Mùa thu cùng những mùa thu

.

Bài hội thoại tối hôm qua thật đơn giản: Đại Vệ thích nhất mùa nào trong năm? Thưa thầy, em thích nhất mùa thu, lá vàng lá đỏ rộ khắp, thiên khí mát mẻ không nóng không lạnh, có gió, buổi chiều thỉnh thoảng có mưa… Trung Thôn thích mùa hè để bơi, Trương Hồng thích mùa xuân vì có mưa bụi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi rời khỏi lớp học online muộn hơn thường lệ, lòng còn đương những bâng khuâng nhiều lời vui của cô trò kể chuyện bốn mùa lại chợt nghe tiếng loài chim nào vừa cất lên tao tác ngoài ngõ. Nhà tôi ở giữa phố mà gần ruộng, cây cối mọc nhiều, côn trùng vẫn còn chốn tha hồ nương náu, chim chóc tạt qua trú ngụ hoặc ăn ớt, bắt sâu. Ở phố mà mỗi ngày vẫn nồng đượm vị quê. Tiếng chim giữa trời đêm lúc này càng khiến cho lòng tôi thêm phần xao động. Hình như mùa đã thu tự mấy độ mà tôi vô ý chưa kịp lưu tâm.

Tôi giống Đại Vệ trong bài học cũng rất thích mùa thu, nhưng xứ sở tôi nương náu không có chỉ dấu mùa rõ rệt, không có rợn ngợp rừng phong lá đỏ, không có những cung đường lụa vàng đẹp như tranh thủy mạc. Thế mà chỉ riêng tên của mùa thôi đã thấm trong lòng riêng một vẻ đẹp lạ thường. Câu thơ Phạm Thanh Chương “Anh gửi tặng một khoảng trời đầy gió/ Mùa thu về lãng đãng ở trên cao” tôi chép trong sổ tay từ thế kỷ trước như vật chứng tuổi trẻ đã từng biết mê đắm sắc thu nền nã. Giở trang vở học trò đã mờ theo thời gian, lòng tôi mơ hồ không biết mình có phải đã từng sống qua những tháng ấy năm ấy. Nhiều kỷ niệm nhớ nhớ quên quên, nhiều câu chuyện tình yêu, nhiều lần gặp gỡ không biết đã thật có trong đời hay chỉ là ảo mộng. Có thể, tôi đã thấm tuổi nhân sinh, bắt đầu hiểu nỗi tư lự trong mỗi cái ngoái đầu nhìn lại. 

Tiếng chim tao tác cất lên lần nữa, nhất định là tiếng chim quen lắm tôi từng nghe ở những đêm thu không vùng trung du Lộc Yên. Mùa thu Lộc Yên là mùa của các thức trái cây “ăn hoài mệt nghỉ” đã đi vào âm nhạc xứ Quảng. Ở đó, giờ đây, các con tôi vẫn sung sướng mỗi tuần về “siêu thị miễn phí” nhà ngoại hái trái bòn bon vàng ươm, lượm quả măng cụt rụng nhiều, kiếm quýt bưởi thanh trà cho đầy mấy túi ba gang… Mùa thu quê hương giản dị mà no ấm tình thương khiến tôi cứ muốn giữ mãi hình ảnh quen thương trong những sáng những chiều.

Mãi khi thực sự xa Huế, tôi mới biết ở xứ sở này có những ngày trời thu qua nhanh và thật đẹp. Tiết thu ở Huế mong manh đến mức, cơn nắng chang chang tháng Tám chưa kịp dứt thì dường như mọi dự báo cho một mùa mưa đã chực chờ tới sẵn. Trên đường Lê Lợi, lá phong hẳn còn xanh lắm. Nhưng khi Rú Chá vàng ngợp những hoa chính là đã báo hiệu trọng thu. Giữa những cơn bão đầu mùa thường niên, rừng ngập mặn Rú Chá như một “tòa thiên nhiên lộng lẫy” đủ sức lay động xuyên thấu tâm khảm mỗi người. Và chỉ vài ngày nắng đẹp hiếm hoi, Rú Chá nhuận sắc thiên đường mùa thu xứ Huế.

Ở xứ sở đẹp và thơ ấy, mùa thu mong manh còn trong tôi những kỷ niệm dịu dàng. Cung đường nào, góc phố nào giờ đây đối với tôi cũng hằn in những bước chân kỷ niệm. Những kỷ niệm được chất đầy theo thời gian vì ở đây, tôi luôn được yêu thương, được đón chờ trong mỗi lần trở lại. Năm nay thu vàng, tôi lỡ hẹn người bạn “yêu Huế mê ly” ăn bánh xèo cá kình Cồn Tè, uống cà phê bên dòng An Cựu. Trong “sầu dâng lên mắt”, chắc hẳn bạn đã tha thiết mong chờ, đã mong ước chúng tôi xuất hiện bất chừng như đêm trăng hạ tuần Thiên An lần ấy. Có phải do mùa thu thiên đường quá mà Bình Nguyên Trang đã nói giúp lòng tôi: Cây nằm mộng một đời tôi tỉnh giấc/ Mùa thu kia đã ở dưới chân đồi?

Trong lưng chừng ngoái đầu nhìn lại những mùa thu thương nhớ, trong tôi còn lấp lánh sắc mênh mông của Tây Nguyên đại ngàn, của Hà Nội im hơi phố cũ, của biết bao nơi, xứ đã đi qua. Mùa thu, như niềm an ủi nhân sinh sau bỏng rát  mùa hè, phảng phất niềm thương mà không thê lương, hiu hắt. Tôi thấy mình thật may mắn khi cuộc mưu sinh không giành hết phần vui sướng nhỏ nhoi. Mỗi ngày, trong không gian đơn sơ, tôi vẫn có chút ít thời gian thưởng trà, trồng hoa, nghe nhạc, đọc sách. Hoặc nghe nhạc lúc dọn vườn, hoặc nghe sách cùng con sau bữa cơm tối, thậm chí những việc không tên cũng được che chở trong thi ca và âm nhạc. Và thế là luôn luôn, tôi có sẵn liều thuốc “chữa lành” kể cả trong những đêm dài mất ngủ. Giờ đây, tháng rộng năm dài tôi vẫn mê đắm Đường thi, vẫn yêu nghe Đoàn Chuẩn, vẫn tha thiết với những Đẹp đến bồi hồi. Trong nương náu ấy, mỗi ngày, mỗi mùa, xuân thu nhị kỳ đã ẩn mật lòng tôi bao vẻ.

Những ngày mùa thu hẳn sẽ qua nhanh, nhưng chốn thiên thai Lưu Nguyễn trong vi vút Văn Cao rồi cũng chẳng sai biệt khi về đây với thu trần gian nhuộm màu áo xanh trong phong thư ngào ngạt hương Đoàn Chuẩn. Có thể tiếng chim trong đêm vắng hôm nay không từng là tiếng chim mấy mươi năm trước nhưng là âm gọi của lòng tôi đã dung dưỡng qua những nơi những chốn, trên dấu thiên di bất định cõi người.

NGUYỄN THỊ THANH THẢO

 
;
;
.
.
.
.
.