MÙA LỤT

Ngược dòng Cu Đê nghe chuyện chống lũ

.

Với địa hình núi non hùng vĩ phía Nam Hải Vân, dòng sông Cu Đê uốn lượn quanh co như một dải lụa mềm vắt qua các xã huyện Hòa Vang và hai phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc của quận Liên Chiểu rồi đổ ra cửa biển Nam Ô. Bên cạnh vẻ đẹp của con sông là nguồn cảm hứng cho thi ca và cung cấp nước tưới xanh ruộng đồng, sông Cu Đê còn là mối lo cho những người dân ở hai bên lưu vực sông mỗi khi mùa mưa bão đến.

Ông Trương Sơn sáng chế bè chống lũ khi sử dụng 4 cái thùng phuy nhựa làm phao. Ảnh: Đ.H.L
Ông Trương Sơn sáng chế bè chống lũ khi sử dụng 4 cái thùng phuy nhựa làm phao. Ảnh: Đ.H.L

Sống chung với lũ

Từ Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc), chúng tôi ngược dòng Cu Đê vào một sáng đầu đông khi đài báo gió mùa Đông Bắc tràn về. Con đường ven sông dẫn lên xã Hòa Bắc ngập tràn hương hoa tràm thơm ngào ngạt. Chốc chốc trên con đường ấy xuất hiện những người dân lao động cần mẫn thu hoạch keo lá tràm khiến những quả đồi xanh ngát bỗng chốc trở nên trơ trọi. Điều này làm chúng tôi nghĩ đến những trận lở đất vừa xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc sau trận bão số 3.

Con đường ven sông Cu Đê dẫn chúng tôi lên thôn Nam Yên, nơi thường xuyên xảy ra những trận lũ lớn khi nước sông dâng cao vào mùa mưa. Mới đầu mùa nhưng người dân thôn Nam Yên đã chứng kiến cảnh ngập lụt khi nhiều đoạn trên tuyến đường liên xã dẫn vào thôn bị ngập sâu sau khi hứng chịu những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vào ngày 18-9. Nước từ thượng nguồn sông đổ về nhanh chóng, khiến các khu vực thấp trũng bị ngập.

Chỉ lên tường còn vết hoen ố bùn đất, bà Nguyễn Đăng Thị Hạnh (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) kể: “Mấy tuần trước, mới mưa thôi mà nước đã vào nhà hơn 30 phân rồi. Ở đây vùng trũng, năm nào chẳng bị ngập nhưng chưa nhằm nhò gì so với trận lụt hôm 14-10-2022, nước ngập gần lút nóc nhà. Mưa lớn liên tục trên 80cm thì thứ gì chịu cho nổi. Cũng may nhà có gác lửng, chứ nước lên nữa là chết. Nước sông lên cao vào ban đêm không kịp xoay xở, đồ đạc trôi hết. Khi nước ra, bùn non đọng lại trong nhà cao nửa mét”.

Trong ký ức của mình, ông Trương Sơn (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) vẫn còn ám ảnh trận lụt năm 2022 khi nước vào nhà ông dâng cao 3m. Nước lên nhanh, lúc đó ông chỉ kịp lo an toàn tính mạng cho các thành viên trong gia đình.

“Ở đây phụ thuộc thủy triều và sạt lở trên núi. Năm 2022, nước dâng lên cao hơn 3m nên không kịp trở tay. Bàn ghế thì trôi hết, còn ti vi, tủ lạnh và áo quần thì cái ướt, cái trôi. Mà áo quần đã dính bùn non thì ố vàng, hư hết chứ không mặc được. Mỗi năm vào mùa lũ, tôi trôi mất mấy trăm con gà, chết la liệt. Tủ lạnh, máy giặt… sửa hết mấy chục triệu đồng. Nhưng chỉ lũ thì còn dễ chịu, chứ sợ nhất là bão vì mỗi khi có bão thì đối phó cả bão và lũ”, ông Trương Sơn chia sẻ.

Không chỉ thế, người dân vùng trũng còn chịu thiệt hại hoa màu, cây cối, đặc biệt nơi đây là vựa mía. Vì vậy, mỗi khi ngập lụt, bùn non đọng trên thân cây khiến cây mía không phát triển, năng suất thu hoạch mất khoảng 60-70%. Nhiều vườn chuối xanh tốt vào mùa hè thì đến mùa mưa trở nên xơ xác, không lên nổi vì ngấm nước lụt và mưa bão.

