MÙA LỤT

Thích ứng linh hoạt với thiên tai

.

Là đô thị hướng biển, trung bình mỗi năm Đà Nẵng đón gần chục cơn bão đi qua. Vì lẽ đó, chính quyền, người dân thành phố chưa bao giờ xem nhẹ chuyện ứng phó và xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (bìa phải) kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2024 tại địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (bìa phải) kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2024 tại địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y

Cải thiện khả năng phòng chống

Ký ức về hai siêu bão Chanchu và Xangsane năm 2006 vẫn còn khắc sâu trong tâm trí người dân Đà Nẵng. Mười tám năm trôi qua, nhưng hậu quả tàn khốc của nó luôn là bài học đắt giá, thôi thúc thành phố không ngừng cải thiện khả năng phòng chống thiên tai để bảo vệ tính mạng và tài sản cho cộng đồng. Các khu vực dễ ngập úng tại quận Liên Chiểu, Hải Châu, Cẩm Lệ và Hòa Vang ưu tiên cải tạo hệ thống cống ngầm, hồ điều hòa và đê kè ven sông. Hệ thống thoát nước cũng được quan tâm nâng cấp nhằm giảm thiểu nguy cơ ngập úng trong những ngày mưa lớn. Thành phố còn đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Người dân được hướng dẫn cách chuẩn bị đồ đạc dự phòng, bảo vệ nhà cửa, nắm rõ quy trình sơ tán khi có cảnh báo bão nguy hiểm.

Sống ở đô thị ven biển, nhiều gia đình sớm hình thành thói quen kiểm tra và sửa chữa nhà cửa trước mùa mưa nhằm bảo đảm mọi thứ đều trong tình trạng an toàn nhất. Ông Trần Văn Thành (SN 1979, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, gia đình luôn chủ động chống thấm, gia cố nhà cửa trước mỗi mùa mưa. Đó không còn là chuyện chống bão, mà là chuyện thường xuyên phải làm khi mùa mưa đến. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm qua điện thoại, ứng dụng di động và các kênh thông tin trực tuyến giúp mọi người cập nhật nhanh chóng diễn biến của thời tiết. Các tổ chức đoàn thể và lực lượng xung kích cũng sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, cứu hộ cứu nạn khi cần nên gia đình hoàn toàn yên tâm.

Phần lớn diện tích huyện Hòa Vang nằm ở hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn. Những năm gần đây, việc hình thành các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường vành đai phía Tây nối đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn 5 xã đã làm thay đổi đáng kể dòng chảy ở hạ lưu các con sông.

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 tại huyện Hòa Vang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh yêu cầu địa phương chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với các tình huống xấu nhất như tắc đường, sạt lở và ngập lụt kéo dài. Theo chỉ đạo, huyện Hòa Vang tiến hành lắp camera tại điểm sạt lở đèo La Ngà thuộc địa bàn xã Hòa Bắc, đồng thời thiết lập các đội xung kích sẵn sàng ứng phó thiên tai, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên cùng những tình nguyện viên đã được huy động, sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Từ đầu mùa mưa, như nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố, huyện Hòa Vang chủ động chuẩn bị trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống lũ lụt, thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Bí thư Huyện ủy Tô Văn Hùng khẳng định, thời điểm hiện tại, huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó chi tiết, trong đó tập trung vào khả năng thích ứng, phân công nhiệm vụ cụ thể, chủ động phối hợp các đơn vị liên quan. Đặc biệt, 11 xã phải bảo đảm thực hiện đầy đủ phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

“Huyện đã xác định các điểm thường xuyên ngập sâu, ngập kéo dài và có phương án di dời người dân đến địa điểm an toàn. Trước đó, địa phương cũng đã triển khai khơi thông, nạo vét cống rãnh, yêu cầu dự án thi công không gây cản trở thoát lũ tại các kênh tiêu, sông suối, ao hồ. Ngoài ra, điều chúng tôi luôn quan tâm là bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là hồ Hòa Trung, Đồng Xanh - Đồng Nghệ”, ông Hùng thông tin.

