Tuổi thơ mùa lụt

.

Nhà tôi sát con sông Bình Long, bây giờ nó chỉ còn lại như một con mương lớn ấm ức đôi bờ, chứ hồi xưa khi tôi còn nhỏ, nó trong xanh và với sức vóc mới tập bơi nó đủ mênh mông để thử thách lòng gan dạ “qua sông” của tôi. Cũng chính gần sông nên tuổi thơ tôi gắn liền với bến nước Thai La, với những “Chiều theo cha ra bến/ Biền lả ngọn dâu xanh…”. Nhớ gì nhất? những mùa nước lụt quê tôi.

Những mùa mưa đợi cá, mùa nắng tắm sông trở thành kỷ niệm theo mình suốt đời.  Ảnh: TƯỞNG DƯƠNG
Những mùa mưa đợi cá, mùa nắng tắm sông trở thành kỷ niệm theo mình suốt đời. Ảnh: TƯỞNG DƯƠNG

Biền dâu xanh ngắt một màu

Ai cũng gắn liền với một dòng sông nào đó, sông là sự ám ảnh như một hoài niệm, sông nuôi dưỡng ta thời trai trẻ, sông tượng trưng cho sự bình yên và là chất liệu bất tận cho thơ ca. Với tôi gần là sông Bình Long, xa một chút là sông Cái (Thu Bồn), hai con sông gắn liền tuổi thơ. Những mùa mưa đợi cá, mùa nắng tắm sông trở thành kỷ niệm theo mình suốt đời. Sau này được đi nhiều nơi, được đến bên những dòng sông mà tên của nó in đậm vào lòng mình trong những giờ học địa lý, những Bạch Đằng, Hồng Hà, Cửu Long, Hương Giang… nó không chỉ là sông mà là khúc ruột của lòng thương nhớ, nhưng trong đó dòng sông quê tôi là một sự lay động sâu sắc nhất.

Hai bên bờ sông người quê tôi gọi con đất ấy là biền. Biền dâu xanh ngắt một màu, đất ở đó là đất mật, do phù sa thường xuyên bồi đắp và gần nước nên được trồng tỉa trên đất ấy là một may mắn. Dẫu qua mấy chục năm, những triền dâu, mè, sắn… vẫn xanh nghịt trong hoài niệm của tôi về một thời bình yên no ấm. Bây giờ sông vẫn còn nhưng không còn cảnh sắc ngày xưa, cây đa bến nước vĩnh viễn không còn. Cảnh thì đổi thay nhưng “Trời hành cơn lụt mỗi năm” vẫn là nỗi lo lớn.

Tháng Mười (âm lịch) là mùa nước lên. Ngày đó không có dự báo thời tiết, cha tôi nhìn mây, nhìn nắng mà đoán chừng. Đến tận bây giờ tôi không rõ đúng sai, nhưng có một việc ông nói mà sau mấy chục năm tôi nghiệm ra rất đúng, đó là khi thấy những bông lau bên hàng duối ngoài vườn nở trắng thì cha tôi nói “hết bão”. Đó không phải là lời dự báo mà là sự thông báo chính xác. Không biết có phải tự nhiên có một sự truyền giống kỳ diệu khi cây cối cũng biết khai hoa lúc đất trời hết gió tơi bời?

Đó là bão chứ lụt thì chẳng ai nói trước được, thường thì vào cuối tháng Chín (âm lịch), sau những cơn mưa lớn kéo dài thì lụt tràn về. Không báo trước nhưng hình như ai cũng ngấm ngầm một sự mong đợi nước lụt tràn bờ. Thứ nước lên ngày đầu ấy chẳng hiểu sao được gọi là “nước bạc”, mẹ tôi nói nó độc lắm, nếu ngâm lâu thì sẽ bị “hà ăn chưn”. Lũ nhỏ tụi tôi cắt mấy đoạn thân cây chuối kết lại làm bè, chống quanh vườn là một thú vui đặc biệt như tâm trạng của những người thám hiểm tìm ra miền đất mới. Còn người lớn thì chèo ghe ra sông, ra biền. Thường là vớt củi, nhưng thân cây nhỏ lềnh phềnh được đem về, nhưng chẳng mấy ai dám giỡn với lũ xiết.

Có một công việc mà anh cả tôi xem như một niềm vui lớn: kéo cá. Sáng sớm anh vác vó ra đám ruộng rộc tìm chỗ nước chảy nhẹ và thả vó. Cứ năm bảy phút một vó được cất lên, những rô, cửng đầu mùa búng nhảy khiến mắt ai nhìn cũng sướng, nhiều nhất vẫn là cá nhỏ, đủ loại được gọi chung là cá cấn. Một ngày thẳng thớm tới chạng vạng, anh cả mang vó về với một thùng thiếc cá. Cái trả cá cấn kho nghệ nó quấn lấy tuổi thơ tôi, bây giờ thỉnh thoảng được ăn cá cấn kho nghệ nó thấm thía mặn mà như mình gặp lại người quen.

