Để cầu Rồng thêm sống động, biểu lộ dáng vóc lẫn thần sắc, hơn một thập kỷ qua, hành trình của lửa và nước góp phần làm nên sức hút, tạo dấu ấn riêng mỗi khi ai đó nhắc đến con Rồng độc nhất vô nhị bắc qua dòng Hàn giang đầy thơ mộng. Ít ai biết rằng, “cha đẻ” màn trình diễn phun nước trên cầu Rồng là kỹ sư Phan Đình Phương, người dốc đôi bàn tay lẫn khối óc hô biến nước hóa thành những làn sương mờ ảo phóng xa hơn 350m...
Cầu Rồng phun nước. Ảnh: Tư liệu |
Làm sao cấp nước lên miệng Rồng?
Trò chuyện cùng kỹ sư Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh, thật bất ngờ, trái với suy nghĩ người làm kỹ thuật khô khan, kiệm lời, kỹ sư Phương lại khác, giọng ông nhẹ nhàng, mang chút lãng tử, câu chữ “đẹp” đến từng âm vần. Đôi khi, để phá tan không khí ngột ngạt giữa hai người xa lạ, ông bất giác hát vài ca khúc đầy ngọt ngào, sâu lắng. Ông vui vẻ nói, mặc dù không qua đào tạo nhạc lý lẫn văn học nhưng ông đã sáng tác vài bài hát và in tập thơ “Thế đấy! Tình yêu”. Giờ đây, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông ngày đêm sáng chế và nói rằng, nghiệp sáng chế như vận vào thân, khó lòng dứt nổi…
Chựng lại đôi nhịp, tôi gợi nhắc về câu chuyện những ngày cuối tháng 2-2013, khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tìm đến và nhờ ông sáng chế Rồng phun nước. Sở dĩ, Bí thư biết đến ông bởi trước đó, tên tuổi ông sớm vượt ngoài biên giới với thiết bị chữa cháy “AFFA 1.500” phun 1 lít nước hóa thành 1.500 lít hơi sương. Sáng chế này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp 4 bằng độc quyền và được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới WIPO thử nghiệm, công bố và nhận sự đồng thuận từ 147 quốc gia.
Tiếp nối câu chuyện, ông chậm rãi kể, giai đoạn đó, cầu Rồng đã hoàn thành, phương án phun lửa gần như hoàn thiện nhưng phun nước đặt “dấu chấm hỏi” lớn. Dưới cái nắng chói chang khung giờ trưa, đứng ngắm công trình cầu thép lớn nhất thế giới, ông suy nghĩ, bằng mọi cách làm sao để nước lên miệng Rồng và khi thoát khỏi miệng Rồng phải mang tính nghệ thuật kèm “độ bổng” và “độ bay” tuyệt đối thì mới “đã”.
Nghĩ vậy, nhưng khi bắt tay vào việc lại phát sinh vô vàn vấn đề và hàng ngàn tình huống “oái ăm”, tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Ông mô tả, để cấp nước lên miệng Rồng, trước tiên, cần bồn chứa nước bằng thép chiều dài gần 15m và cao khoảng 5m. Bởi thời gian gấp, tìm khắp thành phố không ai gia công, ông bèn cậy nhờ người thầy (xin giấu tên), giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) hỗ trợ. May mắn, nhận cái gật đầu từ người thầy và mất hơn tuần để sáng chế bồn chứa.
Theo ông, bồn chứa hoàn thành nhưng theo nhiều lời gợi ý bắt buộc phải mạ kẽm nhằm bảo vệ cấu trúc thép, tăng tuổi thọ của bồn. Tuy nhiên, mạ kẽm là phương án ông từ chối bởi chi phí cao và quá trình mạ, nghiệm thu mất nhiều thời gian. Cuối cùng, ông nghĩ đến nhựa đường. Nhựa đường bám dính tốt, chịu nhiệt độ cao và chịu được áp lực của nước. Nói là làm, nhựa đường được mua về và nấu lên rồi quét mặt trong lẫn mặt ngoài của bồn chứa. Kế đến, việc di chuyển và chôn bồn dưới đầu cầu Rồng là câu chuyện dài. Ông cùng cộng sự loay hoay một ngày đêm mới có thể đặt bồn nước đúng vị trí.
