Nói “lại nghĩ dọc sông Hàn” vì người viết bài này từng nghĩ dọc sông Hàn trong cuốn bút ký cùng tên ra mắt độc giả cách đây hai mươi năm (NXB Đà Nẵng, 2004). Chưa kể, chuyện Đà Nẵng xưa luôn đòi hỏi cách tư duy và tiếp cận mới, chỉ riêng hai thập niên qua đã có quá nhiều điều phải nghĩ thêm, nghĩ lại về con sông Hàn và về thành phố bên sông Hàn...
Con rồng thời Lý được nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng sử dụng làm biểu tượng khi thiết kế cầu Rồng. Ảnh: TUẤN LÊ |
Hai mươi năm trước, trên sông Hàn đã có bốn cây cầu bắc ngang, kể theo thứ tự thời điểm soi mình dưới dòng nước Hàn Giang là cầu Trần Thị Lý; cầu Nguyễn Văn Trỗi; cầu Sông Hàn và cầu Tuyên Sơn/ Tiên Sơn. Thế nhưng “tứ đại mỹ kiều” này vẫn chưa đủ để Đà Nẵng được vinh danh là “thành phố của những cây cầu”...
Đà Nẵng chỉ khẳng định được thương hiệu “thành phố của những cây cầu”, và sông Hàn trở thành con sông của những cây cầu - khi có thêm cầu Thuận Phước và đặc biệt là khi có thêm cầu Rồng. Sở dĩ nói “đặc biệt là khi có thêm cầu Rồng” bởi trên thế giới chỉ duy nhất cầu Rồng được thiết kế hình... con rồng, từ đó trên thế giới cũng chỉ duy nhất cầu Rồng có thể trình diễn màn rồng phun nước và phun lửa với tư cách một sản phầm du lịch độc đáo.
Xin nói thêm, cầu Sông Hàn cũng thu hút được nhiều du khách chịu khó thức khuya để tận mắt nhìn thấy cây cầu quay cuối cùng của đất nước quay nhịp giữa. Trong khi đó, việc con rồng thời Lý của nhà điêu khắc người Đà Nẵng Phạm Văn Hạng trình diễn phun lửa và phun nước đã nằm ngay trong ý tưởng của các nhà thiết kế cầu Rồng... Và không phải ngẫu nhiên mà trong sáu cây cầu bắc qua sông Hàn, chỉ có cầu Rồng được trao nhiều giải thưởng quốc tế.
Từ năm 2008 đến nay, đã mười hai lần trên dòng nước và bầu trời sông Hàn rực sáng trong các đêm lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng với nhiều chủ đề gắn với sông Hàn như: Âm vang sông Hàn năm 2009, Huyền thoại sông Hàn năm 2010, Lung linh sông Hàn năm 2011, Tình yêu sông Hàn năm 2013... Có thể nói đây là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất ở sông Hàn hai thập niên qua.
Một sự kiện đáng nhớ khác, thể theo di nguyện cuối cùng của người Đà Nẵng xa quê - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rằng, khi qua đời được về với quê nhà Đà Nẵng. Sáng sớm ngày 4-10-2015, di cốt của tác giả ca khúc Đoàn Giải phóng quân/Đoàn Vệ quốc quân sáng tác năm 1945, được coi là ca khúc cách mạng đầu tiên của Đà Nẵng, đã hòa vào dòng nước sông Hàn...
Và một sự kiện đáng nhớ nữa là vào ngày 17-9-2020, rất nhiều người dân Đà Nẵng bất ngờ khi lần đầu tiên chứng kiến cầu Nguyễn Văn Trỗi được nâng một nhịp để tàu bè có thể vào sâu trong sông Hàn tránh trú bão...
