Kỳ nghỉ Giáng sinh đáng nhớ

.

1. “Bố ơi!”.

Nghị choàng tỉnh giấc sau tiếng gọi của con gái. Nỗi đau ngày nào như còn nguyên vẹn, trở thành vết khứa dày xéo trong tim anh trong những cơn ác mộng mỗi đêm về… Nghị quay sang con gái, thấy con đang nằm ngủ ngoan bên cạnh mẹ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngoài ô cửa, bức tranh của màn đêm đã thay bằng buổi bình minh ban sơ.

Hôm qua, cả nhà Nghị đến nơi lúc chiều muộn. Dãy hàng rào dài được chủ nhà trồng hoa linh sam, những chùm hoa khẽ rung rinh trong gió, tím biếc trong ánh đèn đường vừa thắp. Yên nói với Nghị sáng mai cả nhà sẽ thức sớm đi dạo quanh trong vườn. Nơi này, khuôn viên rộng như được trải thảm xanh bởi thiên nhiên với cây lá tốt tươi nhìn mát mắt.

“Một căn nhà trên đồi” - nghe Nghị nói vậy đã khiến Yên như được xoa dịu bao muộn phiền giữa phố thị vốn ngột ngạt với khói bụi, tiếng ồn, và cả vết thương mà Nghị đã gây ra…

Vì cớ gì, một người từng ấm áp như Nghị, thiết tha xây dựng tổ ấm với Yên như Nghị, lại có ngày lạc lòng với người phụ nữ khác? Yên không tin, cho đến hôm tận mắt chứng kiến Nghị ôm ghì chặt cô gái lạ ở trước hẻm lối vào nhà mình, không may, bé Na cũng vừa kịp nhìn thấy. Hẻm vắng. Hàng đèn vàng thẳng tắp, sáng tỏ từng chiếc lá rơi. Con bé thảng thốt gọi lớn: “Bố ơi?”. Thanh âm mà chẳng bao giờ Nghị nghĩ vang lên ở thời khắc này, hơn mười giờ đêm, và cả không gian ngoài đường vào giờ này. Chẳng phải Yên đã ru hai con ngủ sâu giấc rồi sao? Hôm ấy, Nghị lỗi hẹn với mẹ con Yên, nói có việc bận, không ngờ lại đi cùng người phụ nữ khác.

Yên nói với Nghị cần thời gian ba tháng để cân nhắc lại cuộc hôn nhân này…

Đó là những ngày dài. Nghị như bước hụt xuống hố sâu thăm thẳm khi đối diện với sự tẻ nhạt của Yên. Trong những đêm sâu lạc lòng, Nghị nhận ra mọi thứ mình đang cố gắng đạt được sẽ trở nên vô vị nếu không có mẹ con Yên.

Suốt ba tháng, Nghị đã sống trong nỗi dằn vặt còn hơn cả sự trừng phạt. Mỗi đêm, trong cơn mơ chập chờn, anh lại nghe tiếng trong trẻo của con trẻ gọi: “Bố ơi!”.

Một buổi sáng đẹp trời, tin nhắn của Yên hiện lên trên màn hình Nghị, rằng cô ấy muốn cả gia đình có kỳ nghỉ trong dịp Noel, đến “Căn nhà trên đồi” mà có lần Nghị đã nói với Yên nhưng dùng dằng mãi chưa sắp xếp đến được. Niềm vui như cơn sóng cuộn tràn trong tâm trí Nghị.

Chủ của “Căn nhà trên đồi” là người phụ nữ lớn tuổi, nổi tiếng giàu có với cơ ngơi là những trang trại ở cao nguyên. Trên mảnh đất quê hương mình, ngoài “Căn nhà trên đồi” cho khách lưu trú, bà dành riêng khuôn viên rộng đến vài héc ta chỉ để trồng cây trái, hoa màu theo mùa với mục đích từ thiện.

Mỗi ngày đều có người chăm sóc, thu hoạch để mang sản phẩm sạch đem tặng cho những tổ chức thiện nguyện, hoặc người khó khăn chung quanh. Người đến giúp cũng là những tình nguyện viên ở khắp nơi, họ muốn trao đi chút công sức của mình, góp phần mang đến sản phẩm tươi ngon cho người có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ cần nghĩ đến câu chuyện nhân văn ấy, đã gợi lên trong lòng người nghe biết bao điều tốt đẹp. Cuộc sống này, sau tất cả chỉ những điều tốt đẹp sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Yên nói với Nghị muốn cả gia đình mình đến đó trong dịp lễ Giáng sinh năm nay, để “tắm đẫm” trong nguồn năng lượng an lành từ chính chủ nhân mảnh đất giàu tình yêu thương này.

