Đấu tranh trong thấu hiểu

.

Gần đây, dư luận dậy sóng trước vụ việc một giáo viên chủ nhiệm tại Trường Tiểu học Chương Dương (Thành phố Hồ Chí Minh) gợi ý phụ huynh đóng góp tiền mua laptop vì lý do cá nhân. Khi không nhận được sự đồng thuận từ một số phụ huynh, giáo viên này đã có phản ứng “dỗi”: thông báo không soạn đề cương cho học sinh.

Không chỉ dừng lại ở đó, cô còn truy tìm phụ huynh của học sinh nào từ chối và có những lời lẽ không hay khiến trẻ hoảng sợ, lo lắng, khẩn cầu cha mẹ đóng tiền mới dám đến trường. Dù tuyên bố “không nhận ủng hộ nữa” nhưng cô vẫn giữ quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và liệt kê khoản này trong danh sách chi.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu cô giáo này vận động phụ huynh đóng góp cho các khoản ngoài quy định. Những hành vi này diễn ra trong nhiều năm, gây bức xúc cho phụ huynh nhưng không được xử lý một cách minh bạch. Năm học trước, cô từng kêu gọi đóng góp mua loa, máy in ở một lớp khác nhưng khi phụ huynh đề nghị xin lại để sử dụng cho năm học này, cô đã cắt đứt liên lạc. Vậy tại sao những hành động sai trái này lại tiếp tục kéo dài? Một trong các nguyên nhân đó là sự lo ngại rằng con mình có thể bị giáo viên “đì” khiến nhiều phụ huynh e ngại lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Trong nhiều năm qua, mặc dù bị cấm, tình trạng giáo viên vận động phụ huynh đóng góp các khoản ngoài quy định vẫn diễn ra. Câu chuyện trên lần nữa bùng nổ sự chỉ trích nhưng thay vì cơn giận lấn át, chúng ta nên bình tĩnh, nhìn thẳng vào vấn đề để đưa ra giải pháp giải quyết triệt để vấn đề.

Thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp quản lý giáo dục, trước hết là tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện làm việc và đãi ngộ cho giáo viên cũng là một giải pháp thiết yếu. Khi giáo viên được đảm bảo về mặt vật chất và tinh thần, họ sẽ có thể tập trung hoàn toàn vào việc giảng dạy mà không phải lo lắng về những vấn đề ngoài lề. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp giảm áp lực tài chính, từ đó hạn chế những hành vi không đúng đắn.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, giáo dục là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Mối quan hệ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần được xây dựng trên nền tảng tôn trọng, minh bạch và hợp tác. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, nơi mà giáo viên được tôn trọng, phụ huynh an tâm và học sinh được phát triển toàn diện.

Vụ việc tại Trường Tiểu học Chương Dương là một hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng, minh bạch và đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Đây là thời điểm để các bên liên quan cùng nhau nhìn nhận lại, đánh giá và có những hành động cụ thể để cải thiện tình hình.

Chúng ta bức xúc trước hành vi của cô giáo trên nhưng xin đừng vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà quên đi những tấm gương sáng trong ngành giáo dục. Trong bóng tối của câu chuyện tiêu cực, vẫn có những ngọn lửa sáng bừng lên từ lòng tận tụy và tình yêu vô điều kiện dành cho học sinh.

Đó là các giáo viên ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình dẫu đi qua bao cung đường vòng vèo, bấp bênh gần 10km, nhiều lần ngã xe nhưng vẫn kiên trì để vận chuyển cơm, cháo từ điểm trường chính về điểm trường bản Kè (thuộc Trường Mầm non xã Lâm Hóa).

Đó là cô giáo Lê Thị Hương - người mỗi ngày phải vượt qua những con dốc cheo leo, băng qua suối sâu để đến điểm trường nằm lọt thỏm giữa những bản làng heo hút ở vùng cao Hà Giang nhưng chưa một lần bỏ lớp, bỏ trò. Đó là thầy Đặng Văn Cường đã dành hơn 30 năm dạy chữ miễn phí cho những đứa trẻ nghèo, khuyết tật.

Đó là cô Nguyễn Thị Huỳnh Trân (Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Liên Chiểu) tự bỏ tiền túi mua quà, tổ chức sinh nhật, tạo niềm vui nhỏ bé mà ý nghĩa cho học sinh. Đó còn là các thầy cô ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) mỗi năm hỗ trợ cho khoảng 150 học sinh diện đặc biệt...

Giáo viên không chỉ là những người dạy chữ mà còn là những người xây dựng tương lai cho thế hệ sau. Họ không đòi hỏi sự công nhận hay tiếng vang mà thầm lặng làm đẹp cuộc đời bằng tấm lòng nhiệt huyết.

Cũng chính vì vậy, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi sai trái nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh và nâng cao uy tín của nghề giáo. Nhưng ngành giáo dục cũng cần nhiều hơn sự thấu hiểu từ xã hội để vượt qua những khó khăn, thử thách. Tin rằng, việc đấu tranh trong thấu hiểu, yêu thương sẽ tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ, bền vững.

HÀM CHÂU

;
;
.
.
.
.
.