Thầy Lê Trí Viễn dạy cho tôi rất nhiều điều qua cuộc đời, qua những trang viết, qua những buổi nói chuyện của thầy. Trong bài viết này, tôi chỉ xin trình bày 4 bài học mà tôi tâm đắc.
Giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Trí viễn lúc sinh thời. Ảnh: Tư liệu |
Điều thứ nhất tôi học ở thầy là ý chí. Nếu không có ý chí có lẽ chúng ta không có Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn tầm cỡ như bây giờ. Thầy kể: Mãi đến năm 13 tuổi thầy vẫn chưa biết bơi. Lý do, chị cả của thầy bị chết đuối nên gia đình dứt khoát không cho thầy tắm sông. Thấy bạn cùng lứa bơi lội, vùng vẫy trên sông, thầy thèm lắm. Thế là thầy quyết định trốn ra Huế học bơi cho bằng được. Không chỉ biết bơi mà thầy còn bơi khá giỏi. Bọn trẻ trong làng không đứa nào bơi nhanh và khỏe như thầy.
Sau khi trở thành thầy giáo tiểu học, với nhiều người khi được dạy ở tỉnh nhà (Điện Bàn, Quảng Nam) thì họ đã an phận, nhưng thầy thì không. Thầy quyết định lặn lội ra Huế xin làm giám thị ở trường Quốc Học, với mục đích được học ké một số môn (chủ yếu là Toán và Triết) để thi tú tài 2. Chỉ bằng hình thức học ké (đứng nghe lõm ngoài cửa sổ phòng học), thầy đã thi đỗ cùng với 14 thí sinh (trong số hàng trăm thí sinh dự thi). Ý chí đã giúp thầy không ngừng vươn lên, từ một giáo viên tiểu học trường làng trở thành giáo viên trung học rồi giáo sư đại học nổi tiếng cả nước.
Điều thứ hai tôi được học là sự quyết tâm tự học của thầy. Khi học ở trường Pháp - Việt thầy đã có một ít vốn liếng tiếng Pháp, còn chữ Hán thì thầy tự học là chủ yếu. Thầy là một trong những người đầu tiên viết giáo trình Văn học Trung đại Việt Nam ở bậc đại học. Các tác phẩm Văn học Trung đại hầu hết được viết bằng chữ Hán Nôm, nếu không có vốn liếng Hán Nôm làm sao hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều (Nguyễn Du), thơ Hồ Xuân Hương, Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ…
Không chỉ tự học ngoại ngữ, thầy còn tự đồi đắp cho mình những kiến thức lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của thời Trung đại. Nhờ thế những bài viết của thầy vừa có chiều sâu tư tưởng, chiều rộng kiến thức, chiều cao trí tuệ.
Niềm say mê văn chương, say mê nghề dạy học và tinh thần lao động không mệt mỏi của thầy là điều may nắm thứ ba tôi được học ở thầy. Cả cuộc đời, thầy dành hết cho văn chương. Thầy không chỉ dạy văn, viết nghiên cứu, tiểu luận, phê bình, viết giáo trình mà thầy còn sáng tác cả truyện ngắn và thơ. Thầy có 4 câu thơ được nhiều người nhắc nhở: Đêm Kim Trọng sang nhà Thúy Kiều/ Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn nhỏ ngọn đèn/ Anh đến với em đêm thần tiên ấy/ Trăng với đèn chếnh choáng hơi men… Tôi phục nhất là cách nói: “Nguyễn Du tắt bớt trăng”. “Vặn nhỏ ngọn đèn” là cách nói thông thường, nhưng “tắt bớt trăng” thì phải là một thi sĩ rất mực tài hoa mới viết nổi.
