Ba ca khúc, ba góc nhìn, một tình yêu Hà Nội!

.

Không phải ngẫu nhiên bài viết này tôi chọn ba ca khúc ra đời đã lâu nhưng vẫn chưa hề cũ để nhắc tới. Những ca khúc có nhiều điểm khác nhau và cũng có điểm chung. Mong rằng, qua đây góp thêm một góc nhìn đa chiều về Hà Nội trong âm nhạc.

Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội đã đi vào thơ nhạc. Ảnh: Tư liệu
Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội đã đi vào thơ nhạc. Ảnh: Tư liệu

Cô đọng Hà Nội chỉ trong một từ “xanh”

“Xanh xanh thắm, bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh...”, như bao mùa thu trước, nếu ở Hà Nội những ngày này, có thể trong lúc thong dong trên những con phố, ta sẽ bắt gặp những câu hát ấy vang lên ở đâu đó từ góc phố, từ một sự kiện tập thể hay có thể trên hệ thống loa công cộng. Là người Hà Nội hay người yêu Hà Nội, hẳn những lời ca ấy đã rất gần gũi. “Trời Hà Nội xanh” là một sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký (1928-2020). Có thể xếp bài này vào dòng Ca khúc Cách mạng.

Sáng tác năm 1982, một năm sau, năm 1983, “Trời Hà Nội xanh” mang về cho tác giả giải thưởng cao nhất (giải nhì không có nhất) trong cuộc vận động sáng tác mang tên Hồ Gươm Xanh do thành phố Hà Nội tổ chức.

Ở thời điểm Văn Ký sáng tác “Trời Hà Nội xanh” thì những ca khúc viết về Hà Nội đã xuất hiện được chừng nửa thế kỷ. Có nhiều bài thành bất hủ, nhất là những bài hào hùng, sục sôi quyết tâm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, nổi bật như “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Tiến về Hà Nội” (Văn Cao), “Sẽ về Thủ đô” (Huy Du), “Hà Nội - Điện Biên Phủ” và “Hà Nội những đêm không ngủ” (Phạm Tuyên), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân)... Lại cũng đã có những ca khúc trữ tình được yêu thích như “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Tình yêu Hà Nội” (Hoàng Vân)…

Kể tên nhiều ca khúc để thấy rằng, viết về Hà Nội không đơn giản, ở góc nhìn nào, đề tài nào dường như cũng đã có. Vậy mà thật tài tình, Văn Ký đã thấy một lối riêng, một khoảng trống để viết nên “Trời Hà Nội xanh”. “Trời Hà Nội xanh” không phải hùng ca, cũng không phải những giai điệu trữ tình da diết, sâu lắng như nhiều ca khúc cùng đề tài Hà Nội, nó mang tính trữ tình trong sáng pha lẫn những rạo rực. Trong những mô-típ quen, Văn Ký đã góp thêm một màu sắc mới.

Giá trị nhất của ca khúc là phần ca từ. Ngoài câu mở đầu gợi không gian sáng trong, êm đềm, phần điệp khúc thể hiện rõ đây là mùa thu cách mạng: “Ta chưa quên, ta chưa quên một mùa thu/ Hà Nội vùng lên Hồng Hà cuộn sóng/ Ta chưa quên những ngày đêm mịt mù bão lửa/ Đêm pháo hoa anh lại gặp em/ Trời Điện Biên Hà Nội chiến thắng...”. Người Hà Nội là thế, sống giữa hôm nay, không quên ngày hôm qua; sống trong tưng bừng cờ hoa, bầu trời rực màu sắc của pháo hoa cũng không quên về những ngày rực lửa; đồng thời cũng không quên mong ước hạnh phúc cứ nối tiếp mãi ở nơi đây.

Cái hay ở chỗ Văn Ký đã cô đọng Hà Nội chỉ trong một từ “xanh”. Từ này được lặp lại nhiều lần gợi lên một không gian bình yên, với con người hiền hòa, khát vọng sống trong hòa bình, ngay cả những ngày khói lửa vẫn lạc quan với niềm tin chiến thắng. Từ “xanh” trong một bầu trời màu xanh, tà áo màu xanh, ước mơ xanh đã nằm ở đâu đó trong các ca khúc nhưng một màu xanh đậm nét, màu xanh của cách mạng, của hòa bình, của tình yêu quê hương, đất nước lại được diễn tả như trong tình yêu đôi lứa ở thời điểm đầu những năm 1980 là một góc tiếp cận rất mới.

