Ông tổ nghề sửa đồng hồ ở Việt Nam

.

* Ở nước ta, ai là ông tổ nghề sửa đồng hồ? Tài năng của ông có gì đặc biệt? (Hoàng Nam, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Tiệm sửa chữa đồng hồ là nơi hồi sinh những chiếc đồng hồ bởi sự đam mê, tỉ mỉ. Ảnh: V.T.L
Tiệm sửa chữa đồng hồ là nơi hồi sinh những chiếc đồng hồ bởi sự đam mê, tỉ mỉ. Ảnh: V.T.L

- Trong sách Phủ biên Tạp lục, Quyển thứ VI Nói về thổ sản, nhà bác học Lê Quý Đôn đã dành nhiều trang để mô tả cặn kẽ về các loại đồng hồ của phương Tây (ông gọi là “Tây dương”), qua đó nói đến một người Việt Nam đã “qua mặt” hai người giỏi về đồng hồ - một bên Tây, một bên Tàu - để sửa chữa loại đồng hồ quá mới đối với người nước ta lúc bấy giờ.

Đó là chiếc đồng hồ báo thức duy nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu (1725-1738) được một giáo sĩ phương Tây tặng. Đồng hồ có hình cái tháp chùa, chiều cao 1 thước. Đến giờ Quý lại bắt đầu như giờ Đinh đánh 1 tiếng, giờ Sửu 2 tiếng, giờ Cấn 3 tiếng, giờ Dần 4 tiếng, giờ Thân 5 tiếng, giờ Mão 6 tiếng, giờ Ất 7 tiếng, giờ Thìn 8 tiếng, giờ Tốn 9 tiếng, giờ Tỵ 10 tiếng, giờ Bính 11 tiếng, giờ Ngọ 12 tiếng. Đồng hồ cứ theo giờ mà đánh chuông suốt ngày đêm không nhầm lẫn.

Trên đồng hồ ấy có làm một cái mái, trên mái làm hình lá sen đế che, về bên hữu, hai mặt sau có kính thủy tinh để che bụi. Về bên tả, hai mặt trước có làm cửa để tiện lúc mở đóng phòng khi xem xét. Đến năm Bính Thìn (1736) thì nó bị hư. Chúa nhờ Từ Tam Bá, một người Tây phương được chúa giao cho việc xem xét các hiện tượng thiên văn, đến sửa đồng hồ nhưng y chần chừ mãi mấy năm không làm.

Nghe nói có người gốc Ma Cao (Trung Quốc) đang giữ sổ sách và tiền bạc trong một hiệu buôn Hoa kiều tên Ngôn biết cách làm đồng hồ, chúa gọi đến hỏi thì người này  nói tuổi đã già không thể làm được và liền giới thiệu tên Nguyễn Văn Tú có tài sửa chữa đồng hồ. Chúa bèn giao cho Văn Tú chữa lại đồng hồ ấy, trong 10 ngày làm xong. Văn Tú lại chế ra một hàng đồng hồ kiểu nhỏ hơn, cũng theo cách thức trước, nhưng bớt đi 5 bánh xe và 6 quả chuông nhỏ cùng một đoạn giây, không đánh chuông khắc, chỉ đánh chuông theo giờ. Người ta đo bóng nắng mặt trời để nghiệm xem thì rất đúng giờ không có sai nhầm chút nào.

Sách đã dẫn cho biết, Văn Tú là người làng Đại Hào, huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), khi trẻ tuổi sang nước Hà Lan (Hollande) học 2 năm, học được nghề làm đồng hồ và kính thiên lý rất khéo. Tuổi đã 74 mà mắt sáng như lúc còn trẻ. Em là Nguyễn Văn Thi, con trai là Nguyễn Văn Duy, con rể là Lương Văn Dũng, cả nhà đều tinh nghề làm đồng hồ.

Sách đã dẫn chép: “Văn Tú lại làm một cái đồng hồ cũng như cái đồng hồ của chúa Nguyễn đã giao cho chữa lại. Nhưng về mặt trước, phía trong chế thêm 2 bánh xe đồng hồ có lỗ thông với mặt ngoài, lỗ ấy đúng với cái kim về phía bên tả và bên hữu. Bên tả có 60 phiến đồng khắc chữ từ Giáp Tý đến Quý Hợi, bên hữu 30 phiến cũng khắc từ ngày mồng 1 đến ngày 30. Đến ngày nào thì chữ hiện ra ở hai bên. Khi đi hết một vòng, lại bắt đầu như trước. Máy đồng hồ ấy thật là tinh xảo”.

Chiếc đồng hồ thứ nhất là của chúa sai ông sửa, chiếc đồng hồ thứ hai do gia đình ông chế ra và hiến tặng cho chúa. Cả phủ chúa đều kinh ngạc trước tài năng của gia đình ông. Ông được nhà chúa phong tặng chức danh vẻ vang “Thủ hợp chiêu tài Nam” (một người Nam có bàn tay tài hoa).

Nay thì nghề sửa đồng hồ không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chọn một vị tổ nghề sửa đồng hồ thì Chiêu tài nam Nguyễn Văn Tú xứng đáng danh vị tổ sư.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.