Nghĩ về ngôi nhà tránh lũ lụt

.

Người Quảng hay người miền Trung, bên cạnh không gian truyền thống của ngôi nhà Việt Nam, ngôi nhà của ông cha ta thường đắp nền nhà thật cao, dự trữ mắm muối để tránh lụt. Có khi mỗi nhà còn có một cái ghe nan để phòng bị. Ngày nay, có nơi làm nhà phao để phòng nước lên… “Sống cái nhà, già cái mồ” là vì vậy!

Nước lũ ngập sâu nhà dân ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc năm 2020. Ảnh: Tư liệu
Nước lũ ngập sâu nhà dân ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc năm 2020. Ảnh: Tư liệu

Sau những trận lũ lụt từ tháng 9-2020, tôi đã có dịp đọc lại cuốn sách “Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam” (Trần Ánh, Nguyễn Thượng Hỷ và tgk. TT. BTDS-DT Quảng Nam, 2008). Đây là kết quả một công trình nghiên cứu khá toàn diện.

Các loại hình kiến trúc nhà cổ, các loại vật liệu, các cấu kiện trong ngôi nhà rường, nhà tre, nhà mái lá; tổ chức không gian sinh hoạt, thờ cúng; phương pháp dựng nhà và đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc tinh tế của các nghệ nhân thuộc hai làng nghề mộc nổi tiếng là Kim Bồng (Hội An) và Vân Hà (Tam Kỳ) cũng như kỹ thuật sử dụng Con Tầm, thước mộc, thước Lỗ Ban của người thợ xứ Quảng và những phong tục tập quán của người xưa trong việc xây dựng nhà ở... đã được các tác giả nghiên cứu khá công phu với các bản vẽ, hình ảnh dẫn chứng sinh động.

Các tác giả công trình nghiên cứu này đã nêu bật được tâm hồn, trí tuệ nhân sinh quan của cả hai phía: người thợ xây dựng và người chủ sở hữu ngôi nhà cổ. Và thông qua đó, “kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy các loại hình kiến trúc đang ngày càng mai một này” ở Quảng Nam. Tiếc rằng công trình này được phổ biến quá hạn hẹp!

Trong khảo sát của Piere Gourou từ năm 1936 (Phác thảo nghiên cứu nhà Việt Nam, NXB Văn hóa - Nghệ Thuật Paris, 1936 - Đào Hùng dịch), ông đã dành nhiều trang mô tả ngôi nhà Việt từ Quảng Trị, Quảng Nam đến Bình Định. Là một nhà địa lý học, ông quan tâm đến những khác biệt về địa hình lẫn khí hậu phía nam đèo Hải Vân. Khác biệt về các đồng bằng nhỏ hẹp bị chia cắt bởi núi non, sông ngòi cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà ở. Nhưng ảnh hưởng của văn hóa Chăm-pa đã tác động ít nhiều đến kiến trúc và xây dựng nhà cửa.

“Nhà ở Quảng Nam không khác mấy với nhà ở Quảng Trị…”. Mái nhà vẫn y nguyên, và bình đồ nhà không thay đổi, nhưng cấu trúc thì đa dạng hơn… Trong cùng một làng nghèo nhất tôi thấy có 6 loại khung nhà khác nhau. Một nét chung là mọi nhà đều thiếu cột giữa… Những ngôi nhà tồi tàn ở Miếu Bông thường có bộ khung toàn bằng tre. Nhà ở Bất Nhị giàu có hơn, có khung bằng gỗ, nhưng lại có những nét tùy tiện nào đó. Chính cái khác nhau đó đã tạo ra tính cách địa phương của vùng đất Quảng Nam với sự biến mất cả nhà rội điển hình…”, ông viết.