Vào thượng tuần tháng 1-2017, tại buổi tọa đàm Giải pháp quy hoạch cảnh quan sông Hàn Đà Nẵng do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland, người viết bài này đã cho rằng, toàn bộ câu chuyện sông Hàn chung quy chỉ có hai vấn đề là tầm nhìn và dòng chảy, rằng quy hoạch cảnh quan sông Hàn cần đảm bảo con sông chảy giữa lòng thành phố không bị hạn chế tầm nhìn, không gây cản trở dòng chảy. Vì vậy, vào cuối năm 2014, người Đà Nẵng đã kiên quyết nói “không” với dự án của Công ty CP đầu tư DHC về xây dựng tháp hải đăng Marina kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng ở phía đông cầu Rồng, nằm dưới lòng sông Hàn, cách bờ sông khoảng 30m, với chiều cao tương đương tòa nhà 25 tầng và phần đế tháp rộng 400m². Thành công trong việc ngăn không để sông Hàn phải chịu “một cái cọc đâm vào giữa lòng sông” - theo cách nói của một kiến trúc sư khi phản biện dự án xây dựng tháp hải đăng - cũng là một sự kiện đầy ấn tượng.
Sông Hàn đã đi vào thế giới nghệ thuật của nhiều nhà thơ, nhiều nhạc sĩ như nhà thơ Trần Quý Cáp qua bài Đà Nẵng hoài cảm: "An năng tái khởi Trần Hưng Đạo/ Cọng vãn Đằng Giang vĩ đại công". Lam Giang dịch: "Làm sao gọi Đức Trần Hưng Đạo/ Diễn lại Đằng Giang trận khác thường". Suy đến cùng thì cũng không có gì mâu thuẫn khi một người đang chủ trương đấu tranh bất bạo động, thiên về các hoạt động khai trí trị sinh như Trần Quý Cáp lại vung nắm đấm trong thơ, lại mong một trận thủy chiến Đằng Giang lừng lẫy năm xưa được tái diễn ngay trên sóng nước Hàn Giang.
Nhà thơ Bùi Công Minh qua bài Sông Hàn tuổi mười tám: "Ta có một sông Hàn mười tám tuổi/ Như em sáng nay duyên dáng áo học trò/ Sông mở cửa đưa cánh buồm theo gió/ Sóng mang hồn thành phố đến khơi xa", đã được nhạc sĩ Minh Khang phổ thành ca khúc cùng tên. Hay như nhà thơ Dương Hương Ly qua bài Đà Nẵng ơi mùa xuân đã được nhạc sĩ Huy Du phổ thành ca khúc Sông Hàn vang tiếng hát: "Đà Nẵng ơi Đà Nẵng ơi yêu làm sao cuộc sống/ Anh dẫn em đi giữa những ngày tươi nắng/ Hôn chiếc hôn nồng lên mảnh đất yêu thương/ Nghe nghe sông Hàn vang khúc hát quê hương".
Và nhà thơ Đỗ Quý Doãn qua bài Huyền diệu sông Hàn đã được nhạc sĩ Đình Thậm phổ thành ca khúc cùng tên; nhạc sĩ An Thuyên với ca khúc Sông Hàn tình yêu của tôi; nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với ca khúc Sông Hàn yêu thương; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với ca khúc Tôi khát khao kéo sông Hàn dài mãi; nhạc sĩ Trần Tiến với ca khúc Dòng sông tha thứ...
Đà Nẵng không chỉ có sông Hàn nhưng không ai gọi Đà Nẵng là thành phố bên sông Cổ Cò, hay thành phố bên sông Yên, hay thành phố bên sông Cu Đê, hoặc thành phố bên sông Cẩm Lệ... Trước sau người ta chỉ gọi thành phố bên sông Hàn. Bài viết này cố tình chưa nhắc chuyện “đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ đứng bên ni Hà Thân ngó bên tê Hàn phố xá nghênh ngang” hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nói chung cố tình không nhắc đến những chuyện có vẻ xa xưa, chỉ đề cập vài sự kiện liên quan tới sông Hàn diễn ra trong hai thập niên đầu của thiên niên kỷ mới - những chuyện mà khi viết biên niên sử Đà Nẵng, với cái nhìn “một đời sông là mấy đời người/ sông cuộn chảy qua thăng trầm thành phố” (Bùi Công Minh, Sông Hàn tuổi mười tám), chắc chắn các nhà viết sử ở thành phố bên sông Hàn sẽ không thể bỏ qua.
BÙI VĂN TIẾNG