Hồn nhiên như mẹ Lúa

.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi từ lâu đời đã gắn bó với tập quán canh tác nương rẫy. Cuộc sống vật chất và tinh thần của bà con cũng bắt nguồn, nảy sinh từ "nền văn minh nông nghiệp nương rẫy". Phương thức canh tác nương rẫy luôn lệ thuộc vào thiên nhiên, nảy sinh tín ngưỡng đa thần, trong đó có tục thờ thần Lúa.

Những hạt hứng được trong lễ mừng lúa mới như đón lộc của mẹ Lúa ban tặng.  Ảnh: T.V
Những hạt hứng được trong lễ mừng lúa mới như đón lộc của mẹ Lúa ban tặng. Ảnh: T.V

Họ tin rằng, thần Lúa, mẹ Lúa chẳng những phù hộ cho lúa gạo, hoa màu để sinh sống mà còn mang đến sự bình an, khỏe mạnh cho gia đình. Hằng năm, khi bắt đầu thu hoạch hoặc kết thúc vụ mùa, đồng bào thường tổ chức ăn mừng lúa mới để tạ ơn thần Lúa. Trong quá trình thực hành nghi lễ, các tộc người đều có những hình thức đón rước thần Lúa rất hồn nhiên.

Người Tà Riềng dùng âm nhạc để chào đón thần Lúa. Từ rẫy mang lúa về, 3 người trong đội đánh cồng chiêng đi trước, tiếp sau là 6 người trong đội múa và đội thổi kèn đinh tút - một loại nhạc cụ đơn giản làm bằng ống nứa trong lễ cúng lúa. Họ vừa diễn tấu nhạc cụ vừa múa, di chuyển quanh kho lúa một vòng để mừng hồn lúa về với làng. Già làng sắp đặt lễ vật lên kho và đọc lời khấn: “Ơ ơ… Lúa đã về kho, ngoài đồng trơ rạ héo khô, dưới mương con cá bớt lội… Hôm nay chúng tôi làm lễ rước hồn lúa, xin lỗi vì vụ mùa vừa qua đã để hồn lúa ngoài rẫy, ngoài ruộng, phải chịu cảnh bùn lầy, chịu nắng nóng, mưa giông, bị con sóc, con chồn, con nai, con két, con heo cắn phá… Nay nhà tôi làm lễ đưa ngài về trên nhà kho, dựa hồn núi cao, ở trong nhà dài, trú chỗ khô ráo. Xin ngài hãy ở lại giúp dân lúa bắp đầy kho, đầy bồ. Ơ ơ…”.

Người Giẻ - Triêng, thường thổi đinh tút. Chỉ có cánh mày râu mới được biểu diễn loại nhạc cụ này. Dẫu già hay trẻ họ đều phải giả dạng, cải trang thành phụ nữ. Họ không được đóng khố mà phải mặc váy. Cách mặc của họ cũng khác thường, nó phải che kín từ cổ xuống chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ được thò một tay ra cầm ống đinh tút để thổi. Các già làng cho biết, âm thanh của loại kèn này có thể mời gọi hồn lúa từ nương rẫy về với buôn làng. Nữ thần Lúa là một cô gái hồn nhiên, xinh đẹp nhưng rất yếu đuối và nhút nhát. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, thần Lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy, không về với buôn làng nữa. Đó là điều kiêng kỵ, vì nàng tiên lúa sẽ không hiển linh, sang năm sẽ mất mùa, đói kém. Xuất phát từ tập quán xa xưa đó nên khi thổi kèn đinh tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của đàn bà!

Người M’nông, khi tỉa lúa xong phải dựng nêu trong rẫy. Cây nêu được xem như là cái nhà cho hồn lúa và hoa màu trú ngụ. Hồn lúa và hồn hoa màu có ở trong rẫy thì sau này mới được mùa. Nếu hồn lúa chỉ ghé qua rẫy một chốc rồi bay về trời thì mùa lúa rẫy năm đó cũng không thu hoạch được nhiều. Vì lẽ đó, sau khi làm cỏ lúa đợt hai xong, chủ rẫy làm một cây nêu nhỏ (nrak) giữa đám lúa. Trên cây nêu có treo cái lục lạc được làm bằng cây nứa. Đây là một nhạc cụ tự vang khi có làn gió thoảng qua, tiếng nhạc sẽ làm cho hồn lúa và hồn hoa màu cảm thấy yên vui, không bay về trời. Hơn nữa, tiếng nhạc kêu làm cho thú rừng hoảng sợ, không vào rẫy phá hại cây cối, hoa màu.

