LAN TỎA YÊU THƯƠNG

Hành trình không đơn độc

.

Những ngày cuối tháng 10, bàn làm việc của bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, cán bộ theo dõi tim bẩm sinh Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng lại bộn bề hồ sơ. Những người thân bệnh nhi tim bẩm sinh lần lượt được mời đến hoàn thiện thủ tục và nhận giấy tài trợ mổ tim. Họ thực sự vui mừng khi được hội và các mạnh thường quân đồng hành con mình trong cuộc phẫu thuật tim sắp tới.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy (bên trái) hướng dẫn chị Nguyễn Xuân Tiến hoàn thiện hồ sơ và nhận giấy tài trợ mổ tim cho con mình. Ảnh: Đ.H.L
Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy (bên trái) hướng dẫn chị Nguyễn Xuân Tiến hoàn thiện hồ sơ và nhận giấy tài trợ mổ tim cho con mình. Ảnh: Đ.H.L

Khổ tận cam lai

Con trai chị Nguyễn Xuân Tiền (tổ 35, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đang học lớp 4, Trường Tiểu học Lê Văn Hiến thì được bác sĩ phát hiện bị bệnh thông liên nhĩ sau khi nhà trường tổ chức khám sức khỏe theo chương trình mổ tim do Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố kết hợp Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Chị Tiền được bác sĩ gọi lên tư vấn về tình hình sức khỏe của con và giới thiệu đến hội để được làm thủ tục tài trợ chi phí mổ tim. “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Chi phí 60 triệu đồng cho ca mổ quá lớn so với điều kiện của gia đình. Sự hỗ trợ của hội thực sự là món quà quý cho gia đình tôi, hy vọng rằng, sau ca mổ con tôi sẽ khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa”, chị Tiền chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh với chị Tiền, chị Huỳnh Thị Tường Vy (tổ 113, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) buôn bán vỉa hè đường Nguyễn Huy Tưởng, chồng làm nghề phụ hồ. Gia đình chị vừa mới thoát khỏi hộ nghèo nên còn khó khăn. Đến nay chị chưa hết hoang mang khi nhắc đến tình trạng sức khỏe của con mình.

Chị Tường Vy xúc động kể: “Nhà tôi có hai cháu, đứa út thì đau ốm suốt nên tôi rất lo lắng, còn đứa lớn lâu nay vẫn khỏe mạnh bình thường nên khi nghe tin con bị bệnh còn ống động mạch, tôi rất hoang mang. Cháu mới được đi học lớp 1 chứ lâu nay không có điều kiện đi học mẫu giáo. Ai ngờ cháu bị bệnh tim nên rất thương. Tôi đưa cháu đi khám và được bác sĩ tư vấn cho cháu nhập viện mổ nội soi, bít ống động mạch bằng dụng cụ. Sau khi mổ, cháu sẽ trở lại bình thường. Dù có hội tài trợ chi phí phẩu thuật nhưng tôi vẫn rất lo vì liên quan đến tim”.

Còn người bố trẻ Phạm Thanh Phú (tổ 53, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) không giấu niềm xúc động khi cầm trên tay tờ giấy tài trợ mổ tim cho con mình. Anh cho biết: “Con tôi được các bác sĩ khám và phát hiện bị thông liên nhĩ. Lâu nay cứ ngỡ sức khỏe cháu bình thường nhưng giờ quan sát kỹ mới thấy cơ thể cháu phát triển chậm hơn so với các bạn. Vợ chồng tôi có ba cháu, tôi làm nhân viên văn phòng, còn vợ làm công nhân nên thu nhập bấp bênh. Hiện chúng tôi vẫn đang ở nhà thuê. May mà có Hội tài trợ chứ gia đình vay mượn sẽ gánh thêm nợ nần. Nghe bác sĩ nói ca phẫu thuật xong thì cháu sẽ hoàn thiện gần như bình thường nên cũng mừng!”.

