Trong không gian thơ mộng giữa lòng Đà Nẵng, những người mê đồ cổ xưa đưa người dân và du khách ngược dòng thời gian về quá khứ bằng những hiện vật có tuổi đời từ thế kỷ trước. Đó là chiếc xe Lambretta, tivi trắng đen nội địa Nhật, điện thoại bàn quay số, máy đánh chữ, máy ảnh film, bàn ủi con gà, nồi đất, ống đựng vôi ăn trầu, bi đông, cà mên, mũ cối, gốm sứ…
Du khách tham quan Chợ phiên đồ xưa Đà thành tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Đó là hình ảnh quen thuộc của những chợ phiên đồ cổ, đồ xưa do Hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng tổ chức từ năm 2015 đến nay. Từ sự kiện đầu tiên mang tên “Chợ phiên đồ xưa Đà thành lần thứ nhất năm 2015” tại Bảo tàng Đà Nẵng, hoạt động này được Hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng nỗ lực tổ chức, duy trì đều đặn 1-2 lần mỗi năm vào dịp lễ 30-4 và 1-5, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11)…
Nơi hội tụ những "người lưu giữ thời gian"
“Người mê đồ cổ, đồ xưa thực sự là những người yêu văn hóa. Họ tìm hiểu câu chuyện, tích xưa từ mỗi cổ vật để giao lưu, chia sẻ cùng nhau chứ không có tâm lý ganh đua. Người miền Trung chơi đồ cổ lại có sự… ẩn mình hơn so với địa phương khác. Có những hiện vật rất giá trị nhưng chưa được biết đến nhiều. Do đó mà cần một sân chơi cho hiện vật và kết nối những người sưu tập”,
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện mở đầu câu chuyện về những chợ phiên đồ xưa. Trong những người mang đam mê mà ông Thiện nhắc đến, có không ít người từng buôn bán đồ xưa tại khu “chợ trời” dọc tuyến đường Triệu Nữ Vương - Tăng Bạt Hổ. Trên tấm chiếu, tấm bạt cũ, họ bày biện đủ món đồ, từ kỷ vật chiến tranh đến đồ nhôm, bình hoa, chén, đĩa, điện thoại, đồng hồ, đài catsette… Cho tới khi những buổi chợ như thế vãn dần theo sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng, họ vẫn theo đuổi đồ xưa như một thú chơi khó bỏ.
Từ những lý do đó, dưới sự hỗ trợ tổ chức và quảng bá của Bảo tàng Đà Nẵng, Chợ phiên đồ xưa Đà thành diễn ra, quy tụ nhiều hội viên của Chi hội Di sản văn hóa Sông Hàn, Chi hội sưu tầm cổ vật Đà Nẵng và những nhà sưu tập cá nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Về sau, tất cả được quy tụ về Hội Di sản văn hóa Đà Nẵng, thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam.
Nhớ về sự kiện chợ phiên 9 năm trước, nhà sưu tập Bạch Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Chợ phiên đồ xưa Đà thành thuộc Hội Di sản văn hóa Đà Nẵng kể lại: “Nói đến “chợ phiên”, người ta sẽ nghĩ đến hình ảnh những buổi chợ quen thuộc ở vùng núi phía Bắc. Do đó, rất độc đáo khi có một chợ phiên đồ xưa lần đầu tiên diễn ra ở Đà Nẵng, tập hợp đủ đầy những người cùng đam mê”. Bằng đam mê này, ông Lộc và những hội viên muốn sẻ chia, lưu giữ những nét xưa thông qua những món đồ có tuổi đời lâu năm, để từ đó gửi gắm những câu chuyện của người đi trước đến thế hệ sau. Tiếp đó là tạo sự kết nối, giao lưu giữa cộng đồng người yêu đồ xưa từ các địa phương.
Tại những phiên chợ đồ xưa, có những người từ Bắc chí Nam đến Đà Nẵng săn tìm đồ xưa với mục đích xây dựng bộ sưu tập một cách nghiêm túc. Có người thích thú nên mua để trang trí nhà cửa, quán cà phê hơn là tìm hiểu sâu về giá trị thực sự của món đồ. Nhiều người khác chỉ đến để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Còn riêng chúng tôi, nhiều lần chỉ đến để xem, để cầm, sờ vào những món đồ mà tuổi đời từ vài chục năm cho tới hàng trăm năm.
