Bên ngoài trang báo

.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo Đảng địa phương, Báo Đà Nẵng còn có nhiều hoạt động bên ngoài trang báo, gắn với đời sống báo chí sôi động của thành phố. Cùng với những chương trình hoạt động xã hội thì việc tổ chức các phong trào thể dục - thể thao cũng để lại dấu ấn, thương hiệu của báo như giải Việt dã - chạy Vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng, giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng và đặc biệt là giải Thể thao Báo Đà Nẵng, được ví như “game show” với quá nhiều cung bậc cảm xúc. 

Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam (bìa trái) trao giải Nhất tại Giải bóng đá Báo Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: T.T
Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam (bìa trái) trao giải Nhất tại Giải bóng đá Báo Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: T.T

Năm 2008, Cuộc thi pháo hoa quốc tế được Đà Nẵng lần đầu tiên được tổ chức. Mỗi người dân thành phố ánh lên niềm tự hào, trong đó có người làm báo Đà Nẵng. Lúc đó, Phó Tổng Biên tập, Chi Hội trưởng Chi hội nhà báo Báo Đà Nẵng Trương Công Định gợi ý và cũng giao cho tôi là ủy viên Ban Thư ký Chi hội tổ chức các hoạt động phong trào. Theo đó, giải thể thao Báo Đà Nẵng với 2 nội dung thi đấu gồm: bóng đá mini và cờ tướng hình thành ngay trong năm.

Ngày hội của nghề báo

Giải chính thức được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2008 và duy trì đến năm 2020. Với 12 mùa giải được tổ chức thành công; mỗi giải lại đong thêm nhiều kỷ niệm đối với người làm báo ở thành phố. Giải lần thứ Nhất tổ chức tại Nhà thi đấu Thể thao Bưu điện (50B, Nguyễn Du, phường Thạch Thang). Các đội dự giải bóng đá gồm: Báo Đà Nẵng, Báo Công An thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Văn phòng Báo Thanh Niên, Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại miền Trung và Liên quân khối báo chí Trung ương tại Đà Nẵng.

Với tiêu chí khơi gợi phong trào rèn huyện thể dục - thể thao, gắn kết tinh thần đoàn kết, kết nối và giao lưu tinh thần đồng nghiệp trong những người làm báo ở thành phố, ở địa phương với các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện báo chí bộ, ngành và Trung ương trên địa bàn thành phố.

Giải bóng đá Báo Đà Nẵng lần thứ Nhất năm 2008 vỡ òa cảm xúc ngay trước giờ khai mạc. Cầu thủ, cổ động viên í ới chào nhau, tay bắt mắt mừng bởi lần đầu có sự gặp gỡ khá đông đủ người làm báo, nhiều thế hệ làm báo khi đó có người biết tên trên mặt báo nhưng chưa biết mặt; có người biết mặt nhưng chưa kịp nhớ tên bởi gặp thoáng qua trong vài sự kiện tác nghiệp báo chí. Bởi vậy, giải Bóng đá Báo Đà Nẵng là ngày hội của nghề báo và được ví như một “game show” vui hết cỡ.

Năm đầu tiên của giải, đội bóng đá Văn phòng Báo Tuổi trẻ tại miền Trung (Báo Tuổi Trẻ) lên ngôi vô địch. Nhặt vài chuyện vui ở mùa giải đầu tiên phải nhắc đến chuyện “việt vị” của các đội bóng (ngoài đội vô địch). Chuyện là, giải tổ chức theo hình thức bóng đá mini trong nhà (bán fusal) nên có sử dụng bóng thi đấu fusal. Loại bóng này kích thước nhỏ và… rất nặng so với loại bóng thi đấu sân cỏ ngoài trời.

Vào thi đấu, do có hiểu biết trước về loại bóng thi đấu cùng với sự tập luyện, rèn thể lực nên đội bóng Báo Tuổi trẻ băng qua vòng bảng, vòng bán kết và vào chung kết đều thắng dòn giã như chẻ tre. Các đội bóng khác thì cầu thủ vào sân thi đấu hồn nhiên, ban đầu còn sức đá bóng thấy nhẹ, càng về cuối trận, chân như đeo chì, sút mấy bóng cũng chỉ lăn ra vài mét. Thậm chí đứng trước các loạt sút luân lưu chỉ vài mét trước cầu môn vẫn sút bóng vẫn không bay vì quá nặng. Khi kết thúc giải, dự gala liên hoan, các đội chưa đoạt giải cao đều phân bua: đá thua là do… trái bóng nặng quá ?!.

Cầu thủ là vậy còn cổ động viên thì phải dành cho đội chủ nhà - Báo Đà Nẵng. Cổ động viên đội nhà phủ kín cả khán đài, cổ vũ hò hét; khua trống, đập xèng (nắp nồi từ nhà mang lên), thổi tù và như những đợt sóng, vang động cầu trường. Nhà báo Hữu Trà (nguyên phóng viên Báo Thanh Niên) nhận xét: Đội hình cổ động viên Báo Đà Nẵng luôn xứng đáng trao giải thưởng riêng.