Có những món ăn mà hình như ngon nhất là vào những ngày bó gối chờ nước rút, bắp rang, bánh xèo có thể nói xếp vào sách vở nhân từ. Chiếc lá mít làm muỗng xúc bắp rang giã nhỏ được ngào đường cả nhà đều mong chờ, tôi có cảm giác đó không phải là bắp rang mà là những hạt mầm hạnh phúc. Bánh xèo là món cao cấp, hình như mỗi năm mới được một hai lần. Mẹ âm thầm chuẩn bị mấy ngày, rồi xay bột, lấy “trùng” (tỷ lệ bột, nước…), củi lửa, lá chuối… những chiếc bánh nóng hổi, chút thịt mỡ, hành lá… Khi bánh vừa chín, mềm và có những bóng nhỏ nổ đều mời gọi, mẹ đổ ra cái sàng lót lá chuối. Rau sống cải con, chuối chát, chén mắm ớt bột… Cái âm thanh “xèo” ấy nó thơm suốt cả tuổi thơ tôi.

Kinh hoàng trận lụt năm Thìn

Bắt đầu là những trận mưa rách lá, kéo dài hơn mười ngày liên tục. Nước lên nhanh ngoài tưởng tượng, đầu đêm nước lấp xấp mắt cá chân, nửa đêm lên ngang ngực và đến sáng nước lút đầu. Bàn, giường lần lượt được kê cao. Cha tôi treo chiếc chỏng tre lên sát mái nhà. Ban đầu còn lo heo gà, lúa gạo nhưng về sáng tất cả chỉ cầu trời khấn Phật cho được sống. Nhà tôi là nhà tranh, cột kèo bằng tre là chính, cha tôi trước đó mấy ngày đốn tre về chọi bốn góc, sau mấy ngày mưa dầm nước xoáy nên đất quanh các cây cột bị lỏng ra, thành lổ tròn quanh chân cột, ngôi nhà vì vậy bị chao qua nghiêng lại theo dòng chảy xiết của nước. Lên mười, tôi nhớ rõ cảm giác run sợ tột cùng khi nghĩ tới ngôi nhà tranh này sẽ trôi theo dòng nước dữ, tôi sẽ xa cha mẹ tôi… mà hình như cha mẹ tôi cũng sợ hơn tôi nữa.

Có những trận lụt mang lại niềm vui, phù sa của lụt làm cho ruộng đồng tươi tốt, và đó cũng là cách tăng độ phì quan trọng nhất. Thêm nữa, mỗi khi lụt tràn qua đồng là cách vệ sinh hữu ích, chuột và sâu bọ giảm đi đáng kể. Mùa nước nổi Nam bộ là điển hình của sự no đủ “tôm cá đầy ghe”. Nhưng cũng có những trận lụt mang đến tang thương vô kể. Trận lụt năm Thìn, tháng 11-1964 in hằn nỗi kinh hoàng mà lứa tuổi chúng tôi, những người bấy giờ chín, mười tuổi không bao giờ quên. Hình như có “điềm” báo trước là nhật thực và trận bão lớn năm trước, cũng có người nhắc tới hiện tượng “cá thần” mà làng trên xóm dưới, cả Huế, Quảng Ngãi… cũng lũ lượt lên Bàu Quyền (Đại Lộc) xin nước thần về chữa trăm bệnh. Thần thánh không hẳn nhưng cơn lụt lịch sử năm Thìn là thiên tai mà sự chết chóc, thiệt hại luôn được ghi nhớ là một trong những trận lụt kinh hoàng nhất lịch sử.

Bắt đầu là những trận mưa rách lá, kéo dài hơn mười ngày liên tục. Nước lên nhanh ngoài tưởng tượng, đầu đêm nước lấp xấp mắt cá chân, nửa đêm lên ngang ngực và đến sáng nước lút đầu. Bàn, giường lần lượt được kê cao. Cha tôi treo chiếc chỏng tre lên sát mái nhà. Ban đầu còn lo heo gà, lúa gạo nhưng về sáng tất cả chỉ cầu trời khấn Phật cho được sống. Nhà tôi là nhà tranh, cột kèo bằng tre là chính, cha tôi trước đó mấy ngày đốn tre về chọi bốn góc, sau mấy ngày mưa dầm nước xoáy nên đất quanh các cây cột bị lỏng ra, thành lổ tròn quanh chân cột, ngôi nhà vì vậy bị chao qua nghiêng lại theo dòng chảy xiết của nước. Lên mười, tôi nhớ rõ cảm giác run sợ tột cùng khi nghĩ tới ngôi nhà tranh này sẽ trôi theo dòng nước dữ, tôi sẽ xa cha mẹ tôi… mà hình như cha mẹ tôi cũng sợ hơn tôi nữa.

