Cùng mang sứ mệnh truyền tải thông tin nhưng thoảng nghe thì giữa âm nhạc và báo chí có vẻ như không liên quan, một mảng mộng mơ, thiên về cảm xúc nội tâm, chia sẻ những suy nghĩ của một cá nhân và có thể đó không phải câu chuyện cụ thể; một mảng cần tính thời sự diễn ra trong đời sống, đòi hỏi những thông tin chính xác, không được tự nghĩ ra. Ấy thế, ngẫm ra cũng có nhiều nét chung, song hành, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Tờ báo Văn Nghệ do nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao trình bày và bìa Báo Lao Động Xuân Nhâm Tuất 1982 do nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao thực hiện. Ảnh: Q.L |
Báo… âm nhạc!
Tôi đã nghĩ tới điều đó khi phát hiện trong nhiều cuộc trò chuyện với các nghệ nhân trong những chuyến sưu tầm, điền dã âm nhạc dân gian nhiều năm qua. Ấn tượng nhất trong tôi là những nghệ nhân hát xẩm đã tham gia rất tích cực công tác tuyên truyền phong trào Bình dân học vụ năm xưa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nâng cao dân trí, cấp bách nhất là xóa nạn mù chữ cho đồng bào. Ngày 2-9-1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức được thành lập thì ngay hôm sau 3-9, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 việc cấp bách, đứng đầu là nạn đói, thứ hai là nạn mù chữ. Bác nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ".
Thời đấy, báo giấy chưa phát triển mạnh, trong khi đại đa số người dân cũng chưa biết chữ nên phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất chính là sóng phát thanh và âm nhạc. Nhưng ngay cả phát thanh cũng rất non trẻ, ngày 7-9-1945, Đài Tiếng nói Việt Nam mới được thành lập, cho nên phương thức góp phần lan tỏa chính sách đến với người dân hữu hiệu nhất là qua công tác vận động, trong đó có lan tỏa bằng âm nhạc. Một trong những băng tư liệu chúng tôi thu thập được có nguồn gốc từ Đài Tiếng nói Việt Nam đó là bài xẩm sai “Tiễu trừ giặc dốt” của nghệ nhân Vũ Đức Sắc (Hà Nội). Tiễu trừ có nghĩa là tiêu diệt, bài hát nói thẳng ngay thông điệp “tiêu diệt giặc dốt”. Mở đầu là câu hát mang tính hiệu triệu: “A… lệnh truyền hỏa tốc thời hỡi các cấp mau mau! Bọn giặc dốt ở đâu quyết tâm trừ diệt…”.
Cái hay ở chỗ, người nghệ nhân đã mượn điệu hát sai vốn là âm nhạc được các thầy cúng sử dụng để trừ tà ma trong quan niệm dân gian. Khi đưa vào bài xẩm lại trở nên dí dỏm, hài hước tạo tiếng cười. Quan trọng hơn, với việc khai thác điệu hát này, nghệ nhân đã coi giặc dốt cũng là một thứ tà ma cần loại bỏ. Bài hát ở thời điểm ấy được phát sóng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được người nghệ nhân đi biểu diễn trực tiếp trong các buổi tuyên truyền vận động người dân tham gia phong trào Bình dân học vụ.
Cùng tham gia phục hồi hát xẩm với chúng tôi đầu những năm 2000, nhà nghiên cứu âm nhạc - GS.TS. Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Khang (1944-2017) nhớ lại những câu hát xẩm ông vẫn nghe từ khi còn tấm bé, cũng rất vui và dí dỏm: “Ai về chợ huyện Thanh Vân/ Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa/ Đánh vần năm ngoái năm xưa/ Năm nay quên hết như chưa đánh vần…”. Từ trí nhớ của giáo sư, sau này chúng tôi đã hồi sinh được bài xẩm tàu điện “Hỏi thăm cô Tú”, bây giờ đã trở nên quen thuộc.
Một buổi chiều tháng 3-2014, tôi về làng ca trù Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) thăm cụ nghệ nhân di sản Nguyễn Thị Chúc (1930-2014) lúc đấy như ngọn đèn trước gió. Bà Chúc từng là ca nương nổi tiếng đất Hà Thành xưa, gia đình có giáo phường sinh hoạt tại Khâm Thiên và Ngã Tư Sở.