Phòng, chống bão lũ từ kinh nghiệm thực tiễn

Sau đỉnh lũ năm 1999, chỉ một số ít người dân tự di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến năm 2009, nhà nước cho xây dựng Khu dân cư Nam Yên và di dời gần 100 hộ dân sống ở vùng sạt lở ven sông chuyển đến tái định cư vào hai đợt trong năm 2009 và năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2022, tình trạng sạt lở đất vẫn tiếp tục diễn ra tại hai khu vực khe Hóc Giếng và Khe Định.

Sống trong vùng rốn lũ, nhưng nhiều người dân vẫn bám đất bám làng nhờ kinh nghiệm chống chọi bão lũ bao năm của mình. Họ tự làm phao và sắm thuyền chèo chống trong mùa mưa bão. Ông Trương Sơn cho biết: “Tới mùa mưa bão, tâm trạng rất lo âu nhưng nhà cửa mình ở đây thì phải ở đây thôi chứ biết làm răng. Nhà tôi do cha ông để lại từ trước giải phóng. Hồi xưa nước dâng lên rút rất nhanh vì nó thông. Còn bây giờ xây đập ngăn lấy nước sạch nên tới mùa nước lũ, đập tràn hoặc xả nước thì nước lũ chảy mạnh hơn”.

Trải qua trận lụt kinh hoàng năm 2022, ông Sơn mới bắt đầu đầu tư xây cất một căn nhà kho có gác lửng cao ngay trước sân để đựng đồ. Ngoài ra, ông còn sáng tạo làm một cái bè lớn khi sử dụng 4 cái thùng phuy nhựa làm phao. “Có bè rồi thì sẽ yên tâm hơn. Khi nào nước lên cao thì tôi chỉ việc lắp các tấm ván gỗ lên trên bè và để đồ lên đó, chứ nước vô nhanh trở tay không kịp. Để tránh thiệt hại hoa màu, vật nuôi, bây giờ người ta cũng chuyển qua trồng cây ngắn ngày thay vì trồng mía, hoặc nuôi gà thay vì nuôi heo”, ông Sơn bộc bạch.

Bên cạnh việc tự sắm sửa phương tiện cứu hộ cho riêng mình, người dân vùng lũ còn có thói quen theo dõi thông tin thời sự thường xuyên để chủ động trong việc chèn, chống nhà cửa, bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Nếu tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, những người dân sống ven sông Cu Đê sẽ chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Tăng Học, Trưởng thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc cho biết: “Hiện thôn có khoảng 500 hộ dân sinh sống. Nhiều hộ đã có ý thức nâng cao kỹ năng phòng chống bão lũ khi làm gác cao để chất đồ lên và sắm xuồng, phao. Nếu có bão lớn, chính quyền địa phương sẽ thông báo di chuyển người dân vào trú tại các cơ quan, trường học, nhà thờ và đưa vật nuôi đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, thôn lập phương án đối phó với những vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nặng; đồng thời nạo vét kênh mương và cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão. Từ đầu năm đến nay, thôn Nam Yên đã nạo vét, khơi thông gần 1km kênh mương. Trước nguy cơ sạt lở đất đá ở đồi núi, chính quyền địa phương xã Hòa Bắc và thôn Nam Yên tăng cường tuyên truyền vận động người dân trồng các cây gỗ lớn lâu năm thay vì trồng keo lá tràm. Điều này sẽ tránh được việc khai thác keo làm cho đồi núi trọc, dễ gây sạt lở ở gần khu dân cư, đường giao thông, khu vực khe suối trong mùa mưa bão”.

Dòng sông Cu Đê không chỉ là nỗi lo của những người dân sống đôi bờ thôn Nam Yên mà còn với nhiều hộ dân ở các thôn khác có sông chảy qua như Phò Nam, An Định, Trường Định… Khi chúng tôi lên xã Hòa Bắc đúng lúc chính quyền xã đang tổ chức hội nghị phòng chống lụt bão. Đây là hoạt động thường niên của nhiều địa phương trên địa bàn huyện trước mùa mưa bão nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Nhiều tham luận được đúc rút từ những kinh nghiệm thực tiễn nêu lên tại hội nghị sẽ là những giải pháp hữu ích cho các cơ quan chức năng và bà con vùng lũ. Trong đó việc cần làm trước mắt là rà soát các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt, nhà không kiên cố để tiến hành khảo sát các địa điểm an toàn nhằm đề xuất phương án di dời người dân trước khi bão lũ xảy ra. Song song đó là hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng,chống lụt bão như áo mưa, áo phao, đèn pin, dây thừng... Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền qua mạng xã hội, loa phát thanh của thôn xã về diễn biến thời tiết và cảnh báo thiên tai để người dân kịp thời phòng tránh.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.