Chờ con trước cổng trường

.

Mỗi ngày tôi lại chở con đến trường, chờ đón con bên gốc cây trước cổng trường, giữa cảnh người xe chen chúc, nén mình trong sự đan xen của bao cảm xúc khác nhau để rồi được mừng vui đưa tay vẫy khi thấy con mình xuất hiện giữa đám đông bạn bè huyên náo...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cũng như rất nhiều người đến trước cổng trường chờ đón con như tôi. Đa số không quen biết nhau, nhưng đứng chờ cùng nhau ngày này qua ngày khác rồi thành quen. Có thể không biết tên nhau, nhưng quen mặt, quen cả... con cái của nhau luôn. Bởi vậy, có khi người này chưa tìm thấy con mình trong đám đông thì người khác đã phát hiện ra “con anh/ chị kia kìa”. Những cuộc chờ đợi, kiếm tìm giữa oi ả nắng hay tầm tã mưa nhờ vậy mà bớt nhọc nhằn và ngắn hơn chút ít.

Và cứ thế, sau đôi lần chuyện trò, có người nhận ra là bà con xa, là đồng hương của nhau, rồi dần dà kết thân. Có những người, hỏi han một lúc thì biết có chung một vài mối quan hệ, sự liên đới nào đó trong xã hội, trong công việc. Có khi, từ một câu nói bâng quơ, tình cờ của ai đó, rằng “thằng nhóc kia chưa bao giờ thấy cha đi đón”, để rồi sau đó là một đáp án đầy sẻ chia: “Cha cháu nhỏ là quân nhân, đóng quân ở biên giới”, và cũng có khi là một đáp án nghe nhoi nhói: “Nghe nói cha mẹ ly hôn, cháu nó ở với mẹ...”. Rồi chuyện giá cả thị trường, chuyện cơm áo, chuyện nắng mưa, bão lũ cùng bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất...

Nhưng được nói, được nhắc đến nhiều nhất vẫn là chuyện trường lớp, chuyện học hành của con cái. Là chuyện về một học sinh mồ côi, nhà nghèo nhưng ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi...; là chuyện về một cô giáo có gia cảnh khó khăn nhưng luôn tận tụy, hết lòng với trường lớp, với học sinh.

Và, những câu chuyện dạng này thường kết lại bằng những ánh nhìn cảm thương hay tiếng thở dài đầy chia sẻ. Cũng không thiếu những lời kể thầm thì, kín đáo, nhưng đủ cho cả nhóm người cùng nghe. Là chuyện thầy giáo này dạy hay, cho điểm “mắc”. Là chuyện cô giáo kia nghiêm khắc, công bằng. Là chuyện thầy giáo nọ dạy thêm nhiều hơn dạy chính khóa... Và khi con xuất hiện ở “điểm hẹn” sau giờ học, lại có đủ các kiểu chào đón. Người thì kêu tên con thật to, người thì chỉ vẫy tay ra hiệu cho con biết là “ba/ mẹ ở đây”.

Có người trìu mến hỏi “bữa nay con đi học có vui không?” và cũng có người đón con bằng câu hỏi không ít áp lực “bài kiểm tra của con được mấy điểm?”...

Rất đông người đưa đón con đi học hằng ngày. Nhưng không phải ai cũng đến đón con đúng giờ. Thỉnh thoảng tôi bận việc cơ quan, không đi đón con. Về muộn, ngang cổng trường của con, thấy một số cháu nhỏ còn ngồi chờ cha mẹ bên vỉa hè, dưới gốc cây, trong dáng vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Đôi lần tôi dừng xe hỏi nhà ở đâu và ngỏ ý chở về giúp nhưng các cháu đều từ chối. Hẳn là cha mẹ của các cháu rất nóng ruột, lo lắng và các cháu cũng vậy. Nhưng cứ chờ. Khoảnh khắc cha mẹ, con cái gặp nhau như đã hẹn, tại “điểm hẹn” - dù chỉ sau một buổi học thôi, hẳn là rất ấm áp, xúc động, khó có thể tả thành lời và khó có gì thay thế được!

Rất đông người đưa đón con đi học hằng ngày. Nhưng cũng có không ít cháu hầu như không hề được người thân đưa đón. Các cháu tự đến, tự về - bằng xe đạp hoặc đi bộ. Các cháu tự do, vô tư tung tẩy, tự quyết nấn ná đùa vui hay ra về ngay. Nhưng thi thoảng, trong những khoảnh khắc ngắn ngủi bất chợt, tôi vẫn kịp nhận ra nơi ánh nhìn của các cháu một sự thèm thuồng được mẹ cha đón đưa như chúng bạn! Tôi nói với con, rằng ngày xưa ba mẹ đi học không hề được người lớn đưa đón như thế này nhưng không hề thấy buồn, thấy tủi, vì hồi đó ai cũng như thế. Con xin được trải nghiệm cảm giác ấy. Tôi đã phải rất đắn đo mới dám gật đầu đồng ý, vì ngoài kia đường sá đông đúc người xe và bao nhiêu bất trắc, khó lường. Nhưng rồi mới chỉ được vài buổi tự do, con lại đề nghị ba mẹ tiếp tục đưa đón...

Mỗi ngày chỉ dăm ba phút tình cờ đứng cạnh nhau trước cổng trường chờ con, nhưng biết bao câu chuyện của cuộc đời được kể ra.

PHAN CHÍ ANH

;
;
.
.
.
.
.