“Bồn có nhưng nước lấy ở đâu, đặt ra nhiều câu hỏi. Ban đầu, ý kiến dùng nước sông nhưng tôi bác bỏ vì lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn đường ống, việc sửa chữa, đào bồn chứa lên là không dễ dàng.Vì vậy, tôi bắt buộc sử dụng nước sạch của thành phố. Ngặt nổi, đường ống nước thành phố chạy ở bên kia đường Trần Hưng Đạo, muốn rẽ ngang ống nối với bồn chứa chôn dưới cầu Rồng, buộc lòng tôi và anh em tiến hành đào đường, xẻ ống nước trong đêm. Cả đêm, chúng tôi phải chắp, vá, chôn lấp đường ống cho kịp tiến độ. Tiếp đến, bồn và nước đã có nhưng vì cầu đã hoàn thiện, để nối ống nước đường kính 0,4m lên miệng Rồng lại phát sinh thêm vấn đề.
Rất may mắn, vì giữa các nhịp cầu đều có khe giãn nở, lợi dụng điểm này, tôi chia ống nước lớn từ bồn chính thành nhiều ống nhỏ để dễ dàng chui lọt qua những khe giãn nở khá hẹp để đưa vào miệng Rồng”, kỹ sư Phan Đình Phương nhớ lại và bày tỏ, hành trình của nước cơ bản xong đến 90%, 10% còn lại là biến chuyển làn nước trên không trung sao cho thật đẹp, thật hoành tráng khi trình diễn.
Kỹ sư Phan Đình Phương |
Công nghệ “phun nước bùng nổ hơi sương”
Thú thực, ông ngập ngừng nói, đây là lần đầu tiên nhận làm công trình sáng chế phun nước. Bởi phun nước trên hệ thống có sẵn của máy chữa cháy khác với sáng chế phun nước ở những công trình hoàn thiện. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để ông vận dụng trí tưởng tượng, không qua phòng thí nghiệm, không phòng nghiên cứu, không qua trung gian. Công trình phun nước cầu Rồng cũng vậy, giây phút ban đầu, ông chưa biết phải làm gì, chỉ vận dụng trí tưởng tượng làm nên thành công. Nhờ đó, trí tưởng tượng trong ông cứ trải dài, tiếp nối những ý tưởng cần làm và cũng nhờ đó, ông chữa cháy và tháo gỡ nút thắt từng lỗ hỏng. Sáng chế phun nước trên cầu Rồng, như ban đầu ông muốn, nước phải “bay”, phải “bổng”, phải như những đám mây trắng xóa trên bầu trời, thắp lên hy vọng tương lai của thành phố phát triển rực rỡ. Vì vậy, để nước phun không bị rơi, bị ngắn, bị vỡ đường đi, ông áp dụng kỹ thuật phun nước bùng nổ hơi sương.
“Để kỹ thuật thành công, tôi đặt mua nén khí 3 piston. Máy nén khí đặt trên bồn chứa nhằm hút không khí ngoài trời nén cao áp vào bồn. Cụ thể, ở piston thứ nhất, nén không khí lên 5at sẽ chuyển sang piston thứ hai tăng lên thành 10at và lại chuyển sang piston thứ ba lên 15at. Như vậy, nước khi phun ra kèm khí sẽ hóa thành hơi sương, phóng xa theo đường thẳng. Chỉ tiếc rằng, nếu được làm từ đầu, tôi thiết kế ống phun nước chếch lên 45 độ sẽ bay xa và đẹp hơn. Lúc nhận công trình, cầu đã xong và tôi phải hạ thấp đầu phun xuống 30 độ để không chạm ống phun lửa. Vì thời gian gấp, tôi không phun thử nghiệm. Rất may, vào ngày khánh thành, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố tham dự, vỗ tay chúc mừng khi công trình phun nước được biểu diễn lần đầu tiên thành công.
Bởi không ai tưởng tượng rằng, Rồng có thể phun nước hóa hết thành hơi bay cao và bay xa hơn một nhịp cầu 350m với lưu tốc mỗi phút là 4.500m3 hơi sương bay ra. Đến nay, theo ước tính của ông, cầu Rồng phun nước hơn 5.000 lần mà chưa hề gặp sự cố nào", ông cho biết thêm.
