Chống rác nhựa từ chuyện nhỏ như...… cái nắp chai

.

Quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu nắp chai nhựa phải được gắn cố định vào chai có hiệu lực từ tháng 7-2024 đã tạo ra những phản ứng khác nhau. Trong khi các nhà môi trường ủng hộ thì nhiều du khách phàn nàn về sự bất tiện.

Bất kể những tranh cãi, quy định mới về nắp chai được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể rác thải nhựa tại nhiều bãi biển của châu Âu.

Liên minh châu Âu cho biết, sở dĩ họ ra quy định cụ thể về nắp chai nhựa như vậy vì chúng là một trong những loại rác thải được tìm thấy nhiều nhất trên bãi biển của châu lục này. Ảnh: Wall Street Journal
Liên minh châu Âu cho biết, sở dĩ họ ra quy định cụ thể về nắp chai nhựa như vậy vì chúng là một trong những loại rác thải được tìm thấy nhiều nhất trên bãi biển của châu lục này. Ảnh: Wall Street Journal

Các hãng đồ uống ủng hộ

Theo trang Environment Energy Leader, từ ngày 3-7-2024, mọi loại chai nhựa dùng một lần đựng đồ uống có dung tích dưới 3 lít tại EU phải có nắp gắn cố định vào chai. Quy định này là một phần trong chỉ thị về nhựa sử dụng một lần của EU, được thông qua từ năm 2019. Quy định mới nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa nghiêm trọng tại châu Âu. Theo số liệu thống kê của Environment Energy Leader, châu Âu thải ra gần 26 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong khi đó nhựa chiếm khoảng 80% rác thải trong đại dương.

Việc thực hiện quy định mới đòi hỏi các nhà sản xuất phải có những điều chỉnh đáng kể về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn như theo thông tin từ Yahoo News, Công ty sản xuất và phân phối nước đóng chai CG Roxane của Mỹ đã phải triển khai thiết bị mới vì dây chuyền sản xuất tốc độ cao của họ không thể vận hành với nắp chai gắn liền.

Không bất ngờ khi quy định mới đã tạo ra làn sóng phản ứng đa chiều. Nhiều du khách quốc tế gặp khó khăn khi làm quen với thiết kế mới của nắp chai. Anh Malcolm McKie, kế toán viên 35 tuổi từ Toronto, phàn nàn với báo Wall Street Journal về việc phải "học lại cách uống nước" với thiết kế mới. Tại Ý, cũng theo Wall Street Journal, chính trị gia cánh hữu Matteo Salvini thậm chí đã biến vấn đề này thành một điểm trong chiến dịch chống EU. Ông đăng tải hình ảnh một người đàn ông uống nước với nắp chai gần như chạm vào mũi, kèm theo thông điệp phản đối các quy định môi trường từ Brussels.

Tuy nhiên, các công ty đồ uống lớn đã mau chóng thích nghi với quy định mới. Hãng Coca-Cola cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi này cần thời gian để làm quen" và khẳng định khách hàng nói chung ủng hộ nắp chai mới khi họ hiểu về mục tiêu giảm rác thải.

Thị trường tỷ đô

Thị trường sản xuất nắp chai gắn liền đang phát triển mạnh. Công ty Origin Materials công bố hợp đồng trị giá 100 triệu USD cho sản phẩm nắp chai PET của họ và đang hợp tác với các nhà sản xuất ở cả châu Âu và Mỹ, theo trang Plastics Today. Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, thị trường nắp chai toàn cầu sẽ đạt giá trị 85 tỷ USD vào năm 2026, tăng từ mức 65 tỷ USD vào năm 2021.

Xu hướng toàn cầu?

Theo đánh giá của trang Plastics Today, quy định nói trên của EU đã tạo ra một làn sóng đổi mới trong ngành công nghiệp bao bì. Công ty Origin Materials - chuyên phát triển và sản xuất các vật liệu có nguồn gốc từ sinh học của Mỹ - đã phát triển Hệ thống CapFormer, được coi là thiết bị sản xuất đầu tiên quy mô thương mại cho nắp chai và nắp đậy bằng nhựa PET. Hệ thống này có khả năng sản xuất với hiệu suất sản xuất trên 98%.

Nhu cầu về bao bì nhựa tái chế sau tiêu dùng (PCR) cũng tăng mạnh. Theo báo cáo của Smithers, nhu cầu này đạt gần 4,8 triệu tấn năm 2021 và dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR 5,9% đến năm 2026. Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống chiếm hơn hai phần ba lượng tiêu thụ PCR vào năm ngoái và sẽ có nhu cầu tăng cao nhất đến năm 2026. Châu Âu hiện là thị trường lớn nhất cho PCR, chiếm một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu vào năm 2021 và sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong ngắn hạn. Điều này một phần do các quy định pháp luật như chỉ thị về nhựa dùng một lần, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU và các khoản phụ phí rác thải nhựa.

Xu hướng này đang lan rộng ra ngoài EU. Tại Úc, các nhóm môi trường đang kêu gọi chính phủ áp dụng quy định tương tự. Theo trang Packaging News, tổ chức Beach Patrol Australia (BPA) cho biết nắp chai nhựa là một trong những thứ thường xuyên bị vứt bỏ nhất trên các bãi biển của Úc. Tiến sĩ Ross Headifen, đồng sáng lập BPA nhấn mạnh: "Chúng tôi thu gom hàng trăm nắp chai trên bãi biển mỗi ngày. Việc bắt buộc sử dụng nắp chai gắn liền có thể giảm đáng kể ô nhiễm nhựa".

Trong khi đó bà Birte Moliere, chuyên gia về quản lý sản phẩm bao bì tại Boomerang Alliance - liên minh gồm nhiều tổ chức môi trường tại Úc - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái chế toàn diện cũng như “lỗ hổng” trong vấn đề tái chế nắp chai với trang Packaging News: "Đa số các chai nước uống hiện nay có thể được tái chế thông qua các điểm thu gom hoàn tiền cho bao bì, tuy nhiên nắp chai thường không nằm trong các chương trình này và trở thành rác thải hoặc bị đưa vào bãi chôn lấp”.

ĐỖ DƯƠNG

 
;
;
.
.
.
.
.