Về chuyên môn, đội bóng chủ nhà (Báo Đà Nẵng) thực sự được nhà báo Nguyễn Chung Anh quan tâm hết nấc, cứ mỗi trận đấu đội nhà ra sân anh băng theo đường biên hò hét, chỉ đạo đấu pháp, tiếp nước… Nhưng cũng hào sảng, trào phúng phân tích: “Ngọc Phú có sức khỏe nhưng lối di chuyển trên sân bóng của em giống... con robot”.

Thực sự lần nào vào sân Ngọc Phú cũng xuất phát, chạy băng băng về phía cầu gôn đội bạn và khựng lại… như robot tua hết dây cót. Trọng Hùng thì có lối chơi bóng theo kiểu “gà ăn bọ xít”, cứ vào sân là chạy lòng vòng, lòng vòng… Về các đội bóng khách mời cũng xuất hiện những nickname, gắn với phong cách thi đấu như Xuân Đương, Phú Nam (Báo Công an Đà Nẵng) "Đương máy ủi", "Nam máy quét" ...

Về giải Cờ tướng, nguyên Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn đã có chỉ đạo tổ chức thường xuyên vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 từ nhiều năm trước. Ở thời điểm này giải được nâng tầm về quy mô, mở rộng đối tượng tham gia đến các cơ quan quận, huyện ủy; các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy. Việc tổ chức thi đấu cũng quy củ, chuyên nghiệp từ dụng cụ, thể thức thi và có cả trọng tài đến từ Sở Văn hóa- Thể thao.

Sân chơi trí tuệ này cũng chộn rộn chẳng kém bên ngoài sân cỏ của môn bóng đá. Các cờ thủ chủ nhà vốn đã biết sức lẫn nhau nên tránh gặp (chộ) nhau ở những vòng thi đầu. Hể tránh thi đấu với tay cờ hay như Huỳnh Văn Quang hay Nguyễn Văn Anh là các tay cờ Kiều Đức Thịnh, Lê Thanh Gián, Nguyễn Chung Anh… mừng húm.

Hồi nớ hên hên, Phó Tổng Biên tập Trương Công Định (sau này làm Tổng Biên tập) đấu thắng tay cờ Văn Anh liền phán “Văn Anh mà kể dô”.  Phong trào chơi cờ tướng để giải trí sau giờ làm việc phát triển mạnh ở thời gian công tác của Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn. Nhiều lần nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh sau buổi chiều làm việc là qua sân sau Báo Đà Nẵng, 42 Trần Phú đấu cờ tướng. Dù đấu dợt, đấu chơi vẫn “hạ thủ bất hoàn”, giữa “lính” và “sếp” có thắng, có thua nhưng các tay cờ của báo… thua nhiều hơn thắng.

Nguồn năng lượng được khơi gợi

Mười hai mùa giải bóng đá do Báo Đà Nẵng tổ chức cũng chứng kiến những trận derby, kỳ phùng dịch thủ rất đáng chờ đợi hằng năm giữa Báo Đà Nẵng - Công an thành phố Đà Nẵng; Báo Tuổi Trẻ - Báo Thanh Niên. Tính chất derby thể hiện 2 đội cùng là cơ quan báo chí địa phương; cùng là báo chí thường trú và chất lượng chuyên môn gần đồng đều. Nếu các trận derby bóng đá giữa Báo Tuổi Trẻ - Báo Thanh Niên là các lần thi đấu tranh chức vô địch thì đội Báo Đà Nẵng - Báo Công an Đà Nẵng là các trận tranh thứ hạng Ba.

Cầu thủ đội Báo Đà Nẵng thì “đá thua ai thì thua chứ không được thua đội Báo Công an Đà Nẵng”. Đội Báo Tuổi Trẻ cũng vậy, “gặp Báo Thanh Niên thì phải thắng” và ngược lại. Do từ sự quyết tâm này mà đội bóng đá Báo Tuổi Trẻ liên tiếp 3 lần đoạt cúp vô địch vào các mùa giải năm 2008, 2009 và 2010. Báo Thanh Niên là… vua về Nhì. Đội bóng đá Báo Đà Nẵng và Báo Công an thành phố Đà Nẵng thay nhau giữ vị trí thứ Ba.

Năm 2010, Báo Công an thành phố Đà Nẵng đứng ra tổ chức giải bóng đá riêng. Đội bóng đá Báo Đà Nẵng từ là đơn vị chủ nhà các lần tổ chức giải bóng đá nay qua làm khách mời tham dự giải. Lần này đội bóng đá Báo Đà Nẵng lên ngôi vô địch, nhận cup ở Làng Thể thao Tuyên Sơn. Thành viên đội bóng vui một thì Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc vui đến mười. Chiếc Cup được trưng bày, lưu giữ một cách trân trọng tại phòng khách cơ quan số 42 Trần Phú. Thành tích của đội bóng có dấu ấn của Tổng Biên tập Mai Đức Lộc là “nâng cấp chất lượng” đội hình cầu thủ thi đấu với 2 tiền đạo như Bá Sanh, Lâm Hùng, cùng với sự "già rơ" của tiền vệ Phó Tổng biên tập Hứa Hải, trung vệ Thư ký Tòa soạn Việt Dũng…

Có lần, đội bóng Báo Đà Nẵng đang thi đấu trong sân Nhà thi đấu Thể thao Bưu điện, anh em cơ quan thoáng thấy Tổng Biên tập Mai Đức Lộc đến cổ vũ, nhưng ai ai cũng nhìn miết ở các khán đài đều không thấy. Sau này mới biết Tổng Biên tập có tâm sự: “Không biết răng chớ mỗi lần tau đến sân cổ vũ là đội nhà… thua. Nên núp đó”.