Sáng ra trời tạnh nhưng cảnh tượng chết chóc bắt đầu hiện ra. Cha tôi giở tấm tranh trên mái nhìn ra ngoài, bốn bề mênh mông nước và chảy xiết. Những bụi tre ngoài vườn giờ chỉ còn thấy lất phất ngọn, hàng xóm cũng giống nhà tôi, nhà nào nước cũng mấp mé mái. Tôi lấm lét nhìn ra, những mái nhà tranh trôi nhanh theo dòng nước có người bu bám trên đó, im lặng và bất lực. Hình như họ không còn sức để kêu cứu, và dẫu có ghe thì cũng chẳng ai dám chèo ra giữa dòng nước dữ. Không gì cản được dòng nước xiết, im lặng trôi, im lặng chờ chết. Sau này tôi nghe kể có nhiều gia đình họ lấy dây thừng cột tay cả nhà lại để khi ra biển chết không lạc nhau.

Cha mẹ tôi lặng lẽ cam chịu trong tận cùng nỗi sợ hãi, có lẽ đây là nỗi sợ chết chóc cụ thể đầu đời của tôi. Hình ảnh những mái nhà và người dân bám trên đó chờ chết là réo gào thảm thiết bất tận cho quê tôi ngày ấy. Có nhiều số liệu về trận lụt năm Thìn, cả vạn người dân Quảng Nam và Quảng Ngãi đã chết, có làng từ chỗ gần 1.500 người chỉ còn lại mươi người sống sót. Nhà cửa, gia súc, gia cầm, hoa màu… thì vô kể. Lịch sử gọi đây là cơn đại hồng thủy năm Thìn.

“Cầu cho mưa thuận gió hòa”

Tôi đã vài lần theo dòng sông Thu đi ngược lên Hòn Kẽm, Đá Dừng, một vùng quê thanh bình với nhiều thay đổi, kinh tế có bước phát triển, nhà ngói thay cho nhà tranh ở hầu hết các nơi tôi qua. Nhưng nói chung vẫn là vùng quê nghèo khó hơn các nơi khác, tôi đã qua những làng mạc ngày xưa chết chóc, những Cà Tang, Đông An, Trung Phước… hỏi các cụ ai cũng thở dài khi kể lại những ngày chết sống năm xưa. Làng làm giỗ chung, con cháu sống sót sau trận lụt kinh hoàng ấy, hầu hết bỏ xứ đi làm ăn xa, nhớ ngày tang chung thì về lại quê xưa thắp nén nhang cho những người đã khuất, để mừng mình còn sống, mừng quê hương đổi thay.

Sau mỗi trận lụt là bao nỗi cực nhọc, khổ nhất là không có lương thực và nước uống. Giếng bị ngập và ô nhiễm nặng, gạo thì chua mục… ngày ấy cả làng đói vàng mắt, phải mấy ngày sau mới có đồ cứu trợ. Cảnh nhai gạo sống cầm hơi nhiều người phải trải. Rồi thêm chuyện dọn nhà, sợ nhất là “bùn non”, chỗ nào cũng đầy bùn, sách vở tơi tả, áo quần vốn cũ sau mấy ngày ngâm nước bùn nó sền sệt muốn bục ra. Cái mùi cơm gạo mục nấu với nước lắng ấy nó cứ chua chua miết cả tháng trời, mỗi lần nhớ lại là một lần kinh hãi.

Nhất thủy, nhì hỏa. Xưa nay lũ lụt gây thiệt hại vào loại lớn nhất. Nhưng những cơn đại hồng thủy tiếc thay không giảm theo sự phát triển của khoa học, công nghệ, thiên tai càng ngày càng khốc liệt. Sông không gây ra lụt, lụt là do mưa, do thủy văn, tầng ozon bị ảnh hưởng, rừng bị khai thác tận kiệt là những nguyên nhân chính gây nên sự tàn phá nặng nề. Miền Trung sông suối nhiều, dốc và lưu vực nói chung hẹp, năm nào cũng lo đối phó thiên tai bão lụt, nhưng số người thiệt mạng, tài sản bị cuốn trôi… năm nào cũng xảy ra.

Mưa thuận gió hòa là ước mơ lớn nhất của con người, không thể chống thiên tai nhưng con người có thể phòng và tránh. Hồi nhỏ mong lụt để được giỡn nước và được… nghỉ học, lớn lên sợ lụt như sợ giặc. Thủy lợi vốn được con người nghiên cứu, phát triển nhiều nhưng xem ra việc đầu tư phòng tránh thủy hại vẫn chưa được tập trung ngang mức yêu cầu. Năm nay trời lại hành cơn bão và lũ lớn, sáu mươi năm…

MAI LANG

;
;
.
.
.
.
.