* Mẹ tôi vừa đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng chữa bệnh, được các y, bác sĩ tại đây thực hiện phương pháp “Hỏa long cứu”. Bà không rõ nguồn gốc phương pháp chữa bệnh này ra sao mà có tên gọi như thế và hiệu quả của nó như thế nào. Mong quý báo giải thích giùm (Nguyễn Thị Hoàng, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Lương y Phan Công Tuấn thực hành Hỏa long cứu cho một bệnh nhân tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
- Châm và cứu là hai phương pháp chữa bệnh khác nhau, có thể kết hợp với nhau hoặc dùng từng phương pháp đơn lẻ. Châm có nghĩa là dùng kim châm vào vào huyệt vị. Cứu là dùng mồi ngải hay điếu ngải (chế từ lá ngải cứu để lâu năm) đốt lên hơ nóng trên huyệt vị, thông qua đó tác động lên hệ thống kinh lạc có tác dụng điều trị bệnh.
Hỏa long cứu là phương pháp cứu cải tiến mới ghi nhận lần đầu trong một cuốn sách của NXB Quân y nhân nhân Trung Quốc năm 2007. Đây là phương pháp kết hợp 3 trong 1: cứu ấm kinh lạc, chườm nóng rượu thuốc và bấm huyệt, tác động cột sống; hình thành trên cơ sở lý luận châm cứu truyền thống kết hợp với tri thức tiết đoạn thần kinh của y học hiện đại.
Lương y Phan Công Tuấn đã biên dịch, nghiên cứu ứng dụng, cải tiến và phổ biến phương pháp này lần đầu tiên với tên gọi mới là Tốc cứu (cứu nhanh) đăng trên Tạp chí Cây Thuốc Quý, số 120, 11-2008. Sau đó ông báo cáo tham luận tại hội thảo khoa học Môn thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh của đồng bào các dân tộc, tôn giáo Việt Nam do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 16-7-2013.
Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng đã triển khai thí điểm phương pháp này để chữa bệnh lần đầu tiên từ năm 2014 và đã đưa vào ứng dụng, đánh giá hiệu quả trong một đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố (đã nghiệm thu cuối năm 2017). Kết quả nghiên cứu đề tài này đã được công bố trên Tạp chí Y học Thực hành (Bộ Y tế xuất bản) số 1105/2019.
Khi tiến hành chữa trị bằng Hỏa long cứu, thầy thuốc cho người bệnh nằm ở tư thế thoải mái để vùng huyệt được cứu hướng lên trên. Đoạn, tẩm cồn xoa bóp trên các dải vải xô và trải lên mạch Đốc (giữa cột sống lưng), hoặc trên mạch Nhâm (trước bụng), hoặc các vùng huyệt đang đau, hoặc các đường kinh có bệnh. Sau đó dùng một khăn lông ẩm (đã nhúng nước vắt kiệt) trùm phủ lên toàn bộ vùng kinh huyệt cần cứu. Tiếp theo dùng một số dải khăn lông cắt nhỏ, cho vào lọ cồn vắt cho ướt đều, đặt lên trên khăn vải ẩm, tương ứng vị trí dải vải tẩm cồn xoa bóp bên dưới. Khi đốt lên, lửa sẽ bốc cháy chạy dài trên lưng hoặc bụng trông như một con rồng lửa (vì vậy phương pháp này đặt tên là Hỏa long cứu).
Hỏa long cứu có tác dụng ôn thông khí huyết, điều hòa âm dương, cường tráng cơ thể, đặc biệt là giảm mỏi, giảm đau nhanh. Hỏa long cứu điều trị rất hiệu quả các chứng bệnh: đau thần kinh, cơ xương khớp; đau lưng, cổ, vai gáy do thoái hóa cột sống; đau dạ dày do tỳ vị hư hàn; nam giới nhược dương, tiểu đêm nhiều; phụ nữ thống kinh, lãnh cảm, hiếm muộn; đặc biệt có thể hỗ trợ điều trị giảm béo, làm đẹp…
Bộ Y tế ký Quyết định số 1291/QĐ-BYT ngày 12-2-2018 chính thức ban hành quy trình kỹ thuật Hỏa trị liệu chuyên ngành y học cổ truyền. Đến nay đã có 7 bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh trên cả nước được tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật “Hỏa long cứu” từ Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng, gồm: Sơn La, Nghệ An, Thái Bình, Lào Cai, Quảng Bình, Bình Định, Thừa Thiên Huế.
ĐNCT