Tâm tình "Áo trở màu không"

.

“… Áo nào xanh thắm hương yêu/ Đã phôi phai giữa bao điều thương mong/ Bây giờ áo trở màu không/ Bao la sương khói… mênh mông là buồn!” (Áo trở màu không). Không còn khắc khoải như tiếng quốc kêu thương. Không đau đớn đến nhỏ máu trong tim vì người tình xưa đã xa, xa mãi. Những bài thơ trong “Áo trở màu không” (NXB Văn học, 2024) thật nhẹ nhàng, đằm thắm. Đời thực nhiều hơn mộng ảo. Mặt nước hồ thu tĩnh lặng, những con sóng lòng đã ẩn dưới đáy dòng sâu!

Đây là tập thơ thứ 11 của H.Man đã xuất bản. Tôi may mắn được đọc tất cả các tập thơ của anh. Nếu như những tập thơ trước xúc cảm thiên về tình yêu, da diết nỗi nhớ và khổ đau vì những mối tình vô vọng, để lại những vết thương lòng chẳng chịu lên da non, thì với tập thơ mới này đã có sự khác biệt. H.Man đã bộc bạch trong lời đề từ: “… Áo trở màu rồi! Màu áo trắng thuở học trò hồn nhiên, thơ mộng, đã trôi theo những cơn mưa chiều, những ngày nắng gắt, vào chốn lãng quên. Chiếc áo Hoàng Hoa, áo xanh Tư Mã ngày nao thấm đẫm âm thanh một khúc “Phượng cầu” khuất chìm đâu đó trong bóng lớn của một thành phố, một thời thanh xuân mê mê tỉnh tỉnh…

Như thế đấy! Tôi đã đi và đã sống, đã đau khổ và mơ mộng, ghi chép lại cảm xúc bằng những tổ hợp ngôn ngữ nhiều nhạc điệu, rồi khóc, cười theo những đổi thay. Con đường ấy tôi đã dần gần về chặng cuối, nắng như thể vàng hơn sau những bão giông, mưa như thể dày hơn để làm mịt mờ ký ức, trăng như thể già hơn những đêm xanh huyễn hoặc tình mình…”. Phải chăng khi gần “về cuối chặng đường”, khi người ta đã nếm trải đủ mùi khổ đau và hoan lạc thì sẽ trở nên bình tĩnh và vị tha? Tôi nghĩ H.Man là một người như vậy. Cho nên trong tập thơ này, xúc cảm đa phần nghiêng về “thân phận và cuộc đời” một cách chậm rãi, nhẹ nhàng.

Tại sao lại là “Áo trở màu không”? Theo tôi, thì đó là một quan niệm trong tư duy của tác giả, khi đang tiệm tiến đến chặng cuối của đường đời thì tâm tính cũng đổi thay. Có phần “dễ dãi” hơn với chính mình, với cuộc đời. Màu áo trắng của một thời sân trường cửa lớp, màu áo Hoàng Hoa, áo xanh Tư Mã là biểu trưng của từng thời kỳ, từng giai đoạn sống mà tác giả đã từng sống cùng, sống với, đã từng sôi nổi yêu mình, yêu người và yêu cuộc đời. Giờ đến tuổi xế chiều, cuộc sống chừng như chậm lại, tâm tính đổi thay chung cùng những chiêm nghiệm và tĩnh lặng. “Áo trở màu rồi!” - nghe chừng như một tiếng than, một hoài tiếc về thời gian đi qua đời mình mà mình thì không nắm níu được gì? “Màu không” ở đây xem chừng như màu của khói sương cam chịu, màu của đơn quạnh sau những rượt đuổi mỏi mòn. Không sắc, không cầu, không tưởng. Đơn giản là “chiếc áo khoác cuộc đời” ấy đã ngả màu, đã trở màu.

Giờ thì màu gì cũng được, lại chính là màu chiều của đời người, của quạnh quẽ, hoang lương… Có lẽ không phải là màu Thiền, cửa Phật theo suy tưởng “sắc sắc không không” mà nhà thơ Phùng Tấn Đông đã cảm nhận. Người sáng tác luôn có khát vọng làm mới những trang văn, trang thơ của mình. Gần đây, tôi đã đọc “Bàn tay mưa” của nhà thơ Nguyễn Chiến. Có lẽ khát vọng của Nguyễn Chiến để làm mới thơ mình là anh đã cố vượt qua những trì níu của các nhạc điệu từng mặc định ở các thể thơ, nhất là lục bát. Vì thế cấu trúc những bài thơ lục bát của Nguyễn Chiến có nhiều chỗ trúc trắc, ngắt chữ, nhả chữ khác thường cố tình phá vỡ cái âm điệu đều đều dễ gây nhàm chán trong thể loại này.

Sự mới mẻ thể hiện khát vọng làm mới trong sáng tác của H. Man lại khác, và đó cũng chính là phong cách của thơ anh, đơn giản nhưng hiệu quả: Sử dụng ngôn ngữ cũ nhưng đặt ở vị trí mới. Chẳng hạn những từ ngữ, câu thơ như “mảnh hồn viễn xứ”, “lạc dấu thuyền mơ”, “phố thị hoa vàng”, “đầu non mây trắng”, “xa mã thị thành”, “men khói xây thành”, “cỏ nội sương ngàn”, “khúc viễn mơ”, “ngọc nát châu chìm”… được coi như “những thi ảnh có tính điển phạm của thi pháp văn học” nhưng đặt trong ngữ cảnh mới, tinh thần mới sẽ trở nên lung linh huyền diệu và đầy chất thơ hiện đại.

Sự mới mẻ đáng ghi nhận nữa trong thơ H.Man ở tập này, như tôi đã trình bày ở trên, đó là xúc cảm phần lớn nghiêng về “thân phận và cuộc đời”. Khi viết về “Em”, ngày xưa buồn da diết, tưởng có thể chết được: “Trả mây về với thung đồi/ Chết trong nhau giữa đêm trôi kiệt cùng…” (Rượu trăm năm, tập “Những mảnh tình rời”) hoặc có khi buồn đến “chín nẫu”: “Em khuất chìm trong kỷ niệm/ Anh biết tìm đâu bây giờ/ Sóng vẫn thì thầm tiếng gọi/ Nghe mình chín nẫu bơ vơ…” (Tháng Năm và anh, tập “Dẫn dụ đêm”). Vẫn là “Em”, nhưng trong tập thơ “Áo trở màu không”, tác giả đã thôi không còn níu giữ mà chấp nhận, chỉ mình anh với hoa rụng ngày tàn: “Rạc rời những cánh vàng buông/ Vườn lòng tôi, xác hoa xuân rụng đầy/ Em cùng xuân mộng xa bay/ Tôi loay hoay với hoa ngày tàn phai…” (Đa cảm nhìn hoa rụng).

Trong tập thơ này, tác giả tập trung gửi tình mình cho những người thân và bè bạn. “Bên mộ chị”, viết cho người chị quá cố của anh. “Vọng tiếng muôn trùng” - tặng Lương Ngọc Long (người cháu gọi tác giả bằng cậu, đã qua đời) “Hương trà” tặng người bạn trà Như Giải… Đặc biệt, viết cho ngày sinh nhật mình, nhưng tác giả nghĩ và viết về mẹ: “Đêm rằm trở dạ mẹ sinh/ Có cây Mận trắng động tình trổ hoa/ Từng cơn đau xé thịt da/ Lều tranh mái dột mưa sa lạnh lùng…” (Mẫu nan nhật). Ngoài ra, còn nhiều bài viết về quê hương, hoặc những chuyến đi qua sự chiêm nghiệm và từng trải, bằng một hồn thơ dịu dàng, ấm áp, chân tình. Cảm ơn nhà thơ H.Man đã tặng cho tôi, cho bạn đọc và cuộc đời một tập thơ chan chứa tình cảm để được sống cùng chút tâm tình của đời người vào giai đoạn “Áo trở màu rồi”…

TRẦN THIÊN HƯƠNG

 
;
;
.
.
.
.
.