Thầy đã dành hẳn 75 năm cho nghề dạy học. Đó là một minh chứng cho tình yêu nghề “vô bờ bến” của thầy. Thầy có hai câu thơ đáng để cho các giáo viên dạy văn suy ngẫm: "Dạy văn dạy nghĩa, dạy tình/ Dạy văn mà cũng dạy mình, dạy ta". Nói “dạy văn là dạy người” còn chung chung. “Dạy văn dạy nghĩa, dạy tình” thì đích đến của dạy văn được xác định cụ thể hơn. Tổng tập Lê Trí Viễn gồm 7 quyển với gần 6.000 trang in (khổ lớn) do NXB Giáo dục ấn hành năm 2006 là kết quả của một quá trình lao động cần mẫn, công phu của thầy. Sức nghĩ, sức sáng tạo, sức viết của thầy thật đáng nể phục!
Điều thứ tư tôi học được là những tìm tòi, phát hiện của thầy trong lĩnh vực bình giảng thơ. Bình giảng thơ là công việc đòi hỏi có vốn sống, có trình độ, có khiếu thẫm mỹ, tinh tế và nhạy cảm. Nhà thơ thì nhiều nhưng những người bình thơ tài năng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong đó phải kể đến thầy. Tôi đã đọc những bài bình giảng của thầy cách đây mấy chục năm nhưng đến nay vẫn còn nhớ như in. Khi bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh, thầy có những phát hiện hết sức tinh tế.
Nguyên tác chữ Hán: "Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ/ Cô vân mạn mạn độ thiên không/ Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng". Bản dịch thơ của Nam Trân: "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không/ Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng".
hông ít người đã phân tích, bình phẩm cái hay, cái sâu sắc của bài thơ này, nhưng phải đến thầy Lê Trí Viễn, bước đi của thời gian mới được thầy phát hiện qua vòng quay của chiếc cối xay. Cô gái miệt mài xay, xay một cách kiên nhẫn, âm thầm. Xay, xay mãi. Vòng cối xay cứ trở đi, trở lại: “ma bao túc...” ở cuối câu trên, được lặp lại ở đầu câu dưới, đảo thành “bao túc ma”... cứ đều đều như thế, nhẫn nại như thế, cứ lặp đi, lặp lại như thế cho đến khi xay xong thì trời đã tối lắm rồi, lửa đã rực hồng lên. Theo thầy: Bài thơ không hề có chữ tối nào nhưng qua bếp lửa hồng, người đọc nhận biết mặt trời đã lặn từ lâu. Tác giả lấy sáng để tả tối. Nhưng điều này đọc lướt qua không thể cảm nhận ngay được. Bởi vậy, người đọc hết sức cảm ơn những phát hiện mới mẻ này của thầy.
Ấn tượng nhất đối với tôi là khi đọc bài bình giảng đoạn trích "Trao duyên", thầy đã phát hiện nghệ thuật sử dụng từ ngữ tài tình của Đại thi hào Nguyễn Du trong câu: "Cậy em, em có chịu lời". Hơn ai hết Kiều hiểu rằng bắt Thúy Vân phải “chắp mối tơ thừa” là Thúy Vân phải chịu hy sinh.
Vậy nên, Kiều khẩn khoản: “Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa... Theo thầy, cậy là vừa nhờ cậy vừa tin cậy. Cậy bao hàm cái ý hy vọng, thân thiết, có ý nương tựa, gửi gắm, tin tưởng nơi quan hệ ruột thịt. Nếu dùng chữ nhờ thì bấy nhiêu nghĩa đều nhạt hết. “Chịu lời” là vừa nhận lời vừa phải chịu thiệt thòi, chịu hy sinh, là một sự chấp nhận, bắt buộc, còn nhận thì tùy lòng. Kiều muốn Thúy Vân không được từ chối lời đề nghị của mình. Tất cả các trường hợp thuyết phục Kiều đều dùng lý lẽ, riêng trường hợp này, Kiều chủ yếu thuyết phục bằng tình cảm. Kiều phải đem cả tình máu mủ, ruột thịt để nhờ cậy: "Ngày xuân em hãy còn dài/ Xót tình máu mủ thay lời nước non". Nói đến như vậy, Thúy Vân còn nỡ nào từ chối.
Đó là 4 bài học vô cùng quý giá mà tôi học được từ thầy Lê Trí Viễn.
Huế, 4 -11-2024
MAI VĂN HOAN