Lê Ngọc Duy và niềm say mê điện ảnh

.

Là nhà làm phim trẻ, Lê Ngọc Duy không chỉ sáng tác bền bỉ và liên tục mà còn nhiệt huyết trong việc khơi dậy say mê điện ảnh trong cộng đồng.

Đạo diễn Lê Ngọc Duy
Đạo diễn Lê Ngọc Duy.

“Một chút gì đó rất Đà Nẵng”

Những ngày này, đạo diễn Lê Ngọc Duy đang rong ruổi từng ngóc ngách nơi chôn rau cắt rốn để tìm bối cảnh cho phim “Mộ chí trái tim tôi” - top 5 dự án xuất sắc nhất dự án Phim ngắn CJ 2024. Các phim ngắn của chàng sinh viên thủ khoa đầu vào ngành Phim - Trường Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh) luôn “đậm chất” Đà Nẵng. Không nhiều diễn xuất, chẳng kịch tính, phim ngắn đầu tay “Cuối giường dậy lên một tiếng gọi” của Duy vẫn cuốn hút lạ kỳ. Ngôn ngữ hình ảnh đầy gợi mở cùng thanh âm đặc trưng của một vùng đất níu người xem ở lại với câu chuyện của nhân vật rồi trôi về mênh mang hồi ức của riêng mình. Bằng cách kể chuyện thú vị, phim mang đến sự xôn xao rất khẽ trong lòng mỗi khán giả bởi sự rung động của hoài niệm đầy gần gũi, dung dị.

Trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1 năm 2024, “Cuối giường dậy lên một tiếng gọi” gây ấn tượng bởi đậm chất tự sự xen lẫn chất thơ cùng những hình ảnh tạo xúc cảm thẩm mỹ riêng biệt như thế. Phim cũng vinh dự là một trong 5 phim ngắn đại diện Việt Nam tham gia chương trình S-Express 2024 - mạng lưới gồm 10 giám tuyển phim đến từ các nước Đông Nam Á với mục tiêu giới thiệu các gương mặt mới của điện ảnh trong khu vực.

Phim được lựa chọn sẽ mặc định trình chiếu tại các liên hoan phim trong khu vực như Mini Film Festival (Kuching, Malaysia), Minikino Film Week (Bali, Indonesia), Thai Short Films & Videos Festival (Bangkok, Thái Lan)… “Cuối giường dậy lên một tiếng gọi” còn tham gia tranh giải phim ngắn quốc tế ở các liên hoan phim: Kaohsiung (Đài Loan), Uppsala (Thuỵ Điển), ZINEBI International Festival of Documentary and Short Film of Bilbao (Tây Ban Nha) và Jogja-NETPAC Asian Film Festival (Indonesia).

Duy mượn phim để tỏ bày nỗi lòng. Với Duy, mỗi lần làm phim là một lần “tâm sự” cùng quá khứ, từ những chuyện tủn mủn thời ấu thơ đến ký ức về gia đình, bạn bè, đôi khi lại gửi gắm vài chuyện vĩ mô như lịch sử quê hương...

“Tôi muốn kể những chuyện gần gũi và có nhiều tình cảm nhất. Làm phim về lịch sử của gia đình và quê hương cũng là cách giúp tôi thấy rõ bản thân. Vậy nên, những phim ngắn của tôi trong giai đoạn này sử dụng nhiều giọng địa phương, nhân vật và địa điểm quay ở nơi tôi sinh ra và lớn lên…”, Duy chia sẻ.

