Ghe buôn nguồn chở hồn văn hóa

.

Từ xa xưa, nghề buôn nguồn ở đất Quảng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và thúc đẩy giao thương mà còn gắn liền với sự ra đời các địa danh và di sản văn hóa phi vật thể độc đáo.

Bến Dầu Đại Thạnh (ảnh trái) và ghe bầu trên sông Hoài (Hội An) ngày nay. Ảnh: V.T
Bến Dầu Đại Thạnh (ảnh trái) và ghe bầu trên sông Hoài (Hội An) ngày nay. Ảnh: V.T

Những điểm hẹn một thời vang bóng

Theo Bài ca địa chí Quảng Nam, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, Quảng Nam có 6 ngõ nguồn: Hữu Bang sát núi Trà My/ Chiên Đàn thì lại ở về phía trong/ Thu Bồn một dải cong vòng/ Ô Gia thì ở bên dòng sông Con/ Lỗ Đông sát núi Cao Sơn/ Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân.

Thuở xưa, nghề buôn nguồn khá phát đạt. Lấy được một ông “chồng nguồn” là niềm mơ ước của bao cô gái: “Có duyên lấy đặng chồng nguồn/ Ngồi trên ngọn gió có buồn cũng vui”. Ông “chồng nguồn” trong câu ca này không phải là ông chồng quê ở trên nguồn mà là thương lái miền xuôi lên xuống ở miệt nguồn. Họ dùng ghe chở hàng hóa đến miền ngược thường là gạo, muối, cá khô, đường, đậu, tơ, vải, đồ gốm,… hoặc theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Hàng hóa đem về là những đặc sản của núi rừng: dầu rái, mật ong, mật gấu, xương cọp, nhung nai, ngà voi, thơm, chuối mít, trầu, cau, mây nước, chó săn đã thuần dưỡng,…

Địa danh Bến Trầu (còn gọi là Bãi Trầu) bên sông Bung chỉ địa điểm người Cơ tu gùi trầu nguồn từ trong núi tập trung tại đây để đổi hàng của thương lái từ dưới xuôi lên: “Trầu nguồn ở tận sông Bung/ Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi”.

Ở xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) từng có phiên chợ Kinh - Thượng một thời vang bóng, để lại một địa danh lịch sử - văn hóa: Hội Khách. “Hội” có nghĩa là hội chợ, họp chợ; còn “Khách” chỉ đồng bào dân tộc thiểu số anh em từ Hiên, Giằng (nay thuộc các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam) xuống. Các phiên chợ tại Hội Khách (căn cứ vào quy ước tính theo tuần trăng) giữa người dân tộc thiểu số và các thương lái người Kinh diễn ra trong ngày, sau đó tan ngay, trả lại sự yên tĩnh vốn có của vùng đất này. Hình thức mua và bán này tồn tại đến đầu thế kỷ XX mới chấm dứt.

Địa danh Bến Dầu ra đời trong hoàn cảnh tương tự. Đây là bến sông nằm ở bờ Bắc sông Thu Bồn, trước kia thuộc tổng An Lễ, phủ Duy Xuyên, nay thuộc thôn Mỹ Lễ, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, cách chợ Thu Bồn và chợ Phú Thuận khoảng 10km đường thủy về phía Tây. Với lợi thế là một bến sông ở gần trước cửa rừng nên việc mua bán, trao đổi, vận chuyển lâm sản ở Bến Dầu xưa rất nhộn nhịp. Bên cạnh các loại gỗ quý, dược liệu, mây song, lá nón, đót, than củi…, nơi đây còn tập trung nguồn hàng dầu rái được khai thác từ những cánh rừng phía Tây huyện Đại Lộc và huyện Nông Sơn. Hàng trăm thùng dầu rái từ đây được đưa về Hội An tiêu thụ.

Nhu cầu cao về giao thương đã đưa chợ Bến Dầu thành chợ đầu mối lớn ở phía Bắc Quảng Nam, từng rộn ràng “trên bến, dưới thuyền”. Thương lái mua dầu rái miền xuôi thông qua các cư dân địa phương hành nghề thu mua, chế biến dầu rái. Hằng ngày, các cư dân này đến tận nhà của các thợ khai thác dầu rái để mua, góp từng đôi, ba thùng dầu, rồi lọc tạp chất, tập kết lại tại Bến Dầu để giao hàng theo lời dặn trước.

