Mỗi người đều có quê hương

.

Có lần, nằm bên nhau hai vợ chồng tôi tính chuyện ngày sau. Anh nói sau này về già, khi các con đã yên bề gia thất, hai vợ chồng sẽ bán căn nhà đang ở để về quê. Mặc dù biết chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà nên có trách nhiệm thờ cúng ông bà tổ tiên. Thế nhưng hai chữ “về quê” của chồng đối với tôi vẫn có gì xa lạ. Đơn giản vì tôi lấy chồng nhưng không ở quê chồng mà chọn một vùng đất khác để lập nghiệp, mưu sinh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một năm vài ba lần theo chồng về quê giỗ Tết rồi lại vội vã đi, chẳng đủ để gắn kết bền chặt, thân quen. Cuối đời ai cũng muốn lá rụng về cội nên tôi hiểu mong muốn của chồng. Nhưng dù là chuyện của tương lai thì ý định bán căn nhà vẫn làm tôi lấn cấn.

Tôi nói với chồng: “Các con gọi quê hương của chúng ta với cái tên: Quê mẹ, quê cha hoặc quê nội và quê ngoại. Chứ đối với các con thì chính nơi này, ngôi nhà này mới là quê hương của chúng. Bởi chúng được sinh ra và lớn lên ở đây. Mảnh đất này theo năm tháng sẽ vun đắp mối quan hệ gia đình, bè bạn tha thiết trong con. Anh muốn giữ lại ngôi nhà ở quê như thế nào thì con cái chúng ta cũng muốn giữ ngôi nhà nơi chúng từng gắn bó”. Tôi giống như cha mẹ mình, dẫu khó khăn thế nào cũng muốn giữ cho con căn nhà thơ ấu. Để dù có sa cơ lỡ bước con vẫn còn quê hương để trở về…

Quê tôi đất đai lại có dấu hiệu sốt giá trở lại. Nhiều người vào tận từng ngõ nhỏ tìm mua đất đầu tư. Ở quê rộng rãi, nhà nào cũng vài sào đất ở, đất vườn, chưa kể đất trồng cây lâu năm. Ấy thế nhưng nhiều xóm chỉ thấy toàn người già, trẻ nhỏ. Bởi người trẻ đều đi làm ăn xa dưới các thành phố lớn, hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhà nào cũng lắp mấy cái camera từ trong nhà ra ngoài ngõ. Chẳng phải vì lo mất trộm đâu, đơn giản là để các con ở xa thỉnh thoảng vào xem cho đỡ nhớ quê.

Nhiều người trẻ dù có cơ hội được định cư ở một đất nước phát triển nhưng họ vẫn nhất quyết trở về. Dù ở lại họ sẽ kiếm nhiều tiền, được hưởng an sinh xã hội tốt, con cái có cơ hội phát triển hơn. Nhưng chỉ có quê hương mới đủ là cái cớ để họ muốn gắn bó suốt đời. Đất đai dù bạt ngàn nhưng ông bà ta không bán đi một tấc. Ta sẽ bắt gặp đâu đó vài ba căn nhà không có người ở, cỏ dại mọc tốt um. Đó là những ngôi nhà đang chờ đợi những đứa con xa quê trở về.

Trong mái nhà ta sống, trên mảnh đất cấy trồng từng vụ mùa trĩu hạt đều được nuôi dưỡng bởi cội nguồn tổ tiên, gốc rễ. Quê hương của mỗi người đều đáng quý như nhau.

Bạn tôi theo gia đình rời quê vào Bình Dương lập nghiệp đã nhiều năm. Sau này bạn lấy chồng, có nhà ở phương Nam. Tuy gắn bó với cuộc sống nơi phồn hoa đô thị nhưng bạn vẫn không nguôi thương nhớ quê nhà. Dù mẹ bạn đã mất, còn bố và anh chị em ruột thịt đều ở cùng bạn.

Căn nhà cũ năm xưa đã bán từ lâu, mỗi lần về thăm quê bạn đều ghé qua con ngõ ấy. Tần ngần đứng trước cổng nhà cũ bạn nhói lòng khi thấy mọi thứ đều đã đổi thay. Đến cả những tán cây trong khu vườn ngày xưa giờ cũng không còn nữa. Ký ức thêm một lần trỗi dậy, chỗ kia là giếng nước mát lành, mẹ đi làm đồng về thường đứng đó rửa chân. Chỗ ấy là cây rơm, nơi bạn vùi vài quả na đã mở to “con mắt”.

Dù trong căn bếp hiện đại kia chắc đã quen dùng bếp điện, bếp ga nhưng bạn như thấy được ngọn khói về trời còn thơm mùi cá kho, bánh rợm. Lần gần nhất về quê bạn dẫn theo hai cô con gái. Lúc chỉ cho các con “đây là ngôi nhà cũ của ông bà năm xưa”, sống mũi bạn cay xè. Giá giữ được căn nhà cũ, mảnh vườn xưa bạn sẽ đưa tro cốt mẹ về quê. Mà có thể ở thế giới bên kia mẹ bạn đã tìm về quê cũ. Bởi chiếc lá nào khi rụng cũng rơi về cội rễ của mình…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.