"Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý"

.

Trong tư tưởng của Nho giáo hàng ngàn năm nay, người thầy có một vị trí, vai trò quan trọng, được thể hiện rất rõ trong quan niệm “Tam cang giả” (Quân - Sư - Phụ). Theo đó, dù không có quyền lực tối thượng như vua, không có công sinh thành như cha nhưng thầy vẫn được đặt lên hàng “Tam cương” với sự coi trong đặc biệt.

Với một dân tộc trọng đạo lý, người Việt ta xưa nay cũng luôn truyền tụng bao lời răn dạy các thế hệ học trò: “Trọng thầy mới được làm thầy”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy"; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… để học trò thấu hiểu rằng, thầy dù không có công sinh thành như mẹ cha nhưng có thiên chức dạy dỗ, bảo ban, dìu dắt học trò thành người. Thậm chí, học trò ngày xưa còn được cha mẹ gửi gắm học ở nhà thầy, được sống với thầy nhiều hơn ở nhà, mọi chuyện đều phó thác thầy săn sóc, giúp đỡ, cái gì không biết cứ hỏi thầy, nhờ thầy.

Ngược về quá khứ, trong một giai đoạn lịch sử rất dài khi mà người hay chữ không nhiều, những ông thầy đồ, sau này là những thầy giáo làng dạy học ở các làng quê đặc biệt được coi trọng. Những người thầy luôn hiện diện bằng một biểu tượng uy nghiêm, vừa đạo mạo, chỉn chu, vừa lấp lánh hào quang của trí tuệ và sự mực thước, là tấm gương cho học sinh noi theo và tôn kính, trọng vọng…

Trải qua bao thăng trầm thời gian, biết bao thế hệ những người thầy miệt mài và cần mẫn đưa lớp lớp học trò lần lượt cập bến tương lai cùng bao ước vọng thầy gửi gắm khi chúng vào đời. Niềm hạnh phúc của người thầy cũng thật giản dị, ấy là được nhìn thấy học trò mình thành công, giỏi giang, trở thành người có ích cho xã hội. Thầy giữ cho riêng mình những ưu tư thầm lặng khi có đứa học trò chưa ngoan, trăn trở với từng bài giảng, mủi lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh éo le của những học trò mất mát, thiệt thòi. Một chữ thầy thôi sao mà thiêng liêng, cao cả!

Ngày nay, cùng với sự dịch chuyển của thời đại, đặc biệt trong một xã hội cởi mở với nhiều nền tảng thông tin, sự học của học trò đã được mở rộng và độc lập hơn rất nhiều. Điều này cũng tạo ra những áp lực đáng kể cũng như kỳ vọng nhiều hơn về “chuẩn mực nghề” của người thầy. Nghĩa là thầy vừa dạy, vừa phải không ngừng học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất cho công việc “trồng người” ngày càng khó nhọc với những chuẩn giá trị mới mà xã hội mong muốn.

Từ những người thầy chỉ biết dạy chữ hàn lâm, trang bị đạo đức một cách khuôn phép, đã xuất hiện những người thầy truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy đam mê sáng tạo, thấu hiểu để thức tỉnh được trắc ẩn sâu kín trong nội tâm của học trò. Nghĩa là thầy đã biết thay đổi chính mình, bằng một “công cụ nghề” được mài dũa trên cơ sở nắm được tâm lý, khuynh hướng nhận thức của học sinh. Họ đã chuyển từ việc “dạy những gì thầy biết” sang “dạy những gì trò cần” một cách khéo léo và hiệu quả. Bởi thế, nhiều người thầy đã trở thành thần tượng trong mắt học trò, được học trò ngưỡng mộ và rất mực yêu kính, tạo được ảnh hưởng lớn lao trên con đường luyện rèn, trưởng thành của học sinh. Như William Arthur Ward đã từng khẳng định: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”.

Có lẽ, cũng vì khoảng cách đã được thu hẹp, sự cởi mở, dân chủ trong ứng xử giữa thầy và trò, thầy cô và phụ huynh được đề cao, nên ngày nay đâu đó trong học đường vẫn chứng kiến những câu chuyện phi chuẩn mực ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và quy phạm nghề giáo. Đó là hành vi thất lễ của trò với thầy; là sự non kém về nghiệp vụ dẫn đến việc hành xử chưa đúng mực của thầy với trò; là phản ứng thiếu kiểm soát và tôn trọng của phụ huynh đối với nhà trường… Mặc dù vậy, tin rằng những “sự cố” này chỉ là thiểu số, không mang tính đại diện.

Ở bất cứ thời đại và xã hội nào, vai trò và sứ mệnh của người thầy là đặc biệt quan trọng. Vì thế, hãy trả cho thầy cô bắt đầu bằng lòng tin yêu và tôn kính; hãy cảm thông, thấu hiểu và cổ vũ họ trong hành trình dạy dỗ, hun đúc nên nhân cách cho con em mình; hãy quyết liệt hơn để loại bỏ những hình ảnh xấu xí, phản sư phạm đã và đang diễn ra trong môi trường giáo dục các cấp; cuối cùng, hãy nhanh chóng cải thiện chế độ, chính sách cho lực lượng đặc biệt quan trọng này vì họ xứng đáng có được một cuộc sống tốt hơn với sự tôn trọng cao nhất của xã hội.

Người thầy cần được trả về với bản ngã đích thực bằng tầm vóc và vị trí không thể thay thế như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Để hình ảnh và thiên chức người thầy mãi lấp lánh và xứng đáng với danh xưng “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

NGÔ THẾ LÂM, Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa

;
;
.
.
.
.
.