Cũng bởi vậy, phim của Duy luôn có “một chút gì đó rất Đà Nẵng”. Nếu phim ngắn đầu tay “Cuối giường dậy lên một tiếng gọi” chỉ có thanh âm quê hương do điều kiện thực tế phải quay ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đến “Mộ chí trái tim tôi”, với kinh phí 300 triệu đồng được dự án Phim ngắn CJ 2024 hỗ trợ, Duy quyết tâm đem cả hình lẫn thanh của Đà Nẵng vào phim, từ bối cảnh, nhân sự đến diễn viên…

"Tôi rất thích mùa mưa và không khí lạnh của Đà Nẵng. Tôi đẩy hé cửa sổ, chui vào trong chăn và nằm yên lắng nghe mưa nhảy tí tách. Tuy dầm dề và mãnh liệt nhưng mưa Đà Nẵng cũng mang đến sự khoan khoái, dễ chịu. Tôi cũng thích cảm giác ngồi ngắm biển. Biển xanh ngút tầm mắt, bầu trời quá đỗi bao la, còn mình thì nhỏ nhoi. Còn nhiều cảm xúc đặc biệt khác mà Đà Nẵng mang lại, tôi sẽ thể hiện chúng trong những tác phẩm tiếp theo”. Đạo diễn Lê Ngọc Duy

Làm phim, làm phim và… làm phim

Làm phim là cách mà Duy tự học, tự rút kinh nghiệm và tự trưởng thành với điện ảnh. Do đó, Duy luôn tận dụng mọi cơ hội để được làm phim.

“Có năm hay ba cộng sự thì cũng làm, mà một mình một ngựa thì cũng vẫn cứ làm. Máy quay chính là con mắt của mình nhìn thế giới, là “cánh tay nối dài của trí óc”. Mình nhìn đời thế nào thì phim mình sẽ như vậy. Có nhiều người hỗ trợ thì tốt, nhưng không phải lúc nào máy quay hay đoàn phim cũng là một cỗ máy cồng kềnh, phức tạp”, Duy hào hứng.

Ở tuổi 24, Duy nói chưa tự tin để khẳng định phong cách làm phim của bản thân bởi sự biến đổi của thời gian. “Nhưng cái hay nhất trong sáng tạo là thử nghiệm những cái mình chưa thử. Thế nên trong các năm tới, tôi ưu tiên việc sáng tác bền bỉ và liên tục vì đó là cơ hội để tôi tự học, tự đúc kết qua những gì bản thân trải nghiệm”, Duy bày tỏ.

Chàng trai trẻ ưu tiên sự tìm tòi trong sáng tạo, quan tâm các chất liệu phim hư cấu và bối cảnh lịch sử cũng như cố gắng pha trộn những yếu tố này với những phương pháp trần thuật phổ biến để tạo ra góc nhìn thú vị. “Những bộ phim tôi làm đều ít nhiều liên quan tới nhau, tỉ như về đề tài và bối cảnh. Nhìn chung, đó là những cột mốc trên hành trình hồi tưởng và khám phá thế giới của người nghệ sĩ. Phần thưởng cuối hành trình là sự thật mà chỉ có điện ảnh mới làm cho hiển lộ. Tôi hy vọng khán giả có thể nhìn thấy một hiện thực khác khi xem phim của tôi”, Duy tâm sự.

Làm phim bằng sự chân thành, nhiệt huyết và tình yêu với cuộc đời là điều mà Duy đã và đang theo đuổi trên hành trình làm phim. Luôn giữ “trái tim nóng” nhưng Duy cũng có “cái đầu lạnh” khi nhận thức việc tự do sáng tạo trong giới hạn nhất định cũng như cần ý chí, sức bền để chinh phục đam mê.

Lan tỏa tình yêu điện ảnh

Duy có một tình yêu với phim và muốn nhân rộng tình yêu ấy cho nhiều người. Bởi vậy, nhiều năm qua, Duy luôn nhiệt huyết với các dự án cộng đồng về phim. Mưu cầu một không gian học thuật dành cho cộng đồng người yêu phim, giữa năm 2022, khi đang là sinh viên năm nhất, Duy khởi xướng dự án “Chớp bóng” tại Thành phố Hồ Chí Minh, giữ vai trò giám tuyển các chùm phim nghệ thuật và thể nghiệm. Duy cho biết, việc chiếu phim, xem lại phim, và dịch phụ đề phim không chỉ hỗ trợ trong quá trình tự học làm phim mà còn giúp Duy nhận ra niềm vui trong việc chia sẻ bầu không khí điện ảnh với những người cùng đam mê.