Có thể nói, để cầu Rồng thực sự sống động, 14 năm qua, hành trình phun lửa và nước đã làm nên sức hút độc đáo, tạo dấu ấn riêng mỗi khi ai đó nhắc đến con Rồng độc nhất vô nhị. Và kỹ sư Phan Đình Phương, người dồn tâm huyết cho nước bùng nổ hơi sương, để bầu trời thành phố vào ngày cuối tuần và các dịp lễ, hội thêm nhiều màu sắc, gây ấn tượng cho du khách khắp bốn biển năm châu.
Sáng chế không ngừng nghỉ
Kỹ sư Phan Đình Phương, hiện là hội viên Hội Phòng cháy chữa cháy NFPA Hoa Kỳ, hội viên Viện Tiêu chuẩn ANSI Hoa Kỳ, hội viên Hiệp hội Môi trường Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ USPTO cấp nhiều bằng sáng chế và vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khen thưởng những sáng chế đặc biệt xuất sắc. Đến nay, ông sở hữu hơn 50 bằng sáng chế. Đặc biết, sáng chế xe quét rác cực nhanh và rất sạch, không hề tung bụi ra môi trường đã được Cơ quan Sáng chế Hoa Kỳ USPTO chấm 10 điểm A tuyệt đối và được Bộ Công Thương tuyển chọn thành đề án “Phát triển công nghiệp môi trường Việt Nam, tầm nhìn đến 2025” hay Máy chữa cháy đa năng không cần cấp năng lượng… |
Ngoài thành công sáng chế phun nước cho cầu Rồng, đến nay, ở tuổi 74, tài sản lớn nhất trong cuộc đời là những sáng chế và ông vẫn miệt mài hằng đêm nghiên cứu dẫu gặp nhiều khó khăn, chỉ mong tạo thêm sáng chế mới, hữu ích cho cộng đồng, xã hội.
Nói về mình, thời trẻ, học ngành Hóa dầu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chưa tốt nghiệp, ông nhập ngũ và công tác tại Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Hằng ngày, ông phụ trách nạp nhiên liệu, dầu nhờn, dầu thủy lực… cho máy bay. Hòa bình, rời quân ngũ, ông về công tác tại Nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng.
Trong quá trình này, ông mày mò sáng chế thành công các loại máy tạo A-xê-ti-len từ đá vôi và than dùng để hàn kim loại hay máy chế tạo pháo tết. Sau đó, ông chuyển đến Công ty Xăng dầu Khu vực 5 Đà Nẵng. Ở đây, mỗi khi nhập xăng vào bồn bể chứa lớn, ông nhận thấy hơi xăng bay đi khá nhiều, ông lại sáng chế máy thu hồi hơi xăng. Hầu hết, những công trình sáng chế của ông hướng đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và không sử dụng điện.
Máy chữa cháy AFFA 1500, ông sáng chế có công nghệ không cần cung cấp năng lượng, xe chữa cháy mà không cần nổ máy, không cần máy nén khí, không cần bọt, và không “ngủ” nên sẵn sàng dập lửa bất cứ lúc nào. Nhờ đó, sáng chế được Nhà nước nâng cấp thành Tiêu chuẩn Phòng cháy chữa cháy quốc gia TCVN7884:2008 và được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng áp dụng. Hay máy hóa hơi gas hoàn toàn không dùng điện, máy rửa bình gas và xuất đi Ấn Độ, Malaysia. Thành công hơn, phải kể đến công nghệ chủ động cấp nước cứu nguy cho các lò phản ứng hạt nhân khi mất hết các nguồn năng lượng. Sáng chế được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giới thiệu, từ đây ông Toshimishu, Chủ tịch Liên đoàn điện hạt nhân JINED Japan đến gặp ông để tìm hiểu và áp dụng.
Có khoảng thời gian, đất nước mặt trời mọc mời ông sang làm việc nhưng ông từ chối vì muốn cống hiến sức mình ở quê hương, để sáng chế thêm nhiều sản phẩm, phục vụ người dân, đất nước. “Không có nguyên tắc, giới hạn nào cho sự sáng chế. Tôi quan niệm, mọi sự trên đời phải làm bằng cái tâm song hành cùng niềm đam mê, nhiệt huyết thì sẽ thành công. Tôi vẫn sẽ tiếp tục sáng chế, mày mò và mong muốn tạo ra giá trị nhiều hơn”, ông nhìn xa xăm nói.
HUỲNH TƯỜNG VY