Buổi sáng cuối tháng Mười, Đà Nẵng cuối tuần đón một vị khách đặc biệt: Đại tá Phan Văn Cúc, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Trái với dự đoán của chúng tôi, ông không nói nhiều về những chiến công hay cuộc đời binh nghiệp của mình. Thay vào đó, ông rưng rưng kể về Trung tá Vũ Tấn Ích, người thuyền trưởng huyền thoại của 9 chuyến tàu không số, nay đã bước sang tuổi 94.
Thuyền trưởng tàu không số Vũ Tấn Ích (bên phải) trao đổi cùng Đại tá Phan Văn Cúc một số tài liệu lịch sử viết về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: T.Y |
Chiếc mỏ neo in đậm giữa trán mình
Câu chuyện xúc động với Đại tá Phan Văn Cúc dẫn lối chúng tôi tìm đến gặp người thuyền trưởng của đoàn tàu không số trong ngôi nhà nhỏ nằm trong kiệt Nguyễn Tri Phương. Bên ngoài, tiếng xe cộ vẫn lướt qua đều đặn, nhưng bên trong, thời gian như lắng lại để nghe rõ hơn câu chuyện về sóng, về gió và về những chuyến hải trình vượt biển đầy cam go, thử thách.
Ký ức của người thuyền trưởng 9 lần dẫn dắt tàu không số mang vũ khí, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam quay lại thời điểm đầu năm 1963, khi đôi chân còn dọc ngang dưới những cánh rừng Trường Sơn theo đường dây giao liên “biệt phái” ra miền Bắc nhận nhiệm vụ. Tại ngôi nhà của Bộ Quốc phòng, số 83 đường Lý Nam Đế (Hà Nội), người đảng viên 33 tuổi quê thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mang bí danh Hồng Hải Chiến được cấp trên giao nhiệm vụ trở thành thuyền trưởng kiêm Chính trị viên, Bí thư chi bộ Đội 6 (tên gọi khác của tàu 56, thuộc Đoàn Vận tải quân sự 759, đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), chi viện vũ khí cho miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, mỗi tuần một lần, ông được Trung tướng Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759 chở xuống Xưởng đóng tàu Bạch Đằng 3 (Hải Phòng) để “thăm con tàu sắt 56” trọng tải 100 tấn đang gấp rút thi công chờ ngày hạ thủy. Chờ đợi mãi rồi cũng đến đêm 12-4-1964, 12 cán bộ, thủy thủ đoàn được đưa đến con tàu sắt 56 đang neo đậu trong Quân cảng Hải quân Đoàn 130 ở vịnh Hòn Kẽm (Quảng Ninh), nhận nhiệm vụ vận chuyển gần 50 tấn vũ khí vào Bạc Liêu.
Với vẻ ngoài ngụy trang tàu đánh cá, con tàu sắt do thuyền trưởng Vũ Tấn Ích chỉ huy rẽ sóng hướng về vùng biển phía Nam. Suốt hành trình dài ngày lênh đênh trên biển, tàu số hiệu 56 liên tục đổi hướng để tránh sự tuần tra, phát hiện của kẻ thù. Nhiều lần, khi thấy bóng dáng tàu địch từ xa, ông cùng đồng đội lập tức dừng tàu, tắt toàn bộ hệ thống đèn và động cơ, giả vờ đang đánh cá. Đêm đầu tàu vào Bến Tre, biển động, bốn tàu địch bắn pháo sáng, đèn pha rà quét một vùng mặt nước. Thủy thủ tàu vừa dùng sào đo sâu tiến chậm, vừa sẵn sàng chiến đấu. Tình thế căng thẳng khi 3 giờ sáng tàu vẫn chưa thể bắt được tín hiệu với bờ. Sau khi hội ý cấp ủy, thuyền trưởng Vũ Tấn Ích lệnh tàu chạy ra vùng biển quốc tế tiếp tục ngụy trang chờ đợi.
“Tàu buộc phải ra lại vùng biển quốc tế, từng giây phút trôi qua như kéo dài vô tận. Mọi người hiểu rằng, mỗi diễn biến tiếp theo đều có thể là cơ hội sống còn, hoặc ngược lại, là kết thúc, là thất bại. Trong bóng tối mịt mùng của biển đêm, tôi nhớ lại lời Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam “bám bờ là thắng lợi, bám bờ là chiến thắng, vì sông biển là của ta, đất nước ta có nhân dân ta”, nhớ lời nói của Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát trong buổi đưa tiễn “các em đi đâu, về đâu, công tác gì, cũng nhớ in đậm chiếc mỏ neo giữa trán mình mà tìm hướng xử lý”, ông Ích xúc động nhớ lại chuyến hải trình đầu tiên không thuận buồm xuôi gió.
