Năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 3959-VH/QĐ xếp hạng Bia chùa Long Thủ là Di tích lịch sử cấp quốc gia, và chùa An Long là đơn vị được giao trực tiếp quản lý di tích này. Bài viết nhằm cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về Bia chùa Long Thủ - một trong những bằng chứng sớm nhất khắc trên đá về sự có mặt của làng xã Đại Việt tại vùng Đà Nẵng - đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội cử nhân viên vào làm bản dập văn bia; hiện còn lưu trữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội.
Bia Long Thủ đặt ở cổng tam quan (H. Cosserat chụp năm 1920). Ảnh: Tư liệu |
Sau thời kỳ Chăm-pa, vùng Đà Nẵng tiếp tục phát triển với sự hình thành các làng xã Đại Việt, chủ yếu gồm di dân từ các địa phương phía Bắc. Cột mốc thời gian bắt đầu các làng Đại Việt ở vùng Đà Nẵng thường được nói đến là các năm 1307, 1402 hoặc 1471. Tuy nhiên các cột mốc ấy chỉ dựa trên logic lịch sử hoặc căn cứ theo những câu mở đầu các cuốn gia phả các tộc họ, ghi theo ký ức truyền khẩu.
Bằng chứng sớm nhất khắc trên đá về sự có mặt của làng xã Đại Việt tại vùng Đà Nẵng là văn bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật, khắc năm 1640 trên vách động Hoa Nghiêm, núi Ngũ Hành Sơn. Văn bia này có ghi tên của năm người ở làng Hải Châu, năm người ở làng Phước Hải và một người ở làng Giếng Bộng (đều thuộc địa bàn Đà Nẵng ngày nay) cúng tiền trùng tu chùa ở núi Ngũ Hành. Năm 2022, văn bia này đã được Ủy ban UNESCO ghi vào danh sách Di sản tư liệu thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với các văn khắc khác trong hồ sơ Ma Nhai Ngũ Hành Sơn.
Chúng tôi xin đề cập một văn bia khác về làng xã Đại Việt ở khu vực Đà Nẵng tiếp sau văn bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật. Đó là văn bia Lập Thạch Bi Thủ Long Tự, lập vào năm 1657 (Niên hiệu Thịnh Đức thứ 5). Tấm bia này đã được H. Cosserat viết bài giới thiệu trên Bulletin des Amis du Vieux Huế, số 3 năm 1920. Bài viết có nhan đề “La pagode Long Thu, a Tourane” (Chùa Long Thủ ở Đà Nẵng). Tác giả cho biết đã nhìn thấy một tấm bia gãy làm đôi và được dựng ghép lại trong một cổng tam quan cũ kỹ phía sau lưng Bảo tàng Chàm lúc bấy giờ. Ông đã nhờ một viên chức của Tòa Khâm sứ, là Bùi Văn Cung, dịch văn bia ra tiếng Pháp. Nội dung văn bia ghi lại việc các hương chức và dân làng Nại Hiên góp ruộng, tiền để đúc chuông dựng chùa, sau khi họ nhìn thấy một linh tượng hỉnh đầu rồng xuất hiện ở địa điểm này.
Tác giả bài viết chú ý đến chất liệu sa thạch và hình dạng lá đề của tấm bia và giả định rằng người dân đã sử dụng lại một hiện vật từ kiến trúc Chăm để làm nên. Những người già tại địa phương đã kể cho tác giả về khả năng ngôi chùa đã bị tàn phá thời chiến tranh và các hiện vật chuông, tượng đã thất lạc. Cảm khái trước tấm bia cổ, H. Cosserat viết những dòng kết thúc bài viết, có thể lược dịch như sau: "Tóm lại, tôi chỉ nêu lên chủ đề, để lại cho những người khác uyên bác hơn nghiên cứu sâu và cho chúng ta biết tất cả các chi tiết, nếu có thể được, về lịch sử di tích này, có lẽ là di tích độc nhất vô nhị của vùng này xét về mặt cổ xưa và là cứ liệu sau cùng của một thời kỳ chỉ còn để lại một vài dấu tích rất hiếm hoi".
Bài viết của H. Cosserat đã gây được sự chú ý của cả giới khảo cổ và chính quyền đương thời. Ngày 16-5-1925, Quyền Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Monguillot đã ký Nghị định xếp loại các công trình lịch sử trên lãnh thổ Đông Dương để được quan tâm bảo quản; ở khu vực Đà Nẵng có 4 di tích được đưa vào Nghị định này là Hải Vân Quan, Ngũ Hành Sơn, Nghĩa địa Pháp - Y-pha-nho và Bia chùa Long Thủ (tên trên văn bia là chùa Thủ Long). Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội cũng cử nhân viên vào làm bản dập văn bia; hiện còn lưu trữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội.
Một điều đáng tiếc là, những năm gần đây, chùa An Long sau nhiều lần trùng tu, đã di chuyển tấm bia cổ vào đặt dưới một bệ thờ ở sân chùa, che khuất phía sau một bục thờ mới. Thực tế, không ít du khách trong nước và quốc tế muốn tìm đến xem và nghiên cứu về tấm bia cổ này. Nhưng chúng tôi rất ngần ngại không tiện đưa du khách chứng kiến tình trạng khuất lấp và thực tế cũng không thể nào đọc hay nhìn được trọn vẹn tấm bia tại vị trí hiện nay.
Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11, rất mong các cơ quan chức năng của thành phố và Trụ trì chùa An Long quan tâm tìm một cách thức trưng bày phù hợp hơn đối với một hiện vật có ý nghĩa như là một cột mốc trong lịch sử của thành phố; từng được xếp hạng là Di tích lịch sử của toàn Xứ Đông Dương và được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.