* Tôi từng lang thang qua các sông ngòi và kênh rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cuối cùng vẫn không trả lời được câu hỏi của người bạn: Ở Nam Bộ có những chợ nổi nào nổi tiếng? Mong quý báo giải thích giùm. (Nguyễn Quang Tường, Hội An, Quảng Nam).
Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi nhộn nhịp và lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: T.L |
- Vùng Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng có một hình thức họp chợ rất độc đáo gọi là chợ nổi vì chợ họp ngay trên sông. Phần lớn nông sản hàng hóa ở chợ nổi được bán sỉ cho những thương nhân rồi từ đó được chuyển tới các nhà máy chế biến thực phẩm, hoa trái hay chở ra tận Hà Nội và các địa phương miền Bắc. Chợ nổi là nét sinh hoạt độc đáo của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tourdulichmientay.vn (Chuyên trang Du lịch miền Tây), miền Tây có 7 chợ nổi nổi tiếng: chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), chợ nổi Long Xuyên (tỉnh An Giang), chợ nổi Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), chợ nổi Cà Mau (thành phố Cà Mau).
Trong 7 chợ nổi nói trên, chợ nổi Cái Răng được xem là chợ nổi sôi động, nhộn nhịp và lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, bởi nó tọa lạc ở thành phố Cần Thơ - nơi thu hút du khách bậc nhất trong các tỉnh du lịch miền Tây.
Hơn 100 năm ra đời trên sông nước, chợ nổi Cái Răng là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa khi giao thông đường bộ ở khu vực này chưa được phát triển. Là một trong 3 chợ nổi và là biểu tượng văn hóa du lịch đặc trưng của thành phố Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu tháng 7-2016.
Nằm dọc theo sông Cần Thơ từ cầu Cái Răng kéo dài khoảng 2km tới vàm Ba Láng, chợ nổi Cái Răng là đầu mối giao thương, buôn bán giữa các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chợ Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ 6km, họp khá sớm, từ lúc mờ sáng đến khoảng 8-9 giờ. Muốn tham quan chợ nên đi sớm bằng thuyền từ bến Ninh Kiều, sau khoảng 30 phút sẽ được tận mắt thấy cảnh mua bán diễn ra trên sông nước.
Từ sáng sớm, gần 400 ghe thuyền của khách thương hồ các nơi cập bến, neo đậu. Người ta mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, tạo nên một bức tranh sinh động, huyên náo, đầy sức sống đặc trưng của một chợ nổi trên sông của xứ “Gạo trắng nước trong”.
Nét độc đáo của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy giá cả không rẻ so với các chợ khác, nhưng điều hấp dẫn du khách là cây trái tươi ngon cùng với nét đặc trưng của vùng sông nước. Từ xa những chiếc thuyền đậu san sát nhau trưng bày những sản vật tươi ngon nhất của các địa phương Nam Bộ như: quýt Lai Vung, bưởi Năm roi, chôm chôm, sầu riêng, mít, ổi... “Cửa hàng” trên các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, muốn rao bán gì thì người ta treo cái đó trên cây sào, gọi là “cây bẹo”. Đây là kiểu quảng cáo, rao hàng độc đáo chỉ thấy ở chợ nổi miền Tây.
Do nhu cầu của đời sống thời hiện đại, chợ nổi mở thêm một số dịch vụ khác trên các xuồng nhỏ để dễ len lỏi phục vụ khách như: phở, hủ tiếu, cà phê, nhậu lai rai… Góp mặt cùng với đó, hoạt động đờn ca tài tử làm giàu thêm nét văn hóa đặc sắc vùng Đồng bằng sông nước Cửu Long...
Dọc ngang trên sông nước trong làn gió mát trong lành, giữa tiếng động cơ các loại hòa quyện với tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng mời chào khách đon đả,... một nét văn hóa đầy hồn sông nước khiến cho cả du khách nước ngoài cũng “phải lòng”...
ĐNCT