Bảo đảm an toàn mùa mưa bão

Trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, Đà Nẵng đã và đang tập trung xây dựng mô hình thành phố thích ứng linh hoạt với thiên tai. Mùa mưa năm nay, thành phố chuẩn bị sẵn 7 kịch bản thích ứng với các điều kiện thời tiết. Lãnh đạo thành phố luôn nhấn mạnh rằng, ngoài các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, cơ sở hạ tầng, sự chủ động và đoàn kết của cộng đồng là yếu tố then chốt giúp địa phương bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Những năm gần đây, nhiều địa phương tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng. Đơn cử, quận Liên Chiểu chuẩn bị 75 địa chỉ sẵn sàng tiếp nhận người dân sơ tán khi có sự cố xảy ra. Ông Hoàng Thanh Hòa, Chủ tịch UBND quận khẳng định, ngoài phương án sơ tán người dân sinh sống ở những khu dân cư thấp trũng, địa phương đã chuẩn bị phương án sơ tán 21.000 dân (khoảng 10% dân số quận) cho tình huống bão cấp 12, 13.

Theo ông Hòa, phương án sơ tán không dừng ở việc đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm mà chú trọng đến vấn đề an ninh, trật tự, lương thực, thực phẩm tại khu vực trú ẩn. Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng công an, bộ đội, dân phòng, biên phòng… sẽ được huy động để trực tiếp giám sát, hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho người dân trong thời gian sơ tán. Ngoài ra, quận cũng hình thành các đội cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng hành động khi có tình huống khẩn cấp.

Với kinh nghiệm nhiều năm sống tại vùng ngập úng, bà Lê Thị Hà (SN 1961, phường Hòa Khánh Nam) cho biết, gia đình luôn sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp. “Chúng tôi ở đây vốn quen với mưa bão, nhưng mỗi năm, tình hình lại khó lường hơn. Hàng xóm thường bảo nhau chuẩn bị sẵn đồ đạc, giấy tờ tùy thân và một ít lương thực. Lúc sơ tán, chính quyền luôn hỗ trợ rất chu đáo nên cũng vơi bớt nỗi lo”, bà Hà bộc bạch.

Ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, lý giải hệ thống mương, cống thoát nước trên địa bàn chưa bảo đảm khiến nhiều kiệt, hẻm đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt, Nam Cao, Phạm Như Xương… thường xuyên ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lớn. Do đó, việc đầu tiên được địa phương triển khai là sơ tán người dân đến địa điểm an toàn. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng chức năng xuống nhà dân hỗ trợ chèn chống, di dời tài sản có giá trị nhằm giảm thiểu thiệt hại, rủi ro. Mỗi năm, có hàng trăm hộ gia đình nhà cửa kiên cố sẵn sàng tiếp nhận người dân đến tá túc trong lúc chờ nước rút. Nếu thời tiết xấu hơn, trường học, trụ sở UBND phường, trạm y tế, công trình công cộng… sẽ được chính quyền trưng dụng để phục vụ người dân.

Từ việc cải thiện hạ tầng, nâng cao nhận thức cộng đồng đến triển khai các kịch bản ứng phó linh hoạt, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định khả năng thích ứng và bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa. Cùng với đó, sự chung tay của các công ty, đơn vị quản lý hệ thống thoát nước, cây xanh đô thị, cầu đường, xây dựng, nông nghiệp… trong từng phần việc cụ thể đã góp phần tạo nên một mạng lưới bảo vệ đô thị vững chắc. Chưa kể, trong tương lai, khi tuyến kè đi qua các vị trí xung yếu dọc sông Yên, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện có chiều dài gần 13.000m hình thành, sẽ tăng khả năng bảo vệ thành phố trước tình trạng sạt lở, xâm thực, cũng như giảm đáng kể nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.