Trái tim cho em

Trong 20 năm (giai đoạn 2003-2023), Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hơn 750 điểm khám, có hơn 515.000 trẻ em được tầm soát, phát hiện 2.340 trẻ em nghi bị bệnh tim bẩm sinh. Hội trực tiếp làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân trong và ngoài nước vận động kinh phí giúp gần 1.400 em được phẫu thuật tim với tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng.

Đến nay, chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện hơn 20 năm. Đó cũng là quãng thời gian bà Huỳnh Thị Thanh Thủy gắn bó với chương trình này.

Bà Thanh Thủy cho biết, mỗi năm, chương trình chữa tim bẩm sinh sẽ có hai đợt khám sức khỏe cho trẻ em tại trường. Đợt 1 bắt đầu vào năm học mới từ tháng 9 đến tháng 11, đợt 2 là lúc gần nghỉ hè kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Trung bình mỗi năm có khoảng 50 ca từ độ tuổi sơ sinh đến 18 tuổi được tài trợ chi phí phẫu thuật.

Trong đó phần lớn là những bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch... Hầu hết các ca bệnh đều được phẫu thuật tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng. Trừ những ca nào quá nặng thì mới chuyển đến các bệnh viện lớn ở Thừa Thiên Huế, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ hưởng hỗ trợ bảo hiểm xã hội  hằng tháng thì Quỹ bảo trợ trẻ em thành phố Đà Nẵng thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ 40% số tiền phẫu thuật sau khi trừ bảo hiểm y tế và tiền ăn (100.000 đồng/ngày, không quá 15 ngày).

Với hơn 20 năm trực tiếp làm hồ sơ tài trợ chi phí mổ tim cho các em, bà Thanh Thủy chứng kiến nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Bà xúc động kể, có trường hợp phải mổ tới 3 lần, đó là em Trần Trung Hiếu (SN 2011, ở tổ 23, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Lần mổ cuối cùng, ban đầu bệnh viện báo chi phí chỉ 60 triệu đồng nhưng sau khi mổ, số tiền lên tới 220 triệu đồng. “Để có tiền cho gia đình thực hiện ca mổ, tôi phải làm việc lại với nhà tài trợ. Chi phí tăng cao do cần dụng cụ vật tư y tế đắt tiền. Nếu dùng loại thường thì sau này phải mổ thêm lần nữa nên bác sĩ quyết định dùng vật tư y tế tốt nhất. Trường hợp này, hội vận động 4 nhà tài trợ mới đủ tiền. Cũng may các nhà tài trợ đều sẵn lòng giúp đỡ đến nơi đến chốn, chỉ cần hội đưa giấy báo của bệnh viện là được”, bà Thanh Thủy nhớ lại.

Một trường hợp đáng thương khác là Trương Bảo Trân (SN 2013, tổ 1, phường Bình Hiên, quận Hải Châu). So với các học sinh khác, Bảo Trân là trẻ khuyết tật bẩm sinh hai chân và một bàn tay phải nên khi được bác sĩ thông báo bé bị bệnh lý tim bẩm sinh còn ống động mạch, gia đình em rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được hội tài trợ phẫu thuật tim, sức khỏe em Trân đã chuyển biến tốt hơn. Gia đình chỉ đưa cháu đi khám định kỳ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng. Giờ cháu đã học lên lớp 6, Trường THCS Kim Đồng, hai chân cũng đi lại tốt hơn trước nên gia đình rất yên tâm.

Nhìn ánh mắt và niềm vui của các em và gia đình sau khi phẫu thuật thành công, mới thấy được ý nghĩa nhân văn của chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh trong thời gian qua. Chương trình đã giúp hàng ngàn trẻ em được khám sàng lọc và phát hiện cứu chữa kịp thời với thủ tục hồ sơ nhanh chóng, gánh bớt nỗi lo cho những gia đình khó khăn.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.