Không gian trưng bày “Bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng” vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chính thức ra mắt công chúng với mong muốn mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa và di sản mỹ thuật quý của Việt Nam.
Bà Thụy Khuê xem tranh Lê Bá Đảng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: T.Y |
Trở về cùng dòng tranh quý
Chúng tôi gọi sự có mặt của ông bà Lê Tất Luyện, Thụy Khuê (Việt kiều Pháp) tại lễ công bố không gian trưng bày “Bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chiều 1-11 là cuộc trở về đặc biệt trong hành trình tôn vinh giá trị mỹ thuật Việt Nam. Bởi lẽ, ông bà là người lưu giữ nhiều bộ sưu tập tranh quý hiếm của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng giai đoạn đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng…
Người yêu nghệ thuật thị giác ở Đà Nẵng hẳn còn nhớ, tháng 6-2022, tại thủ đô Paris, ông bà Lê Tất Luyện, Thụy Khuê đã thảo lá thư điện tử gửi Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
Lá thư có đoạn: “Lê Bá Đảng là họa sĩ lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX, tác phẩm của ông bao trùm nhiều lĩnh vực sáng tác, đề tài, tư tưởng và tất nhiên có chỗ đứng xứng đáng trong lòng người Việt. Vì thế, bên cạnh việc đưa bộ sưu tập Lê Bá Đảng đến Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi quyết định trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hơn 40 tác phẩm của họa sĩ. Các tác phẩm này, ngoài giá trị nghệ thuật, còn có giá trị giáo khoa cho học sinh hội họa, bởi nó phô bày không những kỹ thuật sáng tác mà cả con đường tư tưởng của họa sĩ, từ những bước đầu, năm 1960…”.
Nhận thấy đây là cơ hội bổ sung nguồn tranh quý, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nhanh chóng đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức đoàn công tác sang Pháp tiếp nhận tranh.
Họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - thành viên đoàn công tác kể lại, những ngày trên đất Pháp, đoàn công tác được ông bà Lê Tất Luyện, Thụy Khuê đón tiếp chu đáo, cũng như tạo điều kiện giúp đoàn hoàn thành công việc đóng gói, vận chuyển bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng về Đà Nẵng. “Ban đầu, ông bà dự định tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng 43 bức tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng, nhưng sau những chia sẻ, chuyện trò, ông bà đã quyết định tặng toàn bộ bộ sưu tập tranh Lê Bá Đảng mình đang giữ, gồm 253 hiện vật, trong đó có 131 tác phẩm nghệ thuật và 16 bản tạo hình trên đá, 19 bản kẽm in, 71 khuôn tạo hình, 16 dụng cụ chế tác”, họa sĩ Nguyên Kha nhớ lại.
Sợi dây kết nối đó đã khiến sự có mặt của vợ chồng ông bà Lê Tất Luyện, Thụy Khuê tại lễ công bố không gian trưng bày thêm ý nghĩa. Ông Hà Thanh Vân, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nói rằng, món quà ông bà mang đến không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là những thông tin, kỷ niệm gắn liền với tên tuổi họa sĩ Lê Bá Đảng. “Họ là những con người đã gắn bó và góp phần lan tỏa tinh thần Lê Bá Đảng, một họa sĩ để lại nhiều dấu ấn lớn lao trong lòng người yêu mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời giúp mọi người nhận thức rõ hơn sức mạnh của nghệ thuật trong việc kết nối tâm hồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở những người con xa xứ”, ông Vân đúc kết.
Lan tỏa giá trị mỹ thuật Lê Bá Đảng
Sau khi tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ khoa học cho từng hiện vật, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tiến hành cải tạo và chỉnh lý một phần không gian trưng bày chuyên đề tại tầng 3 thành không gian trưng bày “Bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng”. Nhờ đó, người yêu nghệ thuật thị giác Đà Nẵng có cơ hội chiêm ngưỡng 151 tác phẩm tranh, tượng, thảm, sách, tư liệu, dụng cụ tạo tác… bao quát cuộc đời, tư liệu và phong cách sáng tác của họa sĩ Lê Bá Đảng.
Không gian trưng bày thiết kế giàu tính nghệ thuật, tạo sự gần gũi, thân thiện với người xem. Các tác phẩm được sắp xếp khoa học nhằm giúp khán giả dễ dàng theo dõi hành trình nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng, từ nét vẽ đầu tay đến những sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân. Bà Thụy Khuê cho rằng giá trị nghệ thuật và tư tưởng nhân đạo trong tranh Lê Bá Đảng là câu chuyện cần tiếp tục nghiên cứu và lan tỏa. Bởi lẽ, đằng sau mỗi tác phẩm của ông là một câu chuyện, một dòng cảm xúc và tâm tư của người nghệ sĩ.
Theo bà Thụy Khuê, phương Đông là nguồn cảm hứng nghệ thuật của Lê Bá Đảng, là nơi ông tìm kiếm sự khác biệt trong các sắc thái hội họa so với nghệ thuật phương Tây. Bà đơn cử, dòng tranh “Bàn chân Giao Chỉ” khiến nghệ thuật Lê Bá Đảng trở nên khác biệt và có dấu ấn riêng. Dòng tranh này lấy cảm hứng từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, xoay quanh trục chính là những bàn chân vừa vô hình, vừa hữu hình, vừa chung, vừa riêng của nét văn hóa Á Đông.
Trong khi đó, dòng tranh “Thiền xanh”, “Có có không không”… bắt nguồn từ văn hóa Phật giáo, nơi nhìn thấy sự chuyển động của vạn vật, thuyết nhân quả và sự tĩnh lặng trong tâm hồn. “Điểm đặc biệt trong tranh Lê Bá Đảng là góc nhìn của ông khá bao quát, như cách ông chọn cho mình vị trí ở trên cao nhìn xuống để có thể nhìn rõ và kết nối toàn bộ hiện tượng, sự vật với nhau.
“Điều này tạo nên không gian nghệ thuật bảo đảm chiều sâu và chiều rộng, giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm, cũng như hiểu được những triết lý nhân sinh mà ông muốn truyền đạt, giải bày”, bà Thụy Khuê đúc kết.
TIỂU YẾN