Người trẻ "giữ hồn đô thị"

.

“Chuyện phố” và “Hồn phố” là hai triển lãm thuộc khuôn khổ ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024 do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào trung tuần tháng 11. Tại đây, du khách ấn tượng với những bức tranh ký họa, những mô hình thu nhỏ về một đô thị Đà Nẵng theo dòng chảy thời gian do những bạn trẻ nỗ lực thực hiện.

Mô hình Bảo tàng Điêu khắc Chăm của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm tại  triển lãm
Mô hình Bảo tàng Điêu khắc Chăm của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm tại triển lãm "Hồn phố". Ảnh: X.S

Trong đó, “Chuyện phố” gồm 30 tác phẩm tranh ký họa, kể, vẽ lại một phần bức tranh đô thị Đà Nẵng thời Pháp thuộc, giúp người xem hình dung rõ hơn ký ức không thể quên của một thời “thị dân nhượng địa Đà Nẵng” chịu ảnh hưởng phương Tây. Còn “Hồn phố” quy tụ những mô hình công trình kiến trúc tiêu biểu. Tham gia triển lãm “Hồn phố”, nhóm sinh viên Nguyễn Trung Nam, Nguyễn Thảo Phương, Nguyễn Thị Mỹ Lan, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) mang đến mô hình Bảo tàng Điêu khắc Chăm được tạo hình sinh động bằng vật liệu tái chế từ giấy, bìa các-tông, que kem…

“Nhóm em chọn tái hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bởi đây là một địa điểm mang giá trị văn hóa - lịch sử rất lớn, gắn liền với hình ảnh thành phố. Bên cạnh đó, chúng em cũng có nhiều kỷ niệm với nơi này thông qua các buổi học, các chuyến tham quan thực tế liên quan ngành học của mình”, Trung Nam chia sẻ.

Ngoài ra, hình ảnh Tòa thị chính 42 Bạch Đằng, Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng, Cung Thể thao Tiên Sơn… cũng được những người trẻ thể hiện sinh động. Theo Trung Nam, khi thực hiện mô hình, nhóm đã tìm hiểu rất kỹ về lịch sử hình thành và phát triển để tái hiện chính xác. Đồng thời, các mô hình đều ưu tiên sử dụng chất liệu thân thiện môi trường, dễ tìm thấy ở bất cứ đâu. Điều này tạo cảm giác gần gũi nhưng vẫn thể hiện tinh thần sáng tạo và làm nổi bật thông điệp bảo vệ môi trường lồng ghép trong những câu chuyện văn hóa.

“Việc tham gia triển lãm, với chúng em không chỉ là sân chơi sáng tạo mà còn là cơ hội để học hỏi, áp dụng kiến thức đã học thông qua những buổi nghiên cứu lịch sử, tìm kiếm hình ảnh, tư liệu liên quan về Bảo tàng Điêu khắc Chăm”, Nam cho biết. Như những đội thi khác, Nam mong muốn sản phẩm của mình và các bạn được lưu giữ lâu dài để giới thiệu, lan tỏa nét văn hóa thành phố với du khách gần xa.

Trong khi đó, qua nét bút ký họa, một phần đô thị Đà Nẵng mang dấu ấn xưa như Tòa thị chính 42 Bạch Đằng, Thành Điện Hải, chợ Cồn, Trường Tiểu học Phù Đổng, nhà cổ Tích Thiện Đường, cầu Nam Ô, cầu Nguyễn Văn Trỗi, căn nhà số 71 Hoàng Diệu… được tái hiện sinh động. Đây là tâm huyết của các thành viên CLB Trạm Ký thuộc Hội Sinh viên Đại học Duy Tân. Hoạt động từ năm 2022, nơi này trở thành sân chơi sáng tạo nghệ thuật của những bạn trẻ đam mê kiến trúc và hội họa từ nhiều trường trên địa bàn thành phố.

Sinh viên Văn Viết Nam (Đại học Duy Tân), đại diện CLB chia sẻ, đây là lần thứ hai Trạm Ký tham gia ngày hội Di sản văn hóa. Theo đó, các thành viên chủ động nghiên cứu các công trình, chọn góc đặc sắc nhất để thể hiện tác phẩm. Thành quả của một tháng là 30 bức ký họa chỉn chu về bố cục, ánh sáng, chi tiết và được nhiều du khách ưa thích.

Theo Văn Viết Nam, được tham gia vào ngày hội Di sản văn hóa thành phố là dịp để những người trẻ yêu nghệ thuật trau dồi khả năng, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa xưa và giao lưu với những người đi trước có kinh nghiệm. CLB hy vọng những tác phẩm ký họa sẽ được giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng thông qua những postcast, tư liệu, chương trình quảng bá.

Những bức tranh, những mô hình đã thể hiện đúng tinh thần câu chuyện “làng lên phố” và “trong phố có làng” của đô thị Đà Nẵng được Bảo tàng Đà Nẵng nhấn mạnh tại ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện nhìn nhận: “Trên chặng đường dài hình thành và phát triển của mình, thành phố Đà Nẵng - mảnh đất nơi “đầu sóng ngọn gió” trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử đã vươn mình phát triển thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Trung - Tây Nguyên.

Dẫu vậy, giữa lòng phố thị hiện đại vẫn hiện hữu những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian như sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện đại, ẩn chứa bao câu chuyện văn hóa - lịch sử và góp phần làm nên “phần hồn đô thị” cho Đà Nẵng”. “Phần hồn đô thị” ấy đã và đang được những người trẻ chung tay gìn giữ, phát huy từ những sự kiện văn hóa - nghệ thuật tại thành phố bên sông Hàn.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.