Năm 1945 bà Chúc tròn 16 tuổi, cũng là thời điểm cao trào cách mạng, bà đã tạm gác nhịp phách để tham gia đội văn công tuyên truyền, đi hát khắp các phố phường Hà Nội. Đội văn công thường xuyên sử dụng hát chèo và dân ca lồng lời mới mang tính vào phù hợp với không khí và nội dung tuyên truyền. Nhiều câu hát bà vẫn giữ đến cuối đời mình, như những lời ca “Ai có bầu nhiệt huyết, thề giết bọn xâm lăng, để cứu lấy hai mươi nhăm triệu đồng bào…” là để tuyên truyền phong trào chiến đấu; trong khi động viên phụ nữ thì bà hát “Giờ này chồng con chị em ta tiến ra sa trường, hát khúc quân ca vang lừng dậy bốn phương…”.
Không chỉ lấy điệu cũ, lồng lời mới phù hợp tính thời sự mang đi tuyên truyền đến người dân, không chỉ xông pha trên khắp các nẻo đường để cất vang lời ca tiếng hát truyền thông điệp, chủ trương của Chính phủ đến với đồng bào, mà ngay từ thời Pháp thuộc, người nghệ sĩ dân gian xưa còn phát huy thế mạnh của mình để trở thành những chiến sĩ giao liên bí mật mang tài liệu vào khu vực bị đô hộ. Đây là câu chuyện rất phổ biến đối với những người hát xẩm. Do đặc thù là những người khiếm thị, lại có cái nghề hát xẩm đi lang thang khắp các làng quê vì thế những người hát ra vào các vùng tề (vùng Pháp cai quản, còn gọi là “vùng tạm chiếm”, “vùng tề” trong giai đoạn 1946-1954) rất thoải mái mà không bị đề phòng, kiểm soát.
Một trong những nghệ nhân Hà Nội rất tích cực trong hoạt động này là cụ Trùm Nguyên (tức Nguyễn Văn Nguyên). Thông qua lời kể của người học trò - ông Nguyễn Văn Gia (nghệ nhân hát xẩm người làng Phú Đô, đã mất), vì những đóng góp cho cách mạng, nên cụ Trùm Nguyên là nghệ nhân duy nhất được thành phố Hà Nội cấp phép cho hoạt động hát xẩm ở khu vực Bờ Hồ những năm 1970. Xin nói thêm, ở góc khác, kể từ sau năm 1954, với mong muốn giúp người khiếm thị có công ăn việc làm ổn định, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đặc thù đã được Nhà nước mở ra và có nhiều ưu đãi, người khiếm thị có công ăn việc làm ổn định, đời sống được đảm bảo hơn nhưng nghề hát xẩm lại vì thế mà mai một.
Hai nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc (giữa), Nguyễn Phú Đẹ và học trò Phạm Thị Huệ. Ảnh: Q.L |
Duyên báo - nhạc!
Phải nói thẳng rằng âm nhạc Việt Nam của chúng ta chưa có một nhân vật đạt tới đỉnh điểm để được coi là thiên tài, nhưng sáng tác được những bài cỡ “Thiên thai”, “Suối mơ” như Văn Cao (1923-1995) thì cũng phải đạt tới cảnh giới mà người thường chẳng thể làm được (!). Vậy nhưng ông còn nhiều tác phẩm xuất thần khác nữa: “Trương Chi”, “Cung đàn xưa”, “Buồn tàn thu” của nhạc lãng mạn hay tác phẩm cách mạng như: “Trường ca sông Lô”, “Tiến về Hà Nội”, “Bắc Sơn”, “Ngày mùa”, “Làng tôi”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Mùa xuân đầu tiên” và đặc biệt là “Tiến quân ca” được chọn làm quốc ca Việt Nam từ năm 1946 đến nay.
Văn Cao là một bậc kỳ tài, một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Ngoài âm nhạc ông còn sáng tác thơ ca, hội họa. Chắc do quá nổi trội trong hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc nên dù nhiều người biết nhưng không nhiều người nhắc tới một Văn Cao có mối liên hệ mật thiết với báo chí. Ông đã gắn bó với nhiều tờ báo khác nhau. Tháng 11-1944 báo Độc lập của Đảng Dân chủ Việt Nam thành lập, Nguyễn Đình Thi và Dương Đức Hiền phụ trách bài vở, Văn Cao phụ trách in ấn. Tháng 12-1945, Văn Cao chuyển sang Báo Lao Động, công việc chính là họa sĩ minh họa. Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông còn công tác và cộng tác với nhiều tòa soạn khác như Báo Văn Nghệ và hai tờ báo ở Hải Phòng có tên là Quân Bạch Đằng, Gió biển...