Đêm hôm sau, ông cho tàu chạy dọc về phía Nam, quan sát tín hiệu của “lực lượng bám bờ” nhưng mãi đến hơn 3 giờ sáng mới phát hiện một thuyền dân đang thả lưới đánh cá gần bến Vàm Lũng (Cà Mau). Sau khi hai bên trao đổi ám hiệu, thấy khớp, ông mừng rỡ khi biết tàu đã vào vùng giải phóng nhưng thời điểm này tàu mắc cạn, phải ngụy trang phơi lưới, cá khô và nhận lệnh không được nổ súng dù trên trời, máy bay địch đang tiếp tục quần thảo. Chờ thủy triều lên, tàu tiếp tục di chuyển vào vùng dừa nước rậm rạp để bốc hàng. Mùa này biển động, nhưng con tàu 56 sau khi chuyển hàng xong vẫn quyết định di chuyển về cảng Đồ Sơn (Hải Phòng) sớm nhất. Để tàu bớt nổi, anh em bỏ lên tàu ít thóc gạo và mấy buồng dừa nước. Cả thời gian đi và về của chuyến tàu ấy chưa đến 10 ngày, được Trung tướng Trần Văn Trà biểu dương “tàu đi sau về trước” vì tàu sắt số 1 và bốn tàu gỗ mang tên Phương Đông 1, 2, 3, 4 lúc này vẫn còn ở miền Nam.
Sau thắng lợi đầu tiên, thuyền trưởng Vũ Tấn Ích tiếp tục dẫn dắt 8 chiếc tàu không số khác trong những năm từ 1964 đến 1967 để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Không phải chuyến đi nào cũng cập bến an toàn. Có chiếc bị vướng đá ngầm Hoàng Sa, phải tìm cách dỡ hàng rồi sau đó hủy tàu không để lại dấu vết. Có chiếc đi giữa đường bị sóng đánh gãy ống dẫn dầu dẫn đến không thể bơm dầu xuống máy lái, tự trôi trên biển suốt 2 tuần nhưng không thể báo cáo sự cố về đất liền vì yêu cầu tuyệt mật. Và đau thương nhất, là con tàu 198 do ông điều khiển rời miền Bắc đêm 6-7-1967 mang theo gần 100 tấn vũ khí gồm đạn, lựu đạn, súng trường, thuốc nổ, súng phòng không, súng AK-44… bị lực lượng tham gia Market Time (do quân đội Mỹ triển khai nhằm ngăn chặn hoạt động của đoàn tàu không số - PV) phát hiện khi cách bến Ba Làng (Quảng Ngãi) 6 hải lý.
Đau đáu một nỗi niềm
Không còn gắn bó với đoàn tàu không số kể từ sau thất bại của tàu 198 nhưng ông Vũ Tấn Ích vẫn luôn là ngọn hải đăng trong lòng đồng đội. Những chuyến tàu không số do ông dẫn dắt đã trở thành huyền thoại. Mỗi chuyến đi đều chứa đựng những khoảnh khắc sinh tử. Những hy sinh thầm lặng. Thậm chí đặt con người vào lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Là minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của các thế hệ chiến sĩ hải quân Việt Nam trên hành trình sát mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. |
Ông Ích nói, đó là ký ức đau thương nhất cuộc đời ông. Bởi khi phát hiện tàu sắt, phía Mỹ điều động 5 tàu lớn truy đuổi với mục tiêu bắt sống tàu và thủy thủ tàu trên sông Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Trước sự vây ráp của quân đội Mỹ, ông Ích cùng đồng đội vừa dùng đại liên 12.7 bắn trả, vừa tìm cách luồn lách đưa tàu vào bờ. Tuy nhiên, trước sức công phá của địch, chỉ thời gian ngắn, tàu 198 bốc cháy, thuyền trưởng Vũ Tấn Ích đã phải đưa ra quyết định khó khăn: ông và một nhóm thủy thủ rời tàu, nương theo con sóng cố gắng bơi vào bờ sau khi cử thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp, chính trị viên Huỳnh Ngọc Thạch ở lại hủy tàu bằng bộc phá. Tuy nhiên, tàu 198 không phát nổ theo kế hoạch.
