* Văn Miếu Huế được xây dựng ra sao và chịu sự biến thiên như thế nào theo thời gian? (Nguyễn Văn Trí, Hòa Vang, Đà Nẵng).
- Văn Miếu hay Văn Thánh là cách gọi tắt của Văn Thánh Miếu, ngôi miếu thờ vị Thánh về văn (Khổng Tử) - người được hậu thế tôn vinh là Vạn Thế Sư Biểu (Người thầy của muôn đời). Ngôi miếu này thường có nhiều tên gọi khác: Tiên Sư Miếu, Khổng Tử Miếu, Chí Thánh Miếu, hoặc có nơi gọi là Chí Thánh Tiên Sư Miếu. Vì thế, cách gọi “Văn Miếu Huế” xem ra không chuẩn xác, lẽ ra nên nói đầy đủ là “Văn Miếu ở Kinh thành Huế”.
Bên trong Đông Vu và Tây Vu có 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn. Ảnh: V.T.L |
Tài liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, ở nước ta, việc lập miếu thờ đức Khổng Tử sớm nhất được sử sách ghi lại là vào năm Canh Tuất (1070) dưới triều Lý. Vua Lý Thánh Tôn cho lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử cùng các học trò của ông là Chu Công, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử để thờ.
Các triều đại kế tiếp như Trần, Hồ rồi Hậu Lê vẫn duy trì miếu thờ Khổng Tử của nhà Lý. Đến thời vua Lê Thánh Tôn bắt đầu cho dựng bia ghi tên Tiến sĩ, khởi đầu từ khoa thi dưới triều vua Lê Thái Tôn. Tổng số bia còn đến hiện nay là 83 tấm. Dưới triều Nguyễn công trình mang tính điển lễ này vẫn được bảo quản giữ gìn, và vì Thăng Long Hà Nội không còn là kinh đô nên nơi đây trở thành Văn Miếu riêng của Hà Nội.
Trong thời kỳ các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu cũng được thiết lập ở Phú Xuân và được xem như Văn Miếu riêng của Đàng Trong, nhưng không rõ thời điểm xây dựng, chỉ biết địa điểm tại làng Triều Sơn. Đến năm Canh Dần (1770) dưới triều của Định Vương Nguyễn Phúc Khoát, Văn Miếu được dời đến xã Long Hồ.
Đến khi nhà Nguyễn gây dựng cơ đồ, Văn Miếu của cả triều đại và cũng là của toàn quốc lúc này mới được chính thức xây dựng uy nghi đồ sộ vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long ở địa điểm hiện nay, bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh Thành.
Trước sân miếu, có 2 nhà bia. Đó là bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (tức vua Minh Mạng) viết về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Nhà bia còn lại là của Hiến Tổ Chương Hoàng Đế (tức vua Thiệu Trị) nói về việc họ hàng bên ngoại của vua không được tham gia vào việc chính quyền.
Bài viết “Văn Miếu Huế - Đánh dấu một thời hưng thịnh của Nho giáo triều Nguyễn” đăng trên trang mia.vn cho biết thêm, từ cổng Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là ngôi đại điện thờ Khổng Tử, tên gọi là Đại Thành Điện. Hai bên là hai ngôi nhà bảy gian đối diện nhau, gọi là Đông Vu và Tây Vu, bên trong có 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Văn Miếu (Huế) đã được trải qua nhiều lần tu sửa và xây dựng thêm một vài công trình phụ, làm mới đồ thờ cúng ở bên trong các gian thờ vào những năm 1818, 1822, 1895 và cuối cùng là năm 1903.
Năm 1947, thực dân Pháp đã tàn phá Văn Miếu (Huế). Nhiều công trình, khuôn viên bên trong chỉ còn lại nền móng, tất cả trở thành hoang phế. Cho đến một vài năm trở lại đây, nhiều du khách nước ngoài đến và chụp những bộ hình tại Văn Miếu đã giúp cho nơi này trở thành một trong những địa điểm được nhiều người yêu thích.
Gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn Văn Miếu, di tích không còn nét hoang tàn đổ nát như trước.
ĐNCT