Hữu Loan, cây gỗ vuông chành chạnh

.

Hữu Loan là gương mặt văn chương đặc biệt của thơ ca hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX. Đi qua nhiều biến động, cả cuộc đời, gần như Hữu Loan gắn bó với mảnh đất nơi sinh ra mình. Chỉ ngần ấy thôi, cũng cho thấy sự khu biệt giữa ông với các nhà thơ đương thời. Số lượng thơ để lại không nhiều nhưng đều tiêu biểu cho mỗi giai đoạn sáng tác.

Henry Bergson (1859-1941) có viết: "Trong mọi địa hạt, sự chiến thắng của đời sống là sáng tạo". Câu nói này rất đúng với Hữu Loan. Một lần, để minh định về đời mình, Hữu Loan khái quát: Tôi cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/ Đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn. Ông có chút gì đó của con người xứ Thanh, ngang tàng và khí phách, chấp nhận nghịch cảnh, không than thở.

Quả đúng vậy! Cây gỗ vuông ấy lăn lóc trong sóng gió cuộc đời trọn 95 năm, giữ vẹn bản ngã, như một cây thông sừng sững giữa muôn vàn bão táp, mưa sa, không chịu cúi đầu. Ông là một nhân cách cứng cỏi của thời hiện đại. Có nhiều cách đánh giá về ông, nào là "kẻ sĩ chân chính", "kẻ-sĩ-hiện-đại", "nhà thơ của nhân cách", "người đi bộ ngược chiều", “thi sĩ của phẩm giá”.

Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi Hữu Loan là “Ông Từ Thức Nga Sơn". Có thể nói, trong những văn nghệ sĩ liên quan đến Nhân văn - Giai phẩm, Hữu Loan là một con người quyết liệt, từ bỏ tất cả, về lại quê nhà, lao động thực thụ như một nông dân, làm ruộng, thồ đá, chấp nhận trăm cay nghìn đắng để nuôi một đàn con thành người. Bản thân cuộc đời ông là phẩm chất nghệ thuật đích thực, một tác phẩm về nhân cách. Suốt bao nhiêu năm ấy, thơ ông không được phổ biến, thậm chí bị quy tội.

Ở miền Nam, trước 1975, Hữu Loan có mặt trong nhiều tuyển tập, chuyên san. Bài thơ Màu tím hoa sim được các nhạc sĩ Phạm Duy, Dzũng Chinh, Anh Bằng, Duy Khánh, Trọng Khương, Song Ngọc, Thu Hồ, Hồng Vân… phổ nhạc, trở thành bài hát quen thuộc bao nhiêu năm, cho đến tận bây giờ. Chính công chúng miền Nam, trong hai mươi năm chia cắt đôi miền, lại là người yêu mến, giữ gìn, nâng niu và phổ biến thơ Hữu Loan.

Hữu Loan viết không nhiều. Điều ấy có lý do của lịch sử. Song, phải nói ngay rằng, lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại không thể vắng khuôn mặt ông. Sự đóng góp của ông, xét về mặt thi pháp, cách tân ngôn ngữ thơ, đổi mới cách chiếm lĩnh hiện thực và mô tả hiện thực, bừng tỏa cảm xúc, đưa đẩy giọng điệu thơ theo từng ngữ cảnh, tiếp cận với xu hướng hiện đại... Đây là một đóng góp riêng của nhà thơ xứ Thanh này. Từ sau 1945 đến nay, trong nhiều đột phá về thơ, trước hết, phải nói đến Hữu Loan.

Cùng với Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hữu Loan với những Đèo Cả, Màu tím hoa sim, Tình Thủ đô, Cùng những thằng nịnh hót, góp vào thơ Việt thập niên 40, 50 từng bước khi thơ ca chưa thoát khỏi cầu trường Thơ mới, đã có một con đường riêng. Nhìn nhận như vậy để thấy sự đóng góp không nhỏ của Hữu Loan về mặt thi pháp học. Ông đổi mới không gian, thời gian, quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học ở buổi đầu kháng chiến.

Hữu Loan yêu cuộc đời, nghĩ đẹp về cuộc đời, dù bao tai vạ đã ập xuống đời ông! Ông nghiến răng chịu đựng. Rồi, nói như Viên Linh, "Trời có mắt". Những đền bù muộn màng cũng an ủi được ông và gia đình. Cuối đời, trong nhiều cuộc giao lưu, tiếp xúc, không nghe ông nói chuyện cũ, chuyện ông bị đày ải và điều đáng trân trọng là, ông không oán thù ai.

Với đôi mắt sáng, mái tóc bạc trắng và bàn tay chai sạn, thô ráp, ông vẫn nở nụ cười hiền lành, chân chất như một tiên ông, hiểu được lẽ đời. Hiểu điều mà trước đó hơn hai nghìn năm Khuất Nguyên (390-278 trước công nguyên) từng viết trong Ly tao: Thà cho sống đọa thác đày/ Lòng ta không nỡ để lây thói thường (câu 94, 95) hay Phanh thây xé xác cũng đành/ Lòng này hồ dễ dỗ dành được sao (câu 126, 127). Ông, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời, đã thanh thản từ biệt cõi trần ở tuổi 95. Một sự thanh  thản đã qua bao giông bão!

Hữu Loan có ba bài thơ tiêu biểu: Đèo Cả - giọng tráng ca, Màu tím hoa sim - giọng tình ca và Cùng những thằng nịnh hót - giọng diễu cợt. Ba bài thơ ở ba thời điểm khác nhau nhưng cùng một trái tim, cùng một nghĩ suy, cùng một nhịp đập với đời.

Hữu Loan thuộc lớp tinh hoa của dân tộc, có cuộc đời trầm luân, oan khuất, những bi kịch một thời không dễ quên, song, đã dũng cảm làm người, làm văn chương, giữ trọn bản lĩnh. Người đời không bao giờ quên Hữu Loan. Cuộc đời của ông là bản tráng ca về nhân cách và tài năng. Ông là kẻ-sĩ-hiện-đại, vạch một lằn ranh, can đảm đứng về phía của phẩm giá con người, không chịu cúi mình. Ông đi qua cõi đời này gần trăm năm nay, để lại một nhân dáng khó phai, một cây gỗ vuông chành chạnh giữa đời.

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan (1916-2010), sinh tại làng quê, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, và yên nghỉ cũng tại đây. Sống trọn thế kỷ, chứng kiến bao đổi dời của thế sự, của lòng người, ông vẫn giữ sự bình thản, nuôi đàn con nên người. Màu tím hoa sim là một bài thơ nổi tiếng của Hữu Loan, được sáng tác năm 1949 tại Thanh Hóa, thời điểm sau khi người vợ của tác giả qua đời. Năm 2004, bài thơ được một độc giả yêu mến Hữu Loan đã mua bản quyền, giá 100 triệu đồng tiền Việt Nam, trở thành một kỷ lục Việt Nam.

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.