Nhà ngói Quảng Nam có mái phẳng (ngang) hơn và lợp móc, khít nhau khác với nhà ở  Lý Hòa và Cửa Tùng (Quảng Bình, Quảng Trị), được bao bọc bởi các hàng rào tre thưa, tạo một không gian sống của từng làng ở Quảng Nam cũng là một đặc điểm. Nhưng Piere Gourou có một nhận xét lý thú và đến nay vẫn còn thấy, đó là nhà ở phía Quảng Ngãi, dọc sông Trà Bồng, có nhiều ngôi nhà kiểu Quảng Nam xen lẫn với kiểu nhà Bình Định mà Khu đĩ thường rộng hơn do mái nhà chính luôn cao hơn và bố cục cũng không cân xứng. Piere Gourou cũng nhận định rằng nhà hai mái (một mái đất và một mái lá) xuất hiện nhiều hơn ở Bình Định, kiến trúc hình vuông, một gian với mái cao quá khổ, vừa mang tính cường điệu lại vừa thông dụng…

Ở xứ nóng như Quảng Nam và miền Trung, ngôi nhà thường quay về hướng Nam, gồm có bàn thờ tổ tiên và đôi khi có bàn thờ cúng thần, đàn ông nằm trước bàn thờ tổ tiên, phía trái là nơi ở của phụ nữ kèm theo cái rương đựng của quý của gia đình và đồ dự trữ, nối liền với lối đi xuống bếp…

“Trong quá trình Nam tiến, người Việt biết giữ thói quen xây dựng của mình. Ảnh hưởng ngự trị trong bình độ và trong kết cấu của ngôi nhà chính là sự thống nhất của dân tộc Việt Nam”, Piere Gourou kết luận!

Trên thực tế, khi tôi liên tưởng đến các ngôi nhà ông cố và ông nội tôi từng ở ngày xưa và nhiều ngôi nhà khác, một bố trí không gian đều như Gourou đã mô tả cách đây gần một thế kỷ. Cái nhà và không gian mà ngôi nhà ấy tồn tại (trong mảnh vườn) dường như ít thay đổi, trừ các khu dân cư “nhà ống” hiện nay. Trong ngôi vườn ấy vẫn là “trước cau sau chuối” như tục ngữ đã khẳng định, từ hiên nhà đi qua hàng cau là ra cái cổng ngõ để tiếp xúc với làng xóm và cộng đồng. Hàng rào tre tuy cách biệt mà thân gần tình lân lý.

Miền Trung sông ngòi chằng chịt nhưng thế đất nhìn chung có độ dốc cao nên đất cư trú ít và luôn thấp lụt. Người ta đã sống chung với lũ từ tập quán xây dựng cái nền nhà. Có khi làm được cái nền nhà, đúc cái móng nhà kiên cố từ năm này rồi đến nhiều năm sau mới dành dụm đủ tiền và vật liệu xây nhà, hoặc làm cái nhà tranh tre trên cái nền đó để ở tạm khi chưa đủ tiền.

Ở ven sông Hội An xưa người dân làm nhà chồ cao để tránh lụt, còn trong phố buôn thì dựng nhà có gác. Gác vừa là kho hàng vừa để trú lụt. Nến nhà phải đắp cao, có khi cao hơn đất vườn chung quanh cả một thước Tây để lụt không vô nhà! Lụt cao quá thì mỗi nhà đã có sẵn một chiếc ghe nan, ghe nhôm treo sẵn ở hàng hiên hoặc nhà ngang, lấy xuống… Nhiều nơi thấp lụt người ta còn làm cả nhà hai tầng cho trâu bò ở khu lũ thường tới như ở Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam.

Người miền Trung sống chung với lũ lụt từ xưa là vậy! Gần đây, sau nhiều trận lũ gọi là “lịch sử”, nhiều kiến trúc sư và các mạnh thường quân đã lập các quỹ xây dựng nhà mang tên “Làng hạnh phúc” giúp dân nghèo ở các vùng hay sạt lở vì lũ lụt ở vùng cao. Quỹ “Sống Foundation” (https://song.org.vn) đang xây dựng hai làng ở Nam và Bắc Trà My từ tháng 6-2020 là một ví dụ.

Họ theo trường phái “xây dựng cùng nhân dân”, khai thác vật liệu tại chỗ và nhân lực địa phương. Nhưng trên hết, các kiến trúc sư trẻ vẫn luôn quan tâm trước hết đến cái nền nhà cao hay gác lửng và sự kiên cố của khung nhà để tránh bão lũ… Có lẽ, “Sống cái nhà, già cái mồ” đã ăn sâu trong suy nghĩ và ứng xử của người dân quê tôi!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.