Dẫu thi đấu có thua, có thắng nhưng thua đối thủ mạnh hơn thì Tổng Biên tập Mai Đức Lộc thương các thành viên đội bóng cơ quan như em, như con cháu mình. Có mùa giải thi đấu thua liểng xiểng, vậy mà Tổng Biên tập Mai Đức Lộc vẫn cười hiền, nói: “Tùng, em nói đội bóng sau 5 giờ chiều nay tập hợp lại, anh mời bữa bia”. Vậy là, hơn 10 thành viên của đội cùng Tổng Biên tập Mai Đức Lộc, Phó Tổng biên tập Trương Công Định kéo ghế ngồi ven vỉa hè đường Phạm Văn Đồng… nâng ly. Một nguồn năng lượng được khơi gợi để rồi mỗi thành viên đội bóng khi trở về với công việc của mình, lại tiếp tục cho ra những bản tin hay, những bài báo chất lượng đến với bạn đọc mỗi ngày…

Nâng tầm và lan tỏa

Từ một giải bóng đá phong trào của Báo Đà Nẵng, sân chơi này luôn khơi dậy tinh thần rèn luyện thể thao của những người làm báo trên địa bàn. Tổng Biên tập Báo Mai Đức Lộc đã chỉ đạo “nâng tầm” tổ chức giải bóng đá có quy mô lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Theo đó, Báo Đà Nẵng đã ra mắt Giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng vào năm 2012. Cụ thể, ngày 23-2-2012, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ra Quyết định thành lập Ban tổ chức Giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Đà Nẵng lần thứ Nhất (2012).

Theo đó, giải đã được tổ chức hằng năm tại Cung thể thao Tiên Sơn, truyền hình trực tiếp trên kênh sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Giải thu hút đông đảo học sinh các cấp tiểu học, trung học cơ sở trên toàn thành phố tham gia. Giải cũng được đưa vào hệ thống thi đấu của ngành thể thao thành phố và được Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VPF quốc gia cử huấn luyện viên như Mạnh Cường, Phương Nam... đến dự giải, tìm kiếm tài năng để đào tạo. Giải được duy trì đến năm 2021 thì tạm ngưng vì ảnh hưởng của Covid-19.

Cũng từ giải bóng đá phong trào do Báo Đà Nẵng tổ chức lần đầu vào năm 2008, phong trào tập luyện thể thao của người làm báo trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ, nhất là môn bóng đá. Hiện thành phố hình thành 2 CLB bóng đá quy tụ đội ngũ những người làm báo thành phố như CLB bóng đá phóng viên Đà Nẵng (JFC), CLB bóng đá nhà báo xứ Quảng (XQFC). Các CLB duy trì tập luyện và tham gia thi đấu hằng năm.

JFC là thành viên tích cực trong việc xây dựng thương hiệu “Giải bóng báo chí miền Trung”, tính đến năm 2024 giải đã 10 lần tổ chức. XQFC cũng tổ chức và tham gia thi đấu giao lưu ở các giải tại thành phố và tỉnh Quảng Nam. Báo Công an thành phố Đà Nẵng (nay là Chuyên trang của Báo Công an Nhân dân) cũng dần nâng tầm giải đấu của mình ngày càng chất lượng, năm 2024 tổ chức thành công giải lần thứ 14.

Chút công sức bé nhỏ của mình trong việc hình thành một giải bóng đá và một số hoạt động phong trào khác của những người làm báo thành phố, tôi nhận được là sự yêu thương của tập thể cơ quan, của đồng nghiệp cùng tên gọi thân mật: “ông Bầu, bầu Tùng” hay “Tùng MC”. Và, cứ mỗi độ gần đến dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, các đồng nghiệp báo bạn lại hỏi “Ông Bầu, Báo Đà Nẵng năm nay tổ chức giải chứ. Alo anh em tham gia liền”. Là rứa, giải Bóng đá Báo Đà Nẵng, “thương hiệu” Báo Đà Nẵng nhẹ nhàng hòa nhịp cùng đời sống, sinh hoạt của người làm báo, gắn bó mật thiết với nhân dân thành phố. Ở đó là sân chơi ý nghĩa, bổ ích cho người làm báo địa phương cũng như các đồng nghiệp đang công tác ở các cơ quan báo chí trên địa bàn.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.