Phải mất vài tháng, Nghị mới đặt cọc được căn nhà cho kỳ nghỉ của gia đình, vì nơi này luôn có khách từ khắp nơi muốn tham quan và lưu trú. Chủ nhân căn nhà không lấy bất cứ chi phí nào từ khách. Cũng không có nội quy gì trong căn nhà lưu trú ấy. Khách đến, khách đi, căn phòng vẫn đủ đầy đồ dùng, sạch sẽ và thơm tho từ phòng khách xinh xinh cho đến gian bếp ấm cúng. Nơi này còn là sự đồng điệu, gặp gỡ giữa những người tử tế.

Như một niềm tin tâm linh lan tỏa, mảnh đất ấy dung dưỡng những hạt giống tốt đẹp mà bất cứ ai cũng cần gieo trên mảnh vườn tâm hồn mình.

2. Bữa sáng được Yên dọn ra bàn, đơn giản với món trứng ốp la những quả trứng rất tươi mới thu hoạch đêm qua mà người lưu trú trước Yên đã để lại lời nhắn khi rời đi. Ăn kèm với bánh mì. Yên còn luộc thêm bốn trái bắp cho bốn người. Cũng là bắp mới hái trong vườn. Luống bắp tươi xanh, khoe ra những trái mập mạp, bên trong hạt tròn đầy vừa ăn. Luộc chín tới bốc lên mùi thơm khó cưỡng.

Yên vừa nhẩn nha ăn bắp vừa ngắm nhìn cây cỏ trong khuôn viên vườn, và kể cho Nghị nghe về hương vị bắp luộc mà cô còn lưu giữ mãi từ những năm tháng tuổi thơ. Nghị còn ngạc nhiên khi nghe Yên nói bắp chính là món ăn sáng mà cô thích nhất.

Nghị thấy sống mũi mình cay cay khi nhớ có lần anh đi công tác, đến vùng cao nguyên nổi tiếng trồng được loại bắp ngon. Trong đoàn, rất nhiều người ăn xong trái bắp đã nghĩ đến chuyện mua về làm quà, cho người thân, đồng nghiệp, hàng xóm. Chỉ có Nghị là về tay không. Nghị không có thói quen đi đâu mua quà mang về. Ở thành phố thứ gì chẳng có. Ngồi một chỗ vẫn mua sắm online được đặc sản ở khắp nơi, việc gì phải xách lỉnh kỉnh cho mệt.

Nghị ra đời, sớm học được bài học “có tiền sẽ có tất cả”. Mục tiêu cuộc đời của Nghị là trở thành người đứng đầu. Mỗi ngày, anh chăm chỉ leo lên từng bậc thang. Từ một nhân viên, đến tổ trưởng, trưởng phòng và bây giờ là giám đốc chi nhánh. Nghị quen nghe lời tán tụng, dần dà, anh như một người săn lùng thành tích. Muốn vậy, anh càng phải dốc hết thời gian, công sức cho công việc. Anh tất bật khi vừa thức giấc, rời nhà đi từ sáng sớm nên làm gì có thời gian hỏi xem món ăn yêu thích nhất của Yên là gì?

Sau bữa sáng, hoạt động đầu tiên của gia đình Nghị là đi trồng cây. Trong mảnh vườn được đặt tên là “yêu thương”, khuyến khích mỗi người khách đến đây sẽ trồng vào một loại cây do chính họ mang theo. Bầu nguyệt quế đã được Yên bứng trong vườn nhà hôm qua, cần phải trồng ngay để cây khỏi mất sức.
Nghị chưa làm công việc ấy bao giờ, nhưng cũng muốn thử. Nghị vừa làm vừa hỏi Yên đang nhặt cỏ gần đó xem cô thích loại cây gì nhất? Yên là cô gái yêu cây lá - điều đó Nghị biết, nhưng Yên thích nhất cây gì thì hình như Nghị chưa hỏi. Yên nói cô ấy thích nguyệt quế. Loại hoa nở vào những mùa trăng sáng, có hương thơm mê hoặc bước chân người.

Nghị cúi gầm mặt, từng nhát cuốc vào lòng đất khiến anh nhớ đến lần sơ ý làm bể chậu nguyệt quế bon sai mà Yên rất thích. Lúc đó Yên mới sinh con nên cũng không tiện chăm cây. Cô nói với Nghị chỉ cần sang cây vào chậu khác là được. Nguyệt quế là loại cổ thụ, lại thuần chậu nên không dễ chết. Nghị nghe theo, sang cây vào chậu mới nhưng chỉ ít hôm thì cây chết. Lý do là vì anh quên mất chiếc chậu mới chưa đục lỗ thoát nước. Gốc bị úng nước dẫn đến chết trơ cành.

