳ thứ 15 trên CXXQ. Thầy quê quán xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước năm 1975 ông từng học và giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là một trong những cán bộ đầu tiên ngành Hán Nôm của trường. Khi CXXQ được khai sinh cũng là lúc ông qua đời. Quý trọng người thầy tài năng đáng kính, học trò đã gởi bài di cảo của thầy để đăng trên chuyên mục non trẻ của Báo Đà Nẵng ngay trong năm 2007.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy lúc sinh thời cũng tham gia nhiều bài viết CXXQ, trong đó có bài “Cãi Quảng Nam trên văn đàn xưa” đăng trên chuyên mục vào tháng 3-2010 nói về nhà văn Phan Khôi khá lý thú. Dân gian có câu “Quảng Nam hay cãi”, Phan Khôi cũng vì hay cãi nên đã đi vào thành ngữ “Lý sự Phan Khôi”.

Một trong những tác giả cộng tác thường xuyên cho chuyên mục là nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt (1957-2015). Sinh thời công tác tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, ông có cả một kho tư liệu nên tranh thủ đi điền dã nhiều nơi, viết CXXQ đăng báo và in sách với tựa Chuyện xưa đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 2012). Ghi nhận công sức cộng tác viên Phạm Hữu Đăng Đạt, khi ông mất, người phụ trách chuyên mục đã “đi tiền trạm” để Ban Biên tập đến viếng hương. Một số bài của ông gởi trước khi ông mất, về sau đã được lần lượt đăng tải trên CXXQ với tên tác giả được đóng khung.

Tác giả Lê Thí cùng đồng môn thời đại học Lê Đình Cương (bút danh Phú Bình, hiện ở Tam Kỳ) là hai cộng tác viên nhiệt tình, từng cứu CXXQ khỏi “chết yểu” trong quãng thời gian khó khăn của chuyên mục bằng những bài viết thấm đẫm hương sắc văn hóa - lịch sử xứ Quảng. Cũng như Phạm Hữu Đăng Đạt, Lê Thí tập hợp phần lớn những bài viết trong chuyên mục CXXQ để in thành sách, và cũng do tránh tên chuyên mục CXXQ, ông lấy tên sách là Người xưa đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 2011).

Cộng tác viên xa nhất là Chu Trọng Huyến, ở Nghệ An. Bài “Trần Đình Phong với khoa bảng đất Quảng” ông gởi được đăng trên CXXQ ngày 28-10-2018. Bài viết kể về hành trạng của Đốc học Quảng Nam Trần Đình Phong (1843-1909), người xứ Nghệ, từng là thầy dạy của nhiều nhà khoa bảng lừng danh xứ Quảng như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... Trong bài viết của mình, ngoài tình đồng hương với ngài Đốc học, tác giả còn tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các nhà khoa bảng xứ Quảng.

Chuyên mục là mục thường kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng dành riêng cho một vấn đề. Có những chuyên mục sớm “chết yểu” vì nhiều lý do ngoài ý muốn của những người xây dựng nên nó.

CXXQ nay đã bước qua năm thứ 17 với gần 800 kỳ báo, “tuổi thọ” của chuyên mục như thế nào còn tùy thuộc vào “sức khỏe” của chính nó. Điều này do cộng tác viên quyết định!

“Từ đỉnh đèo Hải Vân ‘Thiên hạ đệ nhất hùng quan’ trải về Nam, xứ Quảng là dấu ấn một thời mở cõi về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt, như tên gọi của vùng đất mới: Quảng Nam. Nức tiếng địa linh nhân kiệt, nổi danh khoa bảng hiền tài, nơi đây được xem là một thực thể địa lý - lịch sử kỳ lạ của đất nước. Ôn cố tri tân, kể từ số này, Đà Nẵng cuối tuần ra mắt bạn đọc Chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng, như một gạch nối giữa quá khứ hiển linh và tương lai kỳ vọng. Rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc và cộng tác viên xa gần”. Lời Tòa soạn trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 2-9-2007 thông báo “khai sinh” một chuyên mục mới đã đến với bạn đọc gần xa.
ĐNCT:  Nhằm thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025), chuẩn bị xuất bản kỷ yếu Báo Đà Nẵng - 65 năm trưởng thành (dự kiến phát hành vào đầu năm 2025), từ ngày 23-6-2024 Đà Nẵng cuối tuần mở mục “Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”. Nội dung tập trung phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển Báo Quảng Đà, Cờ Giải Phóng, Quảng Nam - Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ, khắc họa các bước phát triển và những đóng góp quan trọng của các thế hệ những người làm báo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan của Đảng bộ, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Xin được giới thiệu đến bạn đọc và mong nhận được sự cộng tác của các đồng nghiệp, cộng tác viên xa gần. Trân trọng.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.