HƯỚNG VỀ THỦ ĐÔ

Ký ức những ngày bảo vệ Thủ đô

.

Nhớ về những ngày mùa thu tháng Mười 70 năm về trước, Thủ đô Hà Nội ngợp rừng cờ hoa, toàn quân và toàn dân hò reo khi “Năm cửa ô đón mừng - Đoàn quân tiến về” thì những người lính thuộc Trung đoàn 94, Sư đoàn 350 (sau là lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng Việt Nam) trực tiếp bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng lại bồi hồi xen lẫn vô vàn ký ức...

Đại tá Lê Đình Sanh chia sẻ về những ngày nhận nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng 10-10- 1954. Ảnh: T.V
Đại tá Lê Đình Sanh chia sẻ về những ngày nhận nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng 10-10- 1954. Ảnh: T.V

1. Nhiều năm trôi qua, những người lính thuộc Sư đoàn 350 hầu hết qua đời, người còn sống đã già yếu. Để tìm họ, sống lại ký ức những ngày ấy quả là hành trình khó khăn. Sau nhiều ngày dò hỏi, tôi may mắn tìm được Đại tá Lê Đình Sanh, nguyên Chính trị viên Đại đội Hóa học 58, Sư đoàn 350, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và ông là một trong những người lính bảo vệ Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng.

Gặp Đại tá Sanh tuổi 90, tuy ở những ngày cuối con dốc cuộc đời nhưng ông vẫn minh mẫn, nhớ rõ từng ký ức và xen lẫn sự xúc động khi nhớ về Hà Nội. Tuổi thơ, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình 8 chị em tại thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Hoàn thành chương trình tiểu học và trung học, năm 1949, ông làm công việc văn thư tại Huyện đội Hòa Vang.

Năm 1954, ông nhập ngũ tại Trung đoàn 94, Sư đoàn 350, Bộ Tư lệnh Liên khu 5. “Sớm giác ngộ cách mạng nên tôi mong muốn nhập ngũ, đóng góp sức mình cho đất nước. Sau ngày Thủ đô giải phóng, tròn 19 tuổi, tôi cùng 160 đồng đội ra Hà Nội nhận nhiệm vụ tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 94, Sư đoàn 350. Lúc đó, tôi đi với niềm tin phải cố gắng bảo vệ Thủ đô, có như vậy, đất nước ta mới có thể hoàn toàn giải phóng”, Đại tá Sanh bày tỏ.

Lật lại ký ức, Đại tá Sanh chậm rãi nhớ, ngày 21-9-1954, Sư đoàn 350 thành lập (lúc đó gọi là Đại đoàn cận vệ 350) làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hải Phòng sau khi Pháp rút quân. Sư đoàn 350 có 5 Trung đoàn, riêng Trung đoàn 94 có 3 Tiểu đoàn (Tiểu đoàn 62, 90 và 99, sau đổi là Tiểu đoàn 5, 6 và 7), đại đa số là người các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau đó, Trung đoàn 94 được biên chế vào Đại đoàn cận vệ 350 và được giao nhiệm vụ cùng với hai Trung đoàn 600 và 254 bảo vệ Thủ đô Hà Nội, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 “Trong không khí kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, tôi còn nhớ như in những ngày canh gác thâu đêm ở phố Lê Lai, cung thể thao Quần Ngựa, tham gia cải tạo hồ Bảy Mẫu, xây dựng công viên Thống Nhất đến  công trình hàn khẩu đê Mai Lâm... Còn nhiều khó khăn nhưng Thủ đô trong tôi lúc đó đẹp lắm dưới trời trong, mặt Hồ Gươm vẫn lung linh giữa mây trời". Đại tá Lê Đình Sanh

Đại tá Sanh kể, ngày đầu ra Thủ đô, ông còn nhớ như in khoảnh khắc hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tràn ngập phố phường cùng loa kèn khắp nơi vang lên những bài ca cách mạng. Có thể nói, những ngày này, người người, nhà nhà Thủ đô như không ngủ để vui mừng cùng sự kiện lịch sử. Dù không phải là người thân, người quen, nhưng đi đường ai nấy đều tay bắt mặt mừng, vui mừng khôn xiết. Điều đó, giúp ông cũng như đồng đội thêm hào hứng, khí thế để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh niềm vui giải phóng, thời điểm đó Đảng và Chính phủ rất lo lắng bởi tình hình an ninh chính trị phức tạp, vì vậy, Trung đoàn 94 cùng Trung đoàn 600 và 254 được giao nhiệm vụ tuần tra bảo vệ 36 phố phường suốt ngày đêm, thay phiên canh gác, bảo vệ ở các cơ quan đầu não của Trung ương, Chính phủ, Nhà hát lớn, cầu Long Biên, các công xưởng, hầm mỏ…

