Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, biết bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, trong đó có không ít những nữ anh hùng, liệt sĩ và cả những người mẹ, người chị dù không phải là anh hùng, liệt sĩ đã bất khuất, hiên ngang trong cuộc chiến tranh trực diện với kẻ thù. Nhà văn Bungari - Blaga Dimitrova trong cuốn “Ngày phán xử cuối cùng” viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam, đã nói: Ở đây, dường như con người thực đã bước vào và hóa thân thành nhân vật trong trang sách và nhân vật trong trang sách lại bước ra cuộc đời tham gia chiến đấu như những con người thực.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Lý (1933-1992), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu (1933-1952) và nhà thơ, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (1941-1969). Ảnh: Tư liệu |
Tinh thần bất khuất, hiên ngang
Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) thất bại, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, hình ảnh “Bà má Hậu Giang” dũng cảm đứng lên vạch mặt tội ác quân thù, anh dũng hy sinh, che chở cho đàn con đã trở thành biểu tượng cho người phụ nữ miền Nam anh hùng trong những tháng năm gian khó ấy, cho dù má chưa phải là anh hùng: "Sức đâu như ngọn sóng trào/ Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây/ Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó!/ Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!/ Tao già không sức cầm dao/ Giết bay, có các con tao trăm vùng!/ Con tao, gan dạ anh hùng/ Như rừng đước mạnh, như rừng chàm thơm! (Bà má Hậu Giang, Tố Hữu).
Cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai bùng nổ, trong chín năm kháng chiến trường kỳ ấy, biết bao nhiêu người phụ nữ đã tham gia vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ” và hy sinh anh dũng. Đó là hình tượng sáng ngời tinh thần bất khuất, hiên ngang của anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu - người con gái của vùng quê Bà Rịa - Vũng Tàu: "Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Ði giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười". Tinh thần lạc quan cùng cái chết đầy khí phách của chị đã khiến kẻ thù run sợ, trở thành truyền thuyết hiện đại lưu truyền đến mãi hôm nay.
Tinh thần chiến đấu, hy sinh của Võ Thị Sáu ở Nam Bộ còn ghi tạc trong lòng người dân ở chợ Đất Đỏ - nơi Sáu đã từng giúp mẹ bán bún bì chả hằng ngày, thì gương chiến đấu, hy sinh của cô du kích vùng núi Sóc Sơn ở Bắc Bộ cũng được dân chợ Phù Linh ghi nhớ mãi: "Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo/ Em còn trẻ lắm, nhất làng trong/ Mấy năm cô ấy làm du kích/ Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng". Khi người yêu Vệ quốc quân: “Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc/ Chiến đấu quên mình năm lại năm” trở về thăm thì nghe tin người yêu đã anh dũng hy sinh: "Mới đến cầu ao tin sét đánh/ Giặc giết em rồi, dưới gốc thông/ Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/ Em sống trung thành, chết thủy chung” (Núi Ðôi, Vũ Cao)…
Những tượng đài liệt sĩ trong thơ
Ở miền Trung - một chiến trường khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình tượng người nữ du kích chiến đấu và hy sinh anh dũng cũng đã để lại niềm tiếc thương và lòng mến phục; để lại nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng người yêu là chiến sĩ Giải phóng quân, tạc nên một biểu tượng của lòng yêu quê hương tha thiết: "Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích, em ơi! (Quê hương, Giang Nam).
Rồi mãi mãi muôn sau, chẳng ai có thể quên hình tượng Người mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt chèo đò trên bến sông Nhật Lệ (Quảng Bình), đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ qua sông dưới mưa bom bão đạn quân thù: "Tàu bay hắn bắn sớm trưa/ Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò" (Mẹ Suốt, Tố Hữu). Ở chiến trường Quảng Nam là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chị Trần Thị Lý. Dù kẻ thù có dùng trăm phương nghìn kế tra tấn dã man, chị vẫn kiên gan: "Ðiện giật dùi đâm dao cắt lửa nung/ Không giết được em người con gái anh hùng". Để từ cùm gông, tra khảo, cô gái anh hùng Trần Thị Lý trở thành nàng tiên, làm nên một trong những huyền thoại đấu tranh của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạc nên dáng hình “Người con gái Việt Nam”.
Đó còn là hình tượng lẫm liệt của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý gửi con thơ lại cho mẹ già ở miền Bắc, tình nguyện vào Nam vừa chiến đấu vừa cầm bút và vĩnh viễn nằm lại với đất lành Duy Xuyên (Quảng Nam) mà gần 40 năm sau mới tìm ra phần mộ: "Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên" (Bài thơ về hạnh phúc, Dương Hương Ly)...
Tất cả những anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Dương Thị Xuân Quý, mẹ Suốt hay những nhân vật trữ tình hy sinh vì nước như “Bà má Hậu Giang”, hai “cô du kích” trong bài thơ “Núi Đôi” và “Quê hương” của Vũ Cao, Giang Nam đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
MAI BÁ ẤN