Mọi chuyện cứ lừng lững hiện ra, như thể thước phim quay ngược. Kể cả khi có người phụ nữ làm vườn gần đó vui vẻ đến bắt chuyện, khen hai cô con gái xinh quá, và hỏi Nghị bé mấy tuổi rồi? Câu hỏi khiến Nghị giật nảy mình bởi nhớ lại lần Yên bị bệnh phải nhập viện cấp cứu, cô bạn thân đưa Yên vào bệnh viện và gọi cho Nghị nói lát về đi đón hai con. Lúc đó Nghị mới ớ ra vì không biết hai con đang học trường nào. Nghị thấy xấu hổ với cô bạn thân của vợ, mặc dù đã tìm ra cách nói dối trơn tru để cô ấy không nghi ngờ gì: “Em nhắn giúp anh địa chỉ để anh nhờ bạn đặt xe đến đón con nhé!”. Hôm sau, Nghị lao vào công việc nên quên luôn nỗi dằn vặt với vợ con.

Nghị ấp úng trả lời chị làm vườn: “Bé lớn tên Na nay đã bảy tuổi, còn bé Út tên Mi được bốn tuổi rồi chị!”. Nghị trả lời xong, tự thở phào với chính mình.

Nghị nhìn sang Yên, sau biết bao chuyện anh đã gây ra, Yên vẫn âm thầm chịu đựng mà không một lời trách móc anh. Trong màu nắng mới, Nghị ngắm Yên đùa vui cùng hai con trong tiếng chim hót, lá reo giữa khu vườn xinh. Đó là bức tranh đẹp nhất trong cuộc đời anh!

3. Mỗi sáng, cả nhà Nghị lại ra thăm cây nguyệt quế mới trồng, xem thử cây có thích nghi chỗ mới chưa?
Một lần, chị làm vườn thấy Nghị rắc phân quanh gốc cho cây, chị nhẹ nhàng bảo: “Đây chưa phải là lúc cây cần bón phân, nhỉ?”. Nghị hơi quê. Đúng là anh không rành vụ này. Cứ nghĩ bón phân để cây nhanh tốt tươi, ra hoa. Nhưng chị nói: “Cây mới trồng chỉ cần giữ độ ẩm cho gốc là được”. Thấy Nghị im lặng lắng nghe, chị nói tiếp: “Nguyệt quế dễ sống thôi, nhưng mình cũng phải hiểu cây cần gì thì mới chăm cây tốt lên được”. Rồi chị cười cười: “Kiểu như thương yêu ai đó vậy, mình phải hiểu và thương thì mới mang lại hạnh phúc cho họ, đúng không?”. Chị nói và tiếp tục công việc của mình trong mảnh vườn, để rớt lại lời cảm ơn lí nhí của Nghị ở phía sau. Nắng chao nghiêng bóng lá, bóng người và tiếng líu lo của hai đứa nhỏ. Nghị hít một hơi căng tràn lồng ngực, có điều gì đó sáng tỏ hơn đang cựa cuội, len lỏi trong tâm trí anh. Anh đã biết mình phải làm gì cho Yên và gia đình nhỏ của mình, sau kỳ nghỉ Giáng sinh đáng nhớ này!

Một buổi sáng, khi vừa đến thăm khu vườn, bé Na đã reo lên thích thú: “Chậu cây của con nảy mầm rồi!”. Trong bàn tay bé nhỏ của con, hạt mầm khẽ tách vỏ, vươn ra chiếc lá bé xíu như một lời chào yêu thương đến thế giới tươi đẹp!

Mọi thứ ở đây đều nhẹ nhàng, đơn giản, cả niềm hân hoan của con cũng đến từ hạt mầm bé tí tẹo kia. Ở nơi bình yên này, mỗi buổi chiều còn nghe được tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Yên nói với Nghị, cô cũng rất thích nghe tiếng chuông, nhất là tiếng chuông ngân lên vào ngày lễ Giáng sinh. Mẹ Yên nói rằng, đó là tiếng chuông loan báo tin vui, nên từ các ngả đường có nhà thờ đều đồng loạt kéo chuông. Nhịp chuông của ngày lễ Giáng sinh cũng nhanh hơn, dồn dập hơn, dài hơn, tạo thành âm thanh rộn rã khắp không gian.

Tiếng chuông ấy còn là lời nguyện cầu cho một thế giới hòa bình, người người hạnh phúc!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.