Năm 1976, khi vừa được nhận vào làm việc ở một công ty thuộc Ty Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi được bố trí ngồi một bàn làm việc với chị V. nhân viên thống kê. Chị ấy là người gốc Hà Nội, theo chồng vào Nam. Nỗi nhớ quê khiến chị cứ nhắc mãi về Hà Nội của chị, khiến bọn trẻ chúng tôi nhiều suy nghĩ, nhưng không ai dám nói, nhất là khi ấy mình là người miền Trung!
Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1977. Ảnh: Tư liệu |
1. Năm sau, 1977, chúng tôi được cử ra công tác miền Bắc. Chỉ mới đến Nông trường Đồng Giao nên cứ ao ước ra Hà Nội. Kim, anh bạn cùng đi có cậu mợ đang ở Hà Nội bàn với tôi, thứ Bảy và Chủ nhật được nghỉ, cùng đi Hà Nội. Chiều thứ Sáu chúng tôi đến Ga Đồng Giao, lén mua vé đi Hà Nội. Trong túi hai đứa đều có giấy Đi đường công tác miền Bắc, thì lo gì! Chúng tôi lên một tàu chợ, vừa đi vừa hỏi thăm người ngồi bên. Tàu chợ không có một bóng đèn nên chẳng ai thấy nhau. Chỉ đến lúc tàu ngang qua các thị trấn may ra có chút ánh sáng. Khoảng 2 giờ sáng, một anh bộ đội cùng hàng ghế hướng dẫn là sắp đến Ga Hàng Cỏ. Anh tận tình chỉ lối đi ra sân ga, về hướng nào để đến Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, nhà cậu mợ của bạn Kim.
Tôi còn nhớ chúng tôi men theo con đường Đại Cồ Việt, gần khu đại học để về hướng đông đến khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Con đường khuya vắng lặng, không một bóng người. Đến trước khu đại học, thấy có mấy toán sinh viên ngồi học bài dưới ánh đèn đường. Có người vừa học bài vừa đưa tay chụp muỗi…
Và chúng tôi tìm ra khu tập thể Nguyễn Công Trứ lúc khoảng hơn 3 giờ sáng. Có mấy dãy nhà tầng, nhưng chưa có ai thức. Thấy phía trước cổng vào có một ngôi nhà, bảng hiệu ghi là “cửa hàng thực phẩm”. Không có một bóng người. Tôi và Kim tìm thấy cái ghế dài bằng xi măng. Anh em yên lặng ngồi vào đó để nghỉ chân. Sau, vì mỏi quá, lại nằm. Nằm một lúc, muỗi đánh hơi người, đốt cho hai đứa một trận. Lại ngồi dậy và bỏ ra ngoài. Khi trời sáng tỏ, Kim hỏi thăm mấy cụ già đi tập thể dục và tìm được nhà cậu. Thế là chúng tôi thực sự đến Hà Nội trong một buổi sáng tinh mơ, sau khi nộp cho bọn muỗi khoản “lệ phí” bằng máu!
Sáng hôm đó, cậu mợ Kim đạp xe đạp, “lay” chúng tôi đi ăn phở rồi thăm chơi quanh phố. Từ Nhà hát Lớn, phố Tràng Tiền, Hồ Gươm, thư viện quốc gia. Tôi xin cho đi Khâm Thiên và nhiều địa danh từng biết qua các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đó, tôi mới thầm hiểu rằng những gì mà chị nhân viên thống kê tên V. ở cơ quan cứ ngày nào cũng ngợi ca về Hà Nội của chị là đúng. Sau này, những năm 1978 đến 1985, tôi nhiều lần ra Hà Nội hơn, được thăm thú và làm việc nhiều ngày, tôi thật sự mới nói một câu với những anh bạn mới quen: “Hà Nội đẹp thật!”.
2. Đầu năm 2010, trong một lần gặp nhau, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải tâm sự với người viết, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân Quảng Nam rất mong muốn đóng góp sức mình để các hoạt động kỷ niệm càng thêm ý nghĩa. Tôi nhắc với ông Hải mấy nhân vật tiêu biểu người Quảng Nam là Tổng đốc Hoàng Diệu, các nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng và các cụ Phan Khôi, Phan Thanh mà sự nghiệp của họ gắn liền với lịch sử của dân tộc và của Thủ đô Hà Nội.
Ông Hải nói: “Tôi đang suy nghĩ và muốn làm một việc gì đó để giới thiệu những người con kiệt xuất đó của xứ Quảng nhân dịp trọng đại này...”. Tuy tôi không bàn gì thêm, nhưng nghĩ điều trăn trở đó trong thời điểm cụ thể là hết sức nghiêm túc và chắc rằng hình ảnh của những người con xứ Quảng ấy sẽ không thể thiếu trong những các nội dung hoạt động phong phú sắp tới tại Hà Nội.
Trong hàng thế kỷ lịch sử lẫy lừng của xứ Đàng Trong, cả Đà Nẵng và đặc biệt là Cảng thị Hội An cũng đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc hun đúc nhân tài và những kinh nghiệm quý báu về giao lưu văn hóa và hội nhập để phát triển đất nước, lại có một ý nghĩa mang tính cộng hưởng rộng rãi cần được nhắc đến trong chuỗi các hoạt động hướng về Thủ đô nhân mỗi lần kỷ niệm. Một chương trình giới thiệu Hội An trong “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Quảng Nam” diễn ra nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Năm nay - 2024, kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, tôi nghĩ rằng, Đà Nẵng cũng cần góp phần vào các hoạt động ý nghĩa này! Ngoài vai trò của cụ Phạm Văn Nghị là một người Hà Nội trong việc kêu gọi nhân dân cả nước tham gia trong trận chiến chống Pháp 1858-1860 bên bờ sông Hàn, còn có bao nhiêu người Đà Nẵng, bao nhiêu con dân xứ Quảng nói chung đã đóng góp máu xương vào sự nghiệp giải phóng Thủ đô và còn tiếp tục hơn nữa để xây dựng đất nước phồn vinh sau này.
Hà Nội đẹp dưới mắt chị V. hồi năm 1976. "Hà Nội đẹp thật!" trong mắt chúng tôi. Hà Nội còn đẹp hơn với sự chung tay của cả nước trong thời hội nhập! Có lẽ sau trận lũ lớn ở miền Bắc vừa qua, ý nghĩa này càng xác đáng!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG