Trống tân học đuổi ma cổ hủ...

.

Hơn một thế kỷ trước, tiếng trống tân học ở đất Quảng được tôn vinh sứ mệnh “đuổi ma cổ hủ”, thu hút số người theo học lối mới ngày càng đông, tạo ra mối nguy cơ đối với nền thống trị của thực dân, phong kiến đương thời.

Chân dung Tiến sĩ Trần Quý Cáp (trái) và chí sĩ Lê Cơ (phải) - người sáng lập trường tân học Phú Lâm. Ảnh: Tư liệu
Chân dung Tiến sĩ Trần Quý Cáp (trái) và chí sĩ Lê Cơ (phải) - người sáng lập trường tân học Phú Lâm. Ảnh: Tư liệu

Một cải cách lớn trong giáo dục

Khác với lối học nặng về tầm chương trích cú, khoa cử (thường gọi là cựu học), tân học là khái niệm để chỉ nền học vấn mới, được các nhà Duy Tân đất Quảng xem là một trong những nội dung hoạt động cơ bản của phong trào Duy Tân nhằm thực hiện chủ thuyết: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Theo các nhà nghiên cứu, tính đến năm 1908, số trường tân học ở Quảng Nam đã lên tới số trăm. Trong đó, Phú Lâm (thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình; nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) là trường tân học ra đời sớm nhất, tháng 4-1904, do chí sĩ Lê Cơ (1870-1918) - anh em cô cậu ruột với chí sĩ Phan Châu Trinh - sáng lập.

Tác phẩm Huỳnh Thúc Kháng, con người và thơ, văn (1876-1947) của Nguyễn Q. Thắng cho hay, các trường tân học ở Quảng Nam tuân thủ 8 phương châm cơ bản: (1) Học theo lối mới, tức là vừa học chữ, học các môn khoa học, vừa học thực nghiệp; (2) Luôn nêu cao tinh thần dân tộc, dân quyền; (3) Xây dựng ý chí cương quyết, dù khó khăn, dù bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, đe dọa hành hình cũng không sờn lòng; (4) Không màng công danh, không coi trọng bằng cấp, chức tước, tin ở năng lực của mình; (5) Luyện thân thể cường tráng; (6) Ra sức phụng sự xã hội; (7) Tin ở khoa học và thực nghiệp: lập hội học, hội buôn, hội trồng cây, hội mặc âu phục; (8) Đề cao nam nữ bình đẳng.

Cố học giả Nguyễn Văn Xuân, trong cuốn Phong trào Duy Tân, cho biết thêm: “Vượt lên trên một bậc, Trần Quý Cáp còn dám gây dựng tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các học viên ở các trường… Mỗi lần khảo hạch, ngày rằm, mồng một thì học trò tụ họp lại, trường này dẫn sang trường kia theo thời khóa biểu luân chuyển để học sinh làm bài thi chung với nhau. Do đó, họ dễ quen biết nhau, thi đua, trao đổi kinh nghiệm và cũng là cách du ngoạn, học địa lý, hiểu biết dân tình thực tế nhất. Nhờ những cuộc tập hợp tứ phương về một trường học mà khu vực trường học bỗng thành ra ngày hội hè, gây thông cảm giữa học trò và nhân dân do sự tiếp xúc thân mật. Có thể nói đó là những cuộc tuyên truyền rộng lớn cho Phong trào Duy Tân và cũng là một cải cách lớn trong giáo dục của ta”.

Từ tiếng trống đuổi ma cổ hủ đến cái án Mạc tu hữu

Trống được dùng trong các trường tân học để báo hiệu giờ học. Trống cũng được sử dụng để các nhà Duy Tân tập hợp người dân đến nghe diễn thuyết. Trống tân học không chỉ cổ vũ tiến trình nâng cao dân trí ở nông thôn mà còn tạo ra dấu ấn lớn lao về mặt văn hóa, tư tưởng, như lời thơ của chí sĩ Lê Cơ: Trống tân học đuổi ma cổ hủ/ Mõ dân quyền khéo gõ nên kêu.

Chính quyền thực dân, phong kiến đương thời rất sợ phong trào Duy Tân nên dĩ nhiên cũng sợ luôn cả... tiếng trống tân học. Ngày 15 tháng 12 năm Duy Tân thứ nhất (hạ tuần tháng 1-1908), Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung có trát sức cho các tổng, xã (làng) trong tỉnh, nhắc lại lời Công sứ Pháp là ngoài việc từ nay cấm Trần Quý Cáp, Giáo thọ phủ Thăng Bình, mặc âu phục đi lại các xã đánh trống tụ tập dân diễn thuyết, còn lệnh cho các tổng, xã thông báo cho dân biết từ nay không được đánh trống tụ tập diễn thuyết, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật, những lý dịch nào không thực hiện nghiêm lệnh này cũng bị xử phạt”. Đối với các trường tân học, Tổng đốc Quảng Nam ra quy định: Trống phủ mới được đánh ba hồi để quan phủ ra tiếp khách, còn trống trường chỉ đánh một hồi để học sinh vào học.

Một hôm đến thăm trường Quảng Phước (làng Phước Kiều, nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) gần phủ Điện Bàn, nghe cái lệnh “trái khoáy” đó, Tiến sĩ Trần Quý Cáp liền viết bài thơ “Cái trống”: Trống trường, trống phủ, trống lung tung!/ Trống cũng quan dân mới lạ lùng!/ Trống đánh mấy hồi mà lớn tiếng?/ Dăm mòn, da mỏng cũng như không.

Bài thơ “nghịch” đến tai Tri phủ Trần Văn Thống. Y liền báo tòa Công sứ Pháp đóng cửa trường Quảng Phước. Hiệu trưởng Nguyễn Phiên phải mời Trần Quý Cáp cùng đến nhờ vị Linh mục ở nhà thờ An Ngãi vô điều đình với Công sứ Pháp, trường này mới tiếp tục việc dạy học.

Sau sự việc trên, Tri phủ Trần Văn Thống bẽ mặt, càng thêm thù hận Tiến sĩ Trần Quý Cáp. Kịp đến khi bị dân phủ Điện Bàn cưỡng bức lên xe kéo xuống Tòa Công sứ Hội An trong vụ xin xâu năm 1908 và được thực dân Pháp giải thoát, y cho lính đến lục soát nhà Cử nhân Phan Thúc Duyện, làng Phong Thử, bắt được lá thư của Trần Quý Cáp, liền gửi vào ngay cho quan tỉnh Khánh Hòa để trả thù. Thư ấy chỉ có câu: “Cận văn ngô châu thử cử, khoái thậm! Khoái thậm!” (Gần đây được nghe tỉnh ta cử hành việc ấy, sướng lắm! Sướng lắm!).

Quan tỉnh Khánh Hòa liền bắt cụ Trần giam vào ngục, rồi một mặt cho vào nhà lục soát các thư từ qua lại để tìm cho ra manh mối làm tang chứng. Chúng soát được thư của ông Trần Huỳnh Sách, một học trò thân tín của cụ Trần, vừa mới gửi vào, vỏn vẹn chỉ có mấy câu: “Ngô hạt Đại Lộc sĩ phu tổ chức khất sưu, tuần nhựt diên cập toàn kỳ, thử ngô bối bình nhựt, tư tưởng chi sở bất cập”. (Sĩ phu huyện Đại Lộc tỉnh ta tổ chức xin xâu tuần nhựt mà gần khắp Trung Kỳ, sự ấy bình nhựt chúng ta không nghĩ đến).

Cả hai thư đều chứng tỏ Trần Quý Cáp không có tham dự, không chủ mưu về việc xin xâu. Thế mà quan tỉnh Khánh Hòa lại cho rằng Trần Quý Cáp thế phát (cúp tóc), Âu trang (mặc đồ Tây) là mưu vãng tha quốc (mưu ra nước ngoài) bội nghịch đích tình, ghép ông vào tội bất trung, bất hiếu và lập tức xử chém. Người đời gọi cái án đó là Mạc tu hữu, nghĩa là không cần có tội danh gì cũng xử!

Cố học giả Nguyễn Văn Xuân từng có nhận xét: “Không rõ việc ông (Trần Quý Cáp) bị đổi vào Nha Trang năm 1908 có phải vì y (Trần Văn Thống) "sàm tấu" không, nhưng chắc chắn là cái chết cùng năm ấy của ông, Thống đã dự một phần "công" không nhỏ”.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.