Cuối tháng 12-2013, Ban Biên tập (BBT) Báo Đà Nẵng giao Phòng Đà Nẵng cuối tuần tổ chức số Đà Nẵng cuối tuần đặc biệt nhân sự kiện 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép (19-1-1974 - 19-1-2014). Yêu cầu đặt ra của BBT cho số báo này, chính là việc tiếp tục khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và phản đối việc Trung Quốc dùng các biện pháp vũ lực để chiếm đóng trái phép các đảo trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam suốt 40 năm qua.
Tôi rời phòng họp giao ban, bước ra cầu thang, về lại phòng làm việc chỉ có vài chục bước chân, mà ngổn ngang bao ý nghĩ, bắt đầu từ đâu? Trong tâm trí đã xuất hiện những nhân vật đã dành nhiều tâm huyết, có những bài viết và ý kiến khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trong nhiều năm qua. Những nhà nghiên cứu ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ thuận tiện mời gọi viết bài, nhưng vẫn rất mong có thêm những bài viết, góc nhìn đa dạng về sự kiện này. Nhưng, kết nối cách nào để họ chấp nhận cộng tác và có bài trong vẻn vẹn 2 tuần chuẩn bị.
Trước tiên, anh chị em Phòng Đà Nẵng Cuối tuần hội ý, nghĩ đề tài cấp tốc, chừng 15-20% nội dung số báo được hình thành, và mọi người bắt tay ngay vào việc kiếm tìm tư liệu. Riêng với đội ngũ cộng tác viên, may mắn nhất là lần liên hệ đầu tiên với nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, chỉ sau vài cuộc trao đổi ngắn qua email, anh nhiệt tình cộng tác và cung cấp cho tôi một danh sách những người cần liên hệ đặt bài, cả số điện thoại, địa chỉ email. Anh Sơn còn chu đáo cung cấp địa chỉ của chị Diễm Trang, con gái của nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu* để mọi liên lạc với ông đều qua chị, vì thời điểm đó, ông đã 94 tuổi.
Tôi soạn gấp một thư mời cộng tác trình Tổng Biên tập Mai Đức Lộc ký, và bắt đầu những cuộc điện thoại, với câu đầu tiên, “được anh Sơn giới thiệu...”. Đó nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (SN 1920), Tiến sĩ Nguyễn Nhã (SN 1939), nhà sử học Dương Trung Quốc, TS. Nguyễn Đăng Vũ...
Tại Đà Nẵng, thư mời được gửi đến anh Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng (lúc ấy anh là Trưởng ban Tổ chức Thành ủy); anh Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ; PGS.TS Trương Minh Dục; Võ Hà (Ban Tuyên giáo Thành ủy)... Họ là những người nặng lòng tâm huyết với Hoàng Sa. Thật may mắn, khi nhận được thư mời viết bài cho một số báo đặc biệt như vậy, các tác giả đã nhiệt tình nhận lời.
Thời gian gấp rút, nên tất cả thư mời đều được gửi trước qua email, ngày 25-12-2013, mới gửi thư hỏa tốc. Khoảng thời gian lâu nhất là khoảng thời gian chờ đợi. Dù các tác giả đã nhận lời, nhưng việc có bài hay không, kịp thời gian hay không lại là một chuyện khác. Qua không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, không biết bao nhiêu email, bao nhiêu dòng tin nhắn đã gửi đi và nhận lại “tôi/anh rất bận sẽ cố gắng hết sức...”.
Nếu không vì Hoàng Sa, chắc chắn những người luôn kín lịch vì công việc như các tác giả đã kể trên sẽ không bao giờ dành thời gian cho một bài báo đăng trên một tờ báo địa phương như thế. Nếu không vì Hoàng Sa, chắc chắn họ sẽ từ chối dứt khoát, chứ không phải ghi nhớ trong lòng để tới sát ngày “hạn cuối” vẫn hứa “chắc chắn ngày mai sẽ có...”.
Cuối cùng, tất cả những tác giả được đặt bài đều đã gửi bài kịp cho số báo Hoàng Sa - 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép. Những bài viết của các tác giả kể trên cùng sự dốc sức của những phóng viên Báo Đà Nẵng và đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình của Phó Tổng Biên tập Trương Công Định và Thư ký Tòa soạn Hứa Văn Hải, đã giúp cho số báo có một nội dung tương đối đầy đặn. Kể cả bài của ông Bùi Văn Tiếng trả lời phỏng vấn Infonet (chuyên trang của Báo Vietnamnet) cũng được ông đề nghị trích đăng trong số báo này để nhìn về Biển Đông từ cuộc kháng Pháp 155 trước.
Khi mọi khâu biên tập, trình bày đã hoàn tất, chỉ còn việc in và phát hành thì BBT triệu tập cuộc họp đột xuất để bàn một số công việc liên quan đến số báo này. Và sáng thứ Sáu ngày 17-1-2014, cầm tờ báo Đà Nẵng cuối tuần 24 trang (ghi ngày phát hành là Chủ nhật 19-01-2014), chúng tôi mới thật lòng vui mừng, nhẹ nhõm.
Tôi lần giở từng trang báo, nâng niu từng tiêu đề bài báo, từng tên tác giả như đã thuộc lòng: Hoàng Sa tháng 1-1974 (GS Nguyễn Đình Đầu), Biển Đông còn tỏa khói Hoàng (TS. Nguyễn Nhã), Nghĩ về Hoàng Sa (Dương Trung Quốc), Cuộc đấu tranh bảo vệ và khẳng định chủ quyền (PGS.TS. Trương Minh Dục), Người Đà Nẵng với Hoàng Sa (Bùi Văn Tiếng), Chân lý phải thắng (Đặng Công Ngữ), Một nghi lễ tri ân trên đất đảo (TS. Nguyễn Đăng Vũ), Hoàng Sa - Trường Sa trong lòng kiều bào Việt Nam (Trần Đức Anh Sơn), Đà Nẵng với sự kiện Hoàng Sa năm 1974 (Võ Hà), Gửi hồn ra Biển Đông (Văn Thành Lê), Còn mãi Hoàng Sa (Lê Văn Thơm*), Một tiếng Hoàng Sa mà đau đáu lòng người (Hoàng Nhung), Nuôi dưỡng ý chí giành lại Hoàng Sa (Sơn Trung), Chất men mới giáo dục lòng yêu nước (Đoàn Lương), Tình yêu biển đảo (Tiểu Yến)…
Tờ báo còn có 2 trang ảnh ăm ắp tư liệu quý với nội dung “Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam”, và khép lại bằng trang ảnh “Nhịp sống Trường Sa” của chính Tổng Biên tập Mai Đức Lộc thực hiện. Số báo đã kịp phát hành và là tài liệu chính trong hội thảo về Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử thành phố tổ chức ngay hôm ra báo.
Trong thời gian làm Trưởng phòng Đà Nẵng Cuối tuần (từ 2006-2018), việc tổ chức, biên tập bài vở, cho số báo Hoàng Sa - 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép là số báo mà tôi chuẩn bị nhọc sức nhất, áp lực nhất và được sự đồng lòng giúp sức nhiều nhất của BBT, Tòa soạn, của những anh chị em phóng viên báo Đà Nẵng. Đó cũng là số báo mà tên chuyên đề do BBT chọn, khác với trên 550 số chuyên đề mà anh chị em Phòng Đà Nẵng cuối tuần thực hiện trong 12 năm tôi gắn bó với cuối tuần.
PHAN HOÀNG PHƯƠNG
* Tác giả nay đã qua đời