"Nhớ đến một người, để nhớ mọi người"

Có nhiều điểm khác giữa các ca khúc về Hà Nội, nhưng có khác đến đâu thì tất cả đều có một điểm chung đó là nhắc đến Hà Nội bằng một tình yêu với sự rung động từ trái tim, với sự nâng niu từng chi tiết như thể tất cả những gì hiện hữu ở nơi đây đều thuộc về giá trị lịch sử. Hà Nội sẽ rất khác biệt vì Hà Nội là Thăng Long xưa, là Thủ đô, là nơi được nhắc đến nhiều nhất trong suốt chiều dài cả nghìn năm của lịch sử dân tộc, nên hình như nó vượt qua ranh giới của tình yêu đôi lứa, vượt qua yếu tố gọi là địa phương để mặc nhiên nằm trong trái tim mỗi văn nghệ sĩ nói riêng, rộng hơn là mỗi người Việt.

Trịnh Công Sơn ngay trong lần đầu tới Hà Nội đã bị cuốn vào những điều rất thân quen, giản dị của 36 phố phường: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”. Nhạc sĩ đã ấn tượng với thu Hà Nội, nhấn mạnh điều đó bằng cách nhắc lại nhiều lần cụm ca từ “Hà Nội mùa thu”, thậm chí có chỗ đảo từ để nhắc lại ngay: “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội”. Nhấn mạnh đấy, nhưng chỉ để tiếp tục nhắc đến những thân quen: “mùa hoa sữa về thơm lừng con gió”, “mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ” và món quà vặt theo mùa “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”.

Một chi tiết có lẽ gây ngạc nhiên ở thời điểm “Nhớ mùa thu Hà Nội” ra đời. Ca khúc nhắc đến những đặc trưng Hà Nội nhưng không chọn Hồ Gươm mà lấy Hồ Tây làm điểm nhấn: “Hồ Tây chiều thu mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Ca từ dù đã thoát ra khỏi không gian phố nhưng vẫn tiếp tục gợi lên một Hà Nội bình yên, cho thấy thêm góc nhìn của nhạc sĩ về một Hà Nội đẹp huyền ảo trong cảnh sắc Hồ Tây mùa thu. Cũng từ đây thấy những suy tư của nhạc sĩ khi dẫu đã được Hà Nội ôm trọn vào lòng vẫn thầm vang lên câu hỏi: “Tôi đang nhớ ai?”.

Chắc không phải ngẫu nhiên bên cạnh những thân quen của phố phường, của những mùi hương, Trịnh Công Sơn lại chọn Hồ Tây và không ngẫu nhiên ông thốt lên rằng “Tôi đang nhớ ai?” Nhìn lại thời điểm ca khúc ra đời năm 1985, sau chuyến công tác nước ngoài nhạc sĩ có chừng một tháng ở Hà Nội. Thời gian này, ông đã tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ nơi đây, trong đó lần đầu ông gặp nhạc sĩ Văn Cao.

Chắc rằng trong những cuộc trò chuyện với giới văn nghệ sĩ, cảnh đẹp Hồ Tây, thăng trầm của những con người, của lịch sử dân tộc gắn với Hồ Tây như hiện lên mờ mờ, xa xa. Nào là bóng dáng nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822); nào là áng thơ bất hủ “Vịnh Tây hồ” của Nguyễn Công Trứ (1778-1859); nào là cả hơn ngàn năm lịch sử vua Lý Nam Đế (503-548) cho xây chùa Khai Quốc (Trấn Quốc ngày nay); nào là nơi trận mạc của Hai Bà Trưng (thế kỷ II) chiến đấu với tướng giặc Mã Viện nhà Đông Hán; nào là nơi trạng nguyên Phùng Khắc Khoan (1528-1613) cùng hai người bạn du thuyền trên hồ bắt gặp công chúa Liễu Hạnh (nhà Lê) và cả bốn cùng làm thơ, chơi thơ; nào là nơi một thời vàng son từng là chỗ ăn chơi thưởng ngoạn của các đời chúa Trịnh…

Cho nên, “tôi đang nhớ ai” ở đây, theo tôi, không phải dùng để chỉ là một người duy nhất mà là nhiều những một con người cụ thể ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Điều này có vẻ mâu thuẫn với chi tiết nhạc sĩ Văn Cao từng trao đổi với Trịnh Công Sơn rằng câu kết của bài chỗ “nhớ đến một người để nhớ mọi người” có vẻ hơi thừa. Trịnh Công Sơn cho biết một người ở đây chính là Văn Cao. Đây là một sự trân trọng của ông dành cho bậc tiền bối đáng kính. Điều đó thật xứng đáng, nhưng chưa phải là tất cả, ẩn trong ca khúc là nhiều những “một người” và Văn Cao một trong số đó dưới góc nhìn của Trịnh Công Sơn! Trong khi “mọi người” ở đây đại diện cho số đông, cho mỗi thời đại. Và dù thời gian đã qua nhưng họ vẫn ở đây, hiện hữu khắp mọi nơi trong không gian, trên mỗi con phố, hàng cây, mùi hương, trong tất cả những gì thuộc về Hà Nội.