Ngoài ra, đồng bào M’nông còn có nhiều tập tục, nghi lễ cúng mẹ Lúa và thực hành nhiều điều kiêng cữ liên quan đến hồn lúa. Vào mùa thu hoạch, họ thổi kèn ống nứa để gọi hồn lúa. Khi rước hồn lúa về nhà, nếu qua sông qua suối thì đồng bào chặt vài cây nứa bỏ xuống suối để bắc cầu cho hồn lúa đi. Lúc gùi lúa phải hết sức cẩn thận, xem lại dây quai có chắc không. Nếu đang mang lúa mà bị đứt dây gùi làm đổ lúa trên đường thì thần Lúa sẽ hoảng sợ bay đi, không còn ở với gia đình mình nữa. Mang lúa qua cầu, lội qua suối càng phải cẩn thận, không để đứt dây gùi hoặc vấp té làm lúa đổ xuống nước, xuống bùn, làm thần Lúa bị chết đuối.

Gùi đựng lúa, nia phơi lúa, khi lấy xuống treo hay lên sàn lên vách phải nhẹ nhàng, không được quăng, không làm rơi, khiến thần Lúa đang ở trong gùi, trong nia sợ hãi bỏ đi. Khi giã lúa, giã gạo cũng không được ngã cối, làm đổ lúa gạo xuống đất. Chiếc cối, cái chày giã gạo cất vào lấy ra phài hết sức nhẹ nhàng. Muốn rửa cối phải nghiêng từ từ mà đổ nước trong cối ra, không được làm ngã cối, ngã chày.

Trường hợp xảy ra hỏa hoạn, nhà, chòi rẫy bị cháy hoặc khi sấy lúa, nếu bất cẩn làm rơi hạt lúa vào lửa thì thần Lúa bị phỏng, sẽ sợ hãi bay đi mất. Đến ngày lễ cúng lúa mới phải hiến sinh một con bò để gọi thần Lúa trở về với gia đình. Trường hợp lỡ làm lúa bị rơi xuống suối, xuống bùn sình lầy, hạt lúa bị cháy phải cúng một cái lễ nhỏ để xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho thần Lúa.

Đối với dân tộc Bh.nong, trước khi tuốt lúa, chủ rẫy bó các gốc lúa lại với nhau, với ý nghĩa giữ lại thần Lúa để thần phù hộ cho những năm tiếp theo cho bội thu nhiều lúa, bắp, đậu, sắn, khoai... và các loại cây trồng khác. Trên đầu gia chủ cắm cây hoa thần để báo với thần linh biết gia đình chuẩn bị tuốt lúa. Ngày ăn cơm mới, bà chủ cúng sẽ dùng gạo vẫy lên trên, người tham gia lấy tà áo hứng những hạt gạo mới. Theo đồng bào, ai hứng được nhiều nhất là đón được tài lộc của mẹ Lúa, năm sau người đó sẽ làm ăn phát đạt, ngược lại, nếu hứng được ít thì năm đó sẽ nghèo đói.

Tín ngưỡng thờ Mẹ Lúa/Hồn lúa là nét đặc trưng của các dân tộc miền núi mang đậm dấu tích của mẫu hệ. Niềm tin, tập tục và những thực hành kiêng cữ của đồng bào thể hiện thế giới quan bản địa với những quan niệm, ứng xử hồn nhiên giàu tính nhân văn. Sau mùa thu hoạch, buôn làng như thêm một sức sống mới, người dân không chỉ được ăn cơm mới, tự thưởng cho mình về thành quả lao động mà còn hưởng thụ món ăn tinh thần hấp dẫn từ nghệ thuật diễn xướng dân gian, hơi ấm của cộng đồng.

TẤN VỊNH

;
;
.
.
.
.
.