Chuyển đổi số - tiến trình tất yếu

.

Những ngày đầu tháng Mười, nếu dạo quanh một vòng trên không gian mạng, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều tài khoản khác nhau nhưng có chung một khung hình nhận diện (avatar frame). Đó là khung hình nằm trong bộ nhận diện ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10-2024 đã được xây dựng, phổ cập và truyền thông rộng rãi. Điều này chứng tỏ, chuyển đổi số đang dần trở thành mối quan tâm của toàn xã hội và ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ.

Chuyển đổi số không chỉ dừng lại như một xu hướng cần phải chạy theo mà là một trong những bước đi bắt buộc không thể bỏ qua đối với bất kỳ quốc gia nào trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững. Ảnh: T.H
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại như một xu hướng cần phải chạy theo mà là một trong những bước đi bắt buộc không thể bỏ qua đối với bất kỳ quốc gia nào trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững. Ảnh: T.H

Theo tài liệu hỏi đáp của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số được định nghĩa: “Quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số”. Nếu hiểu một cách đơn giản nhất, chuyển đổi số chính là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số.

Thật ra, chuyển đổi số là một quá trình khách quan của sự phát triển, nghĩa là dù muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang diễn ra. Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp: cơ giới hóa, điện khí hóa và tự động hóa, hiện đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng về số hóa, tạo ra những biến đổi sâu sắc về lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu, cần sự thay đổi căn bản về cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội.

Sự tất yếu này đặt ra yêu cầu phải có một cuộc cách mạng chuyển đổi số toàn diện, không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới - “phương thức sản xuất số” để vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Lịch sử cho thấy rằng, nhiều nước đã tận dụng tốt các cuộc cách mạng để bứt phá tăng trưởng GDP như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Ba (Cách mạng kỹ thuật số diễn ra năm 1970 với sự ra đời và phổ biến của máy tính, thiết bị điện tử và internet) đã giúp Hàn Quốc, Singapore... trỗi dậy mãnh liệt. Vì vậy, cùng với Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc nắm bắt cơ hội cũng như vượt qua thách thức để Việt Nam trở thành một quốc gia số có sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Để đạt được mục tiêu đó, một quốc gia số sẽ cần có đầy đủ một chính quyền số, một xã hội số, một nền kinh tế số và một cộng đồng công dân số. Trong đó, có lẽ nhân tố con người là đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi lẽ, con người vừa là chủ thể quyết định đến sự thành công hay thất bại của mọi chương trình, kế hoạch, giải pháp…, vừa là đích đến cuối cùng mà các chương trình này hướng đến - vì con người và để phục vụ tốt nhất cuộc sống của con người.

Chương trình chuyển đổi số cũng vậy - có được thực hiện thành công hay không chủ yếu phải dựa trên yếu tố con người, hay chính xác hơn là mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của công dân. Điều này đòi hỏi mỗi công dân phải có nhận thức và tư duy đúng đắn về chuyển đổi số, rèn luyện khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, thực hiện quyền và trách nhiệm trong môi trường số, tiến hành định danh và xác thực, lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số...

Khác với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin là tối ưu hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có; chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.

Chuyển đổi số không chỉ dừng lại như một xu hướng cần phải chạy theo mà là một trong những bước đi bắt buộc không thể bỏ qua đối với bất kỳ quốc gia nào trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững. Hay nói cách khác, với chuyển đổi số và bằng chuyển đổi số, chúng ta có thể từng bước phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên tiên tiến, văn minh, hiện đại, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc”.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.