Đó có thể là những chiếc máy ảnh film của hãng Kodak trong thập niên 70 của thế kỷ trước, là chiếc “siêu xe” Lambretta hay cây đèn dầu của thập niên 50, bình gốm sứ Giang Tây thời bao cấp giai đoạn thập niên 80… Cũng có những món đồ gợi về tuổi thơ như chiếc tivi trắng đen hàng nội địa Nhật mang nhãn hiệu Panasonic, chiếc bàn ủi con gà dùng than, tiền giấy cũ… Nhiều hiện vật được những người sưu tập gọi bằng cái tên dung dị là “đồ từ lòng đất”, như để gợi nhắc về quá khứ và câu chuyện lịch sử đằng sau.
Không gian văn hóa để du khách thưởng lãm
"Tôi đang nghĩ đến thời điểm Bảo tàng Đà Nẵng tại địa chỉ 42 Bạch Đằng chính thức đi vào hoạt động. Tại đó, sẽ có ý tưởng lồng ghép những hiện vật vào một không gian văn hóa để du khách thưởng lãm. Khách có thể ghé uống cà phê, xem những hiện vật giá trị được trưng bày và lắng nghe câu chuyện từ chúng. Những hiện vật xưa cũ ấy có thể được quy tụ từ những nhà sưu tầm, những người đam mê đồ xưa, có thể là đại diện tiêu biểu cho những nét văn hóa và đời sống xưa của người Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Thâm tâm chúng tôi luôn mong muốn và sẽ cố gắng tạo dựng một không gian như thế”.Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng |
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, trong gần 10 năm tổ chức, những phiên chợ đồ xưa góp phần truyền tải đến đông đảo người dân và du khách những giá trị văn hóa - lịch sử từ trong mỗi hiện vật. Từ kết quả đó, người làm bảo tàng ấp ủ về một không gian thường kỳ, quy tụ những hiện vật giá trị để giới thiệu với công chúng.
“Tôi đang nghĩ đến thời điểm Bảo tàng Đà Nẵng tại địa chỉ 42 Bạch Đằng chính thức đi vào hoạt động. Tại đó, sẽ có ý tưởng lồng ghép những hiện vật vào một không gian văn hóa để du khách thưởng lãm. Khách có thể ghé uống cà phê, xem những hiện vật giá trị được trưng bày và lắng nghe câu chuyện từ chúng. Những hiện vật xưa cũ ấy có thể được quy tụ từ những nhà sưu tầm, những người đam mê đồ xưa, có thể là đại diện tiêu biểu cho những nét văn hóa và đời sống xưa của người Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Thâm tâm chúng tôi luôn mong muốn và sẽ cố gắng tạo dựng một không gian như thế”, ông Thiện chia sẻ.
Theo nhà sưu tập Tâm Lê, một không gian cố định được mở ra sẽ là sân chơi cho những người cùng đam mê đến giao lưu, trao đổi cổ vật, cũng là một điểm nhấn thu hút du khách. Ông đề xuất, những chợ phiên đồ xưa cần được tổ chức định kỳ hơn, có thể là đều đặn mỗi tuần, đó cũng là cách phát triển cộng đồng sưu tập cổ vật ở thành phố bên sông Hàn.
Những người mê sưu tập nhớ lại lần tổ chức chợ phiên tại Công viên Biển Đông vào dịp lễ 30-4-2022. Chợ phiên hôm ấy dưới sự hỗ trợ từ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Với họ, để hiện thực hóa ý tưởng về một không gian đồ cổ, đồ xưa cho cộng đồng, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, các tổ chức văn hóa để những chợ phiên được duy trì hoạt động lâu dài. Đặc biệt là việc quảng bá, bởi có quảng bá tốt thì các sự kiện mới có thể thu hút được công chúng và trường tồn.
XUÂN SƠN