Hai đồng đội hy sinh. Thất bại của 198 (hay Skunk Alpha - Chồn Alpha theo cách gọi của người Mỹ) đã đưa cuộc đời binh nghiệp của thuyền trưởng Vũ Tấn Ích đi theo một hướng rẽ khác. Sau sự cố đau thương đó, cấp trên điều chuyển ông về đơn vị đặc công nước, trở thành Tiểu đoàn trưởng đơn vị tàu rà phá ngư lôi. Sau này, ông giữ vị trí Tham mưu trưởng Đoàn 171, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng 1975 và công tác tại Quân khu 5 đến ngày về hưu với quân hàm Trung tá.
Mặc dù không còn gắn bó với đoàn tàu không số kể từ sau thất bại của tàu 198, nhưng ông Ích vẫn luôn là ngọn hải đăng trong lòng đồng đội. Những chuyến tàu không số do ông dẫn dắt đã trở thành huyền thoại. Mỗi chuyến đi đều chứa đựng những khoảnh khắc sinh tử. Những hy sinh thầm lặng. Thậm chí đặt con người vào lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Là minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của các thế hệ chiến sĩ hải quân Việt Nam trên hành trình mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Nhiều năm qua, trong các cuộc gặp mặt của Hội truyền thống CLB Đoàn tàu không số - Lữ đoàn 125 Hải quân, đồng đội luôn nhắc đến ông với niềm tự hào, mến yêu và kính trọng. Và hơn hết trong lòng họ, luôn day dứt câu hỏi vì sao một người chỉ huy dũng cảm, với nhiều chiến công như thuyền trưởng Vũ Tấn Ích vẫn chưa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân? Bao cuộc họp bình xét, bao tờ trình của Hội truyền thống đề nghị xét phong tặng danh hiệu cho ông đã được gửi đi, nhưng đến nay vẫn chưa nhận hồi âm.
Ở tuổi 100, ông Hồ Tăng Nhuận, thủy thủ trưởng trên chuyến tàu 56, hiện sống tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) vẫn đau đáu một nỗi niềm về người thuyền trưởng mà ông kính trọng. “Con tàu sắt thứ 2 mang mật hiệu 56 rời bến khá thô sơ, chỉ trang bị một la bàn, một bản đồ, một thước gỗ, một ống nhòm và một chiếc đèn pin để móc nối tín hiệu với bờ. Đoàn tàu bí mật rời bến. Toàn bộ thủy thủ tàu không mang theo vết tích nào của miền Bắc, thậm chí cả kỷ vật cá nhân cũng để lại nơi bờ.
“Không chỉ là thuyền trưởng, ông Ích còn là ngọn hải đăng của cả con tàu. Giữa lúc cam go nhất, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, khi tàu địch tuần tra đến gần, chính sự quyết đoán và lòng quả cảm của ông đã giúp cả đoàn giữ vững tinh thần, tìm giải pháp và đưa tàu cập bến Vàm Lũng an toàn”, ông Nhuận bồi hồi nhớ lại chuyến đi đầu tiên, sau khi ông được điều từ Tập đoàn đánh cá Hạ Long về nhận nhiệm vụ tham gia cùng thuyền trưởng Vũ Tấn Ích đưa 50 tấn vũ khí vào Bạc Liêu bằng đường biển.
Ở tuổi xưa nay hiếm, người thuyền trưởng Vũ Tấn Ích năm nào nay sống trong tình yêu thương của đồng đội, thậm chí của những người lính hải quân không tham gia vào chuyến hải trình đầy cam go của đoàn tàu không số.
Trong câu chuyện của mình, đại tá Cúc nói, nếu vì chuyện này mà việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chưa được các cấp xem xét là quá thiệt thòi cho Trung tá Vũ Tấn Ích. Bởi lẽ, thông tin về cuộc rượt đuổi, những kế hoạch chi tiết của quân đội Mỹ được phía Mỹ thuật lại khá chi tiết trong bài báo tiếng Anh “Chiến thắng trên sông Sa Kỳ”, phần nào làm sáng tỏ chi tiết vì sao con tàu không thể tự hủy: “Trong trận đánh Chồn Alpha, đạn cối đã tình cờ làm bung nút kích nổ 2.000 bảng thuốc nổ NTN, nếu không, quân đội Mỹ sẽ thiệt hại lớn nếu Chồn Alpha phát nổ theo đúng kế hoạch của họ”.
Câu chuyện lịch sử phần nào được sáng rõ. Chỉ còn người trong cuộc vẫn đau đáu nỗi niềm về những mất mát, hy sinh. Để mỗi lần nhắc lại, nỗi niềm ấy lại trào dâng, như một vết thương chưa bao giờ lành hẳn.
TIỂU YẾN