Một mối duyên thơ nhạc

Năm 1971, ở Đà Nẵng diễn ra một mối duyên thơ nhạc để rồi dâng hiến cho đời tuyệt phẩm: “Có phải em mùa thu Hà Nội”. Trong một buổi giao lưu của nhóm thơ Hàn Giang, nhà thơ gốc Đà Nẵng Tô Như Châu (1934-2002) đã chia sẻ với nhạc sĩ Trần Quang Lộc (1949-2020) một bài thơ viết về Hà Nội. Bài thơ dài tới năm trang giấy, ông sáng tác dành tặng người con gái mà ông yêu. Cô ấy là người gốc Hà Nội di cư cùng gia đình và định cư ở gần nơi nhà thơ sinh sống. Bài thơ là cảm xúc lãng mạn về tình yêu gắn với những cảnh đẹp mùa thu Hà Nội.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc lập tức có cảm tình với bài thơ. Một năm sau, năm 1972, ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” ra đời với phần ca từ được chắt lọc từ những tứ thơ hay nhất của bài thơ. Danh ca Thái Thanh là người đầu tiên hát ca khúc này ở phòng trà. Cùng năm 1972 có một lần bà hát “Có phải em mùa thu Hà Nội” trên Đài phát thanh Pháp - Á nhưng sau đó ca khúc bị cấm, rồi bị lãng quên. Hơn 20 sau, năm 1994, qua phát hiện của nhạc sĩ Đức Trí, “Có phải em mùa thu Hà Nội” hồi sinh với sự thể hiện của Hồng Nhung. Vài năm sau nữa, thêm một lần ca khúc làm mưa gió gắn với giọng hát Thu Phương. Từ đó ca khúc sống cùng tâm hồn người yêu nhạc, yêu Hà Nội.

Dù chỉ biết đến Hà Nội qua những câu chuyện kể, qua những trang sách… nhưng Hà Nội hiện lên trong thơ Tô Như Châu và nhạc Trần Quang Lộc nhưng cũng giống như bao áng thơ, bài nhạc khác, “Có phải em mùa thu Hà Nội” đầy chất trữ tình, thiên về nội tâm và ngợi ca vẻ đẹp của mùa thu. Trong ca khúc bên cạnh hình ảnh lãng mạn, man mác buồn về một Thăng Long hoài niệm, người viết chú ý đến sự xuất hiện của câu hát: “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”. Câu hát gợi ký ức bi hùng của dân tộc khi nhắc đến sông Hát (Hát Giang - đoạn sông Đáy hòa vào dòng sông Hồng) xưa nằm ở xứ Đoài, nay thuộc huyện Phúc Thọ ngoại thành Hà Nội, nơi Hai Bà Trưng (cách gọi khác của Trưng Vương) đã gieo mình tự vẫn.

Rõ ràng cả ba ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội”, “Nhớ mùa thu Hà Nội” và “Trời Hà Nội xanh” có nhiều điểm khác nhau. Điểm khác đầu tiên đến từ chính các tác giả. Nhà thơ Tô Như Châu cùng nhạc sĩ Trần Quang Lộc chưa một lần đến Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không sống ở Hà Nội mà chỉ ghé qua nơi đây, nhạc sĩ Văn Ký gắn bó gần cả cuộc đời với Hà Nội. Có nghĩa mỗi tác giả tiếp cận Hà Nội, cảm nhận Hà Nội và giải mã Hà Nội theo một cách riêng.

Điểm khác tiếp theo thuộc về nhạc và lời. Có ca khúc được xếp vào dòng ca khúc cách mạng, có ca khúc mang màu sắc trữ tình trong sáng, lại có ca khúc có thể coi là trữ tình phù hợp với các giọng ca nhạc nhẹ. Trong khi nội dung ca từ cũng nói về những góc khác nhau: về niềm tự hào của một thành phố anh hùng vừa trải qua chiến tranh nhưng vẫn tràn đầy màu xanh của hòa bình; về một giãi bày nội tâm với cả những trầm tích lịch sử của mảnh đất và con người Hà Nội; về một tình cảm lứa đôi hòa quyện với không gian, đất trời Hà Nội và không quên một lát cắt lịch sử tạo nên thành phố này.

Còn nhiều điểm khác nữa, nhưng có khác đến đâu thì tất cả đều có một điểm chung đó là nhắc đến Hà Nội bằng một tình yêu với sự rung động từ trái tim, với sự nâng niu từng chi tiết như thể tất cả những gì hiện hữu ở nơi đây đều thuộc về giá trị lịch sử. Hà Nội sẽ rất khác biệt vì Hà Nội là Thăng Long xưa, là Thủ đô, là nơi được nhắc đến nhiều nhất trong suốt chiều dài cả nghìn năm của lịch sử dân tộc, nên hình như nó vượt qua ranh giới của tình yêu đôi lứa, vượt qua yếu tố gọi là địa phương để mặc nhiên nằm trong trái tim mỗi văn nghệ sĩ nói riêng, rộng hơn là mỗi người Việt.

Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG

;
;
.
.
.
.
.