Sáng tác âm nhạc khi xưa chủ yếu phục vụ công tác tuyên truyền hoặc sở thích cá nhân, hoàn toàn không phải một nghề để kiếm sống, vì thế một nhạc sĩ tài danh như Văn Cao không dành toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của mình cho âm nhạc mà trong hoàn cảnh ấy, ông chọn phát huy thế mạnh khác của mình là hội họa và công tác tại các báo là điều dễ hiểu. Ở đây, báo chí không đơn thuần là nơi nương tựa trong đời sống mà vẫn giúp Văn Cao bay bổng trong thế giới nghệ thuật của mình, tạo dấu ấn riêng trong phong cách minh họa đến nay vẫn còn được nhắc tới.
Không chỉ Văn Cao, nhiều nhạc sĩ cũng đã chọn gắn bó một giai đoạn hoặc cả sự nghiệp của mình với báo chí và mang lại những dấu ấn riêng. Giống như trường hợp nhạc sĩ Hồng Đăng (1936-2022) tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”… Ông còn là một nhà báo chuyên nghiệp, trong đó có nhiều năm từ khoảng 1989 đến đầu những năm 2000 giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, Thế giới âm nhạc (đây là hai tên gọi qua các thời kỳ của tờ tạp chí Âm nhạc Việt Nam hiện nay thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam).
Ông đã viết nhiều khía cạnh, góc nhìn về âm nhạc nhưng với riêng tôi, ấn tượng nhất là phần trả lời thư bạn đọc của tạp chí Âm nhạc những năm 1990. Khán giả thì gửi về đủ mọi thắc mắc, phần trả lời của nhạc sĩ Hồng Đăng dễ hiểu và mở ra những kiến thức. Đây cũng là một trong những phần giúp cho lớp trẻ đi sau, trong đó có tôi, biết thêm nhiều thông tin âm nhạc.
Trong những buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc, tôi không thể nhớ hết bao nhiêu lần được trò chuyện cùng khán giả về bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Thú vị là bên cạnh bài ca cổ kinh điển này còn có thêm một bản phái sinh cũng rất nổi tiếng là “Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang” của Vũ Đức Sao Biển (1947-2020). Bài hát “ngọt” và “nhuyễn” vào “Dạ cổ hoài lang” như thể hai là một, một nhưng vẫn là hai. Viết được tác phẩm phái sinh, vừa tương đồng vừa riêng biệt không dễ. Người nhạc sĩ vừa phải theo mô-típ bài gốc vừa phải có nét mới và làm sao để không bị hào quang bài gốc vùi lấp. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều ca khúc như: “Thu hát cho người”, “Đau xót lý chim quyên”, “Điệu buồn phương Nam”…
Thêm một thú vị, nếu như trong âm nhạc Vũ Đức Sao Biển được ghi nhận thì ở lĩnh vực báo chí ông cũng uy tín không kém. Ông từng công tác và cộng tác với nhiều báo như Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ Cười, Kiến thức ngày nay... Ông được độc giả yêu thích với các bài thuộc thể loại phiếm luận với nhiều bút danh quen như Đồ Bì, Đinh Ba, Thầy Cãi, Đinh Mười Hai...
Ngay cả Vũ Đức Sao Biển cũng là một bút danh, tên thật của ông là Võ Hợi, là một người con xứ Quảng quê gốc Duy Xuyên, sinh ra tại Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng như một định mệnh đã đưa người con tài ba của xứ Quảng này đến với đất Bạc Liêu hai lần trong hai giai đoạn cuộc đời và rồi những tác phẩm âm nhạc mang đậm màu sắc dân gian Nam bộ ra đời và sống cùng thời gian.
Có thể coi âm nhạc cũng là một loại báo chí đặc biệt, đã được khai thác và sử dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ và đạt hiệu quả nhất định. Đồng thời trong suốt quá trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam nói chung, báo chí cách mạng nói riêng, có nhiều tên tuổi trong làng âm nhạc góp mặt vào làng báo tạo thêm màu sắc cho báo chí, đồng thời khẳng định mối tơ duyên gắn bó giữa âm nhạc với báo chí.
NGUYỄN QUANG LONG, Nhà nghiên cứu âm nhạc