Năm 2020-2021, Duy tham gia khóa học về phim tài liệu của doc cicada (Hà Nội) và đoạt giải “Dự án triển vọng” với dự án “Gin” - tiền đề cho các phim ngắn của anh sau này. Năm 2024, anh tham gia khóa học làm phim “Khmer Golden Palm” do New Asian Filmmakers Collective tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia, dưới sự cố vấn của các nhà làm phim thành danh của châu Á như: Lâu Diệp và Ma Yingli (vợ chồng bộ đôi đạo diễn và nhà sản xuất người Trung Quốc), Lei Yuan Bin (đạo diễn người Singapore), Jatla Siddhartha (đạo diễn người Ấn Độ)... Tại khóa học này, Duy thực hiện phim ngắn “Ngày tháng không quên”.
Song song làm phim, Duy còn là một cây bút trẻ với các truyện ngắn đặc sắc. Trong đó, tác phẩm “Đường về” đoạt giải Nhất Trại sáng tác văn học thiếu nhi thành phố Đà Nẵng năm 2016 do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Năm sau, Duy tiếp tục tham gia A Sông Club - một CLB nghệ thuật ở Đà Nẵng - và đồng tổ chức, giám tuyển phim cho dự án “Cinema Con Nhà Nghèo”.

Ngoài việc giới thiệu tác phẩm của các nhà làm phim đến công chúng, dự án còn tuyển chọn những phim ngắn ấn tượng của các nghệ sĩ, nhà làm phim Việt Nam và gửi tham gia những chương trình liên kết như Overshare Video Festival (Melbourne, Úc) và buổi chiếu phim giao lưu với Anti-Archive (Campuchia)…

Đặc biệt, “Cinema Con Nhà Nghèo” mùa ba với tên gọi “Núi thơ thơ chừng nớ thui” đã “cõng” phim hoạt hình của các nhà làm phim trẻ Việt Nam lên tận huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Để tổ chức hai buổi chiếu, Duy cùng các cộng sự mỗi người một xe máy chở thiết bị kỹ thuật vượt chặng đường dài gần 200km đến với đồng bào Xơ-đăng ở 2 điểm trường Loan Mu và Măng Dí. Khi gần đến nơi, đoàn tiếp tục đi bộ, khiêng đồ đạc leo núi. Họ đã có những phút giây nhọc nhằn nhưng nhiều hơn là niềm thương với vùng đất này khi cùng sống, cùng ăn với học sinh, phụ huynh, giáo viên trong một tuần lưu trú tại đây.

Thời gian này không chỉ là ngày hội của bà con địa phương mà còn là ngày hội của những người phương xa. Duy hạnh phúc chia sẻ, các em nhỏ yêu quý đoàn chiếu phim hơn phim.

“Có lẽ, phim còn quá xa lạ với trẻ thơ nơi đây nên các em thưởng thức một cách vô tư. Vui thì cười hì hì, kéo nhau chỉ trỏ; không vui thì tự do đi lại, ăn bánh kẹo hoặc thậm chí… nằm ngủ. Nhưng các em quấn quýt với chúng tôi, thoải mái choàng vai, bá cổ. Khi chào tạm biệt, em nào cũng bịn rịn, quyến luyến. Sự hồn nhiên là một trong những phẩm chất quan trọng khi làm phim. Và nét trong trẻo của các em dành cho điện ảnh cũng như cuộc sống nhắc nhớ tôi về việc gìn giữ điều này trong chặng đường sắp tới”, Duy bồi hồi.

Với Duy, mỗi hành trình là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc được làm phim, được đắm chìm trong thế giới điện ảnh. Hạnh phúc khi có đồng đội - những người thực hành nghệ thuật giống mình - cùng nhau tổ chức và lan tỏa mạnh mẽ nghệ thuật đến khán giả địa phương.

“Đà Nẵng vẫn còn khan hiếm chương trình về điện ảnh và nghệ thuật nên tôi cũng như mọi người đều vui vì tạo ra các chương trình ý nghĩa. Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng cải thiện công tác tổ chức để đem đến nhiều chương trình chất lượng hơn nữa”, Duy chia sẻ.

NAM BÌNH

;
;
.
.
.
.
.