Theo đó, cứ ở đâu ổn thì dở trại đi đến địa điểm tiếp theo được phân công. Trung đoàn 94 không những là đội quân chiến đấu anh hùng mà còn là đội quân xuất sắc trong công tác vận động quần chúng nhân dân nắm rõ các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ. Trung đoàn 94 và các trung đoàn bạn đóng góp phần nhỏ cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc ổn định chính trị tư tưởng, bảo vệ an toàn tuyệt đối mọi hoạt động, bước đầu làm thay đổi bộ mặt tinh thần và đời sống văn hóa xã hội lúc bấy giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị bộ đội bảo về Thủ đô. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị bộ đội bảo về Thủ đô. Ảnh: Tư liệu

2. “Tôi còn nhớ như in những ngày canh gác thâu đêm ở phố Lê Lai, cung thể thao Quần Ngựa, tham gia cải tạo hồ Bảy Mẫu, xây dựng công viên Thống Nhất đến công trình hàn khẩu đê Mai Lâm… Còn nhiều khó khăn nhưng Thủ đô trong tôi lúc đó đẹp lắm dưới trời trong, mặt Hồ Gươm vẫn lung linh giữa mây trời. Cuộc đời tôi, được trực tiếp bảo vệ Thủ đô và tham gia lễ diễu binh năm 1955 chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về Thủ đô sau chín năm kháng chiến tại quảng trường Ba Đình là mãn nguyện. Và ước mơ của tôi trọn vẹn bởi có năm lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ đến mỗi lần được Bác nắm tay, căn dặn khiến tôi xúc động không ngừng. Những lời căn dặn của Bác là kim chỉ nam để tôi có động lực, phấn đấu, rèn luyện trong suốt cuộc đời”, Đại tá Sanh xúc động chia sẻ và cho biết, sau ngày đất nước giải phóng, ông trở về quê nhà và mỗi năm đến ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô, ông đều ra thăm Hà Nội, cùng đồng đội tại Sư đoàn 350 ôn lại những ký ức sống động ngày ấy. Bây giờ, tuổi cao, ông chỉ có thể lật từng trang tư liệu, ngắm Hà Nội qua hình ảnh, báo, đài, để hòa chung niềm vui cùng người dân Thủ đô.

 “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, tiếp quản phải thận trọng, chu đáo, tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại vì kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ chiến sĩ ta còn có những nhận thức, việc làm sơ hở, thiếu sót, phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều...” Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích Trung đoàn Thủ đô anh hùng, Ngày về vinh quang, NXB Hà Nội, 2014).

Qua lời kể của Đại tá Sanh thì với Đại tá Đoàn Tử Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94 (đã mất) hay Đại tá Phạm Đức Bằng, Đại tá Trần Tường, thì những ngày ra Bắc tập kết tại Trung đoàn 94 là những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời. Trong cuốn hồi ký của Đại tá Đoàn Tử Bảy có chép rằng, ông ra đi với niềm tin bình tĩnh, giản dị nhưng mạnh mẽ và hùng dũng hơn bao giờ hết. Ông cùng các đồng đội ở Trung đoàn 94 luôn có truyền thống đoàn kết, kỷ luật, luôn biết dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần “Còn sức, còn hơi, còn nhiệm vụ - Tình dân, nghĩa trước, trước sau tròn”.

Sau 4 năm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, đến năm 1958, Đại tá Sanh cùng các đồng đội thuộc Trung đoàn 94 được cử đi học và chuyển sang làm nhiệm vụ cơ quan, đoàn thể của Đảng và chính quyền các tỉnh, thành phố cho đến ngày về hưu. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, với những người lính Sư đoàn 350, người mất, người còn nhưng ký ức ngày đầu bảo vệ Thủ đô vẫn ở đó, còn nguyên vẹn trong tâm trí, hồi ký, lời kể trao truyền qua nhiều năm tháng, thế hệ.

TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.