MÙA LỤT

Thương bó rau, con cá

.

Năm nào cũng vậy, khi mùa mưa lũ cận kề, người dân các thôn vùng ngoại thành huyện Hòa Vang lại gấp rút gom từng bó rau, lùa từng con cá nhằm tránh nguy cơ thiệt hại. Họ nói rằng, qua từng năm, mùa vụ trồng rau, nuôi cá có sự chủ động, cân đo đong đếm từ khi xuống giống nhưng không tránh khỏi những tháng mưa lụt bởi đây là thời điểm nằm giữa mùa vụ để bó rau, con cá sinh sôi phát triển.

Các hộ thành viên HTX Làng Phú Sơn tranh thủ thu hoạch các loại cá trước khi mùa mưa đến. Ảnh: T.V
Các hộ thành viên HTX Làng Phú Sơn tranh thủ thu hoạch các loại cá trước khi mùa mưa đến. Ảnh: T.V

Rau màu cùng số phận

Dưới cơn mưa chiều lất phất, chỉ còn vài hộ dân canh tác tại làng rau Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, tôi gặp bà Đặng Thị Hòa (66 tuổi, thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) vẫn cặm cụi làm đất, nhổ cỏ trên luống mồng tơi non tơ. Như người quen lâu ngày gặp lại, bà Hòa vui vẻ cho biết, luống rau này mới gieo hơn tuần, mất khoảng 20 ngày nữa là có thể thu hoạch. Thời tiết nắng ấm, mát mẻ thì thuận lợi, nếu rơi vào cảnh mưa dầm, rau úng nước coi như mất trắng.

“Trên cánh đồng rau bên ngoài của HTX, tôi có gần 700m2 diện tích đất chủ yếu trồng mồng tơi và cải. Bên trong HTX với quy trình chuyên canh, tôi có 1.000m2 đất trồng bí đao, mướp, dưa leo, khổ qua, rau dền, rau cải… Mùa này, tôi dành thời gian canh tác bên ngoài HTX bởi gò đất cao, nước rút nhanh nhưng thời tiết bất thường, mưa lớn dài ngày thì cũng rơi vào cảnh nhìn đâu cũng mênh mông là nước, rau màu cũng cùng số phận trôi nổi. Chúng tôi canh tác lâu năm nên quá quen thuộc, nhưng mỗi lần, nhìn bó rau như đứa con tinh thần bị hư hại thì buồn lắm”, bà Hòa bày tỏ.

Những ngày qua, từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt, bà một thân một mình vác cuốc ra đồng thu hoạch rau. Buổi sáng, bà cuốc đất, xuống giống, bón phân, tưới nước và làm sạch cỏ. Buổi chiều, bà thu hoạch những luống rau đến kỳ, trung bình mỗi ngày 30kg, để kịp giao cho tiểu thương vào khuya ngày hôm sau.

“Mấy hôm nay, tranh thủ trời chưa kéo mây, tôi làm luôn tay luôn chân, kiếm đồng ra đồng vào trang trải các chi phí tiền giống, tiền phân bón. Thực tế, những ngày mưa là khoảng thời gian mát mẻ, rất thích hợp để rau phát triển nhanh và tán lá đẹp nên chúng tôi cố gắng trồng và thu hoạch được chừng nào hay chừng đó”, bà Hòa chia sẻ.

Đang loay hoay thu hoạch luống rau lang cạnh đất bà Hòa, ông Nguyễn Văn Dũng (62 tuổi, thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) với giọng cho hay, 30 năm nay, sau khi kết thúc vụ trồng và thu hoạch lúa vào tháng Bảy, ông bắt đầu trồng rau từ tháng Tám đến mùa xuân năm sau, chủ yếu là rau lang bởi loại này dễ sống, phát triển nhanh. Giống với các hộ dân khác, tận dụng những ngày hanh ráo, mát mẻ, ông ra đồng gieo trồng và thu hoạch những luống rau đủ điều kiện, vợ thì chở rau đi bán tại chợ Hòa Nhơn và Túy Loan.