Cũng xin nhắc lại rằng, thời xưa, dầu rái chính là một trong những nguyên liệu chính dùng trong việc đóng, sửa ghe bầu ở Hội An. Với đặc tính là loại nhựa đông cứng khi khô, dầu rái được trộn với chai phà hoặc với xơ tre để bịt kín khoảng hở giữa các be với nhau, giữa be với long cốt, lô và một số vị trí khác trên ghe, chống thấm nước vào bên trong ghe. Bằng ghe bầu, những chuyến hàng từ phố Hội xuôi ngược từ Bắc vào Nam với những mặt hàng như đường, quế, mật ong, dầu phộng, đá vôi, cau khô, lúa gạo, vải vóc, sợi gai... đã góp phần thúc đẩy giao thương đường thủy, làm nên sự phát triển rực rỡ một thời của thương cảng Hội An nói riêng, xứ Quảng và Đàng Trong nói chung: “Tơ, cau, thuốc lá đầy ghe/ Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần”.

Sâu lắng điệu hò chèo thuyền (đò dọc)

Như là duyên nợ, hò chèo thuyền (đò dọc) gắn với nghề buôn nguồn. Các vị cao tuổi ở Đại Sơn (Đại Lộc) kể rằng, cứ khoảng bốn, năm giờ chiều, ghe chở lâm thổ sản từ các bến sông thượng nguồn xuôi về Hội An. Trước khi rời bến, mọi người ăn mì, bánh ú, bánh ít… của các ghe bán lưu động trên sông hoặc một số quán ăn cố định trên bờ, tạo nên sinh hoạt nhộn nhịp cả một khúc sông Thu Bồn, Vu Gia. Tiếng hò chèo thuyền của cô gái miền sơn cước Đại Lộc vút lên ngân nga, lắng vào không gian tĩnh mịch làm thư thái tâm hồn người nghe bên bờ sông nước: Hai ta như cá ở một bàu/ Tình còn nhân ngãi cựu, thấy nhau hoài hoài/ Chàng về nghĩ lại mà coi/ Gương lờ tróc thủy khó coi lắm ớ chàng…/ Hai ta chưa trọn lời vàng/ May ta không phụ nghĩa chàng, chàng ơi/ Buổi tiền duyên cha mẹ định rồi/ Không lẽ chàng lui về quán cũ, thiếp thì rời bến xưa…

Các thương lái Hội An cũng không phải tay vừa. Trên hành trình cùng nàng xuôi về phố Hội, chàng không bỏ lỡ cơ hội của một “sứ giả văn hóa”, cất tiếng hò giới thiệu cảnh vật quê mình đang rộn ràng, tràn đầy sức sống:… Ngồi buồn hút thuốc ăn trầu/ Chèo qua Tiệm Rượu, Câu Lâu những là/ Lửa chi lửa rực sáng lòa/ Lò gốm, lò gạch Thanh Hà là đây/ Đêm khuya phảng phất gió tây/ Người thương thức dậy bày lời đón đưa/ Ghe xuôi qua bến Phó Thừa/ Hội An đến đó, trời vừa sáng ra/ Hỡi người hoa nguyệt, nguyệt hoa/ Rạng mai đến Phố đôi ta trao lời…

Trong cuốn Chuyện văn hóa dân gian đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 2017), tác giả Phan Thị Mỹ Khanh - con gái nhà văn Phan Khôi - cho hay: “Đi đò dọc, còn được hưởng một cái thú nữa là nghe hát hò khoan… Vào quãng 11, 12 giờ khuya, khách đang ngủ, chợt nghe giọng hò cất lên từ sau tay lái: "Hò hơ… Gió nam thổi xuống lò vôi/ Ai đồn với bạn ta có đôi (mà) bạn buồn…". Từ "buồn" được ông lão lái đò ngâm dài ra, nghe sao mà não nuột!

"Hò ơ… Kể từ ngày bước xuống ghe buôn/ Sóng bao nhiêu gợn, dạ chàng buồn bấy nhiêu/ Cạnh bườm gió thổi hiu hiu/ Nước mắt ra, chàng chặm bốn múi giây lưng điều không khê…/ Hò ơ… Cuộc tâm tình thảm biết chừng mô/ Con cá lui về biển Bắc, bỏ chiếc nơm khô một mình…/ Khoan hò hợi hò khoan ơ…ơ…". Giữa mênh mông sông nước càng khuya, giọng hò của ông lái như loang rất xa, đến một nơi cùng trời cuối đất”.    

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.