Làm đẹp chẳng nên là một cuộc đua mà chúng ta cần phải tham gia bằng mọi giá. Thiết nghĩ, vẻ đẹp đích thực không phải là khuôn mặt hoàn hảo hay thân hình chuẩn mực mà ở sự tự tin, nụ cười tự nhiên và ánh mắt rạng ngời của một người phụ nữ hạnh phúc và tự do!
Tháng trước, cô tôi đi nâng ngực. Tháng này, bác gái vừa cắt mắt. Mẹ và mợ tôi đang rủ nhau xăm môi. Câu chuyện của các buổi tụ họp gia đình gần đây dường như chỉ xoay quanh chủ đề làm đẹp, không chỉ ở thế hệ trẻ chúng tôi mà cả thế hệ người lớn. Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng dường như phụ nữ thời hiện đại đang bị sức ép nặng nề: phải luôn đẹp. Áp lực này ngày càng bị khuếch đại bởi sự bùng nổ của truyền thông và mạng xã hội với những bức ảnh đã qua chỉnh sửa kỹ lưỡng, những video “makeup transformation” (biến hóa sau trang điểm).
Bạn tôi là một “nạn nhân” điển hình của cuộc đua phải đẹp. Vốn yêu thích sự mộc mạc và thoải mái, bạn thường lựa chọn váy rộng hay quần jeans, áo phông phù hợp công việc năng động. Nhưng sau nhiều lần bị chê bai, thậm chí giễu cợt, bạn bắt đầu thay đổi. Bạn gò bó cơ thể trong những bộ váy ôm sát tôn dáng, liên tục thay đổi phong cách thời trang theo lời góp ý, ép mình trang điểm mỗi ngày và lao vào việc giảm cân đến kiệt sức. Sự thay đổi không xuất phát từ nhu cầu của bản thân khiến bạn mệt mỏi. Sau thời gian dài chạy đua với cuộc chiến làm đẹp, bạn đánh mất sự tự tin, nụ cười tươi rói vốn có và rơi vào trầm cảm.
Bạn không phải là trường hợp cá biệt. Tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp cũ bị ám ảnh về ngoại hình đến mức dồn hết tiền bạc, thậm chí vay mượn thêm, vào những ca phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng càng chỉnh sửa, bạn càng không hài lòng. Chiếc gương không chỉ phản chiếu một hình ảnh mà còn mở ra hàng triệu so sánh với người khác. Ngay cả em gái tôi cũng thường than thở về ngoại hình của mình trong khi diện mạo em khá xinh xắn. Mỗi khi được khen, em lại thở dài: “Bạn bè em đẹp hơn em nhiều lần lắm”. Dường như hành trình tìm kiếm vẻ đẹp của không ít người đang bị áp lực đồng trang lứa về nhan sắc hoặc lạc lối trong những tiêu chuẩn xa vời.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc gia về sức khỏe tâm thần (NIMH) của Mỹ vào năm 2021, 70% phụ nữ cảm thấy áp lực phải tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp hiện đại. Khoảng 60% trong số họ thừa nhận cảm thấy không đủ tự tin khi so sánh bản thân với những hình ảnh tiêu chuẩn này. Những con số khô khan này là tiếng kêu thầm lặng của hàng triệu phụ nữ đang phải vật lộn với áp lực ngoại hình.
Cuộc đua làm đẹp không chỉ tốn kém về mặt tinh thần mà còn là một gánh nặng tài chính đáng kể. Tôi không hề phản đối việc làm đẹp hay phẫu thuật thẩm mỹ bởi đôi khi nó mang lại niềm vui và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều người. Nhưng tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ không cần thiết hay các thói quen giảm cân không an toàn là điều đáng lo ngại. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) năm 2022, khoảng 50% phụ nữ trẻ đã thử ít nhất một phương pháp giảm cân cực đoan trong năm qua. Bên cạnh đó, khi áp lực làm đẹp trở thành một xu hướng mạnh mẽ, chúng ta cần cân nhắc nghiêm túc, nhất là khi nhiều bé gái ở độ tuổi còn rất nhỏ đã cảm thấy lo lắng về ngoại hình của mình. Nghiên cứu từ Đại học California (Mỹ) năm 2021 cho thấy có đến 40% các em gái 9 đến 10 tuổi đang cảm thấy áp lực về cân nặng và có ý định giảm cân.
Giữa những nỗi lo đó vẫn tồn tại những tia sáng hy vọng. Phong trào “body positivity” (tạm dịch: yêu thương cơ thể) đang dần thay đổi cách nhìn về chuẩn mực sắc đẹp. Ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi chấp nhận sự đa dạng trong vẻ đẹp, tôn vinh sự khác biệt của mỗi cá nhân. Chiến dịch “Real Beauty” của Dove đã sử dụng người mẫu đa dạng về kích cỡ, màu da trong các chiến dịch quảng cáo. Aerie, thương hiệu con của American Eagle, không chỉ loại bỏ việc chỉnh sửa ảnh mà còn sử dụng người mẫu có hình thể thật sự để tạo ra một thông điệp tích cực về cơ thể. Nhiều người nổi tiếng cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
Nữ ca sĩ Lizzo thường xuyên chia sẻ thông điệp tích cực về cơ thể trên các nền tảng mạng xã hội của mình. Nữ diễn viên Jameela Jamil đã khởi xướng chiến dịch "I Weigh" nhằm khuyến khích mọi người định nghĩa giá trị bản thân bằng những yếu tố khác ngoài cân nặng và ngoại hình. Những nỗ lực này đang tạo ra một làn sóng thay đổi trong cách xã hội nhìn nhận về vẻ đẹp.
Nhiều quốc gia cũng đang triển khai các chính sách nhằm giảm áp lực ngoại hình, đặc biệt là đối với phụ nữ. Từ năm 2011, Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo Anh (ASA) thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát quảng cáo nhằm giảm thiểu các thông điệp tiêu cực liên quan đến ngoại hình. Trong đó, yêu cầu một số quảng cáo phải trung thực và không gây hiểu lầm, đặc biệt là những quảng cáo đã qua chỉnh sửa quá mức.
Năm 2017, Pháp ban hành luật yêu cầu các hình ảnh quảng cáo đã qua chỉnh sửa (như việc thay đổi hình dáng cơ thể) phải kèm theo nhãn dán nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc tiếp xúc với tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế. Từ năm 2018, Hàn Quốc yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ tại các ga tàu điện ngầm.
Để thực sự giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng này, cần có sự thay đổi căn bản trong cách xã hội định nghĩa và đánh giá giá trị của một người phụ nữ. Bản thân phụ nữ cũng cần học cách yêu thương và chấp nhận cơ thể của mình đẹp theo cách riêng...
QUẾ CHI