“Rau lang từ khi gieo đến 30 ngày là có thể thu hoạch nếu chăm sóc tốt, tưới nước đều, bón phân đầy đủ. Thông thường, tôi trồng đến cuối tháng Mười là nghỉ vài ba tuần bởi là mùa mưa, nước sông Túy Loan dâng cao sẽ gây ngập úng. Qua tháng Mười Một, khi tiết trời nắng ấm trở lại, tôi tiếp tục gieo giống và thu hoạch để bán vào dịp cuối năm”, ông Dũng nói.

Ông Bùi Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong cho biết, HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan với diện tích 6ha, hơn 40 hộ canh tác. Thời gian này, người dân chủ động thu hoạch đối với rau ngắn ngày, với các loại rau dài ngày thì được trồng ở vùng đất cao nhằm hạn chế thiệt hại.

Đưa cá lên bờ

Cách đây vài ngày, người dân nuôi cá nước ngọt tại các xã cùng nhau lên phương án đưa cá lên bờ. Chị Phạm Thị Nhung (53 tuổi, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) sớm thu hoạch gần 1 tấn cá thát lát đủ điều kiện xuất ao. Chị Nhung cho biết, năm nay, chị thả 15.000 con cá giống đủ loại từ basa, thát lát, trắm cỏ, cá leo, diêu hồng, rô phi với diện tích ao nuôi 4.000m2.

Sau khi thu hoạch những con cá lớn, vẫn còn khoảng 50% các loại cá còn nhỏ. Dự tính qua tháng Mười Một sẽ thu hoạch số cá còn lại. Đối với những hồ cá thát lát vừa thu hoạch, chị đang làm công đoạn hút hồ, làm sạch, chờ qua mùa mưa sẽ thả cá giống, để kịp vụ Tết.

“Tôi rút kinh nghiệm từ đợt mưa lớn năm 2022. Năm đó, dù cá đến mùa thu hoạch nhưng tôi chủ quan, chờ một vài ngày, đến khi nước lên, cá bẻ bờ bơi ra ruộng toàn bộ, thua lỗ vài trăm triệu đồng. Vì vậy, từ đó đến nay, tôi chủ động canh thời gian thả giống những loại cá doanh thu lớn như cá thát lát, cá leo, cá trắm cỏ, để kịp thu hoạch trước mùa mưa, đề phòng rủi ro và thiệt hại”, chị Nhung chia sẻ.

Giống chị Nhung, anh Cao Văn Tới, Giám đốc HTX Làng Phú Sơn cho hay, hiện các hộ thành viên trong HTX vừa thu hoạch xong các loại cá như thát lát, basa, cá leo hồi tuần trước. Đối với các loại cá còn nhỏ, sẽ dùng lưới nhựa dựng bọc xung quanh ao. Riêng cá giống mới thả, trong quá trình theo dõi dự báo thời tiết sẽ hút hoặc tháo nước hạ thấp mặt nước ao, nhằm bảo đảm nhiệt độ hồ nuôi.

Theo Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, xã Hòa Phong có 25 hộ nuôi cá nước ngọt, tổng diện tích ao nuôi là 7,9ha. Trong đó, nuôi cá chiếm 4,6ha, diện tích còn lại nuôi ốc, ếch, một số bỏ hoang, nuôi cá tự nhiên không chăm bón. Với xã Hòa Khương, có 200 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích khoảng 50ha.

Riêng xã Hòa Liên, có trên 30 hộ nuôi các loại tôm, cá, cua với diện tích 36ha. Hiện nay, người dân theo dõi dự báo thời tiết qua các kênh thông tin và quyết định toàn bộ việc xuống giống tại thời điểm thích hợp. Đồng thời, để hạn chế thiệt hại trong mùa mưa sắp đến trong chăn nuôi lẫn trồng trọt, phòng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động canh tác và thu hoạch